'Cố thủ' ở Hong Kong, 'bom tấn' Snowden còn kéo dài

Trong khi cựu Cục trưởng Bảo an Hong Kong Regina Ip Lau Suk-yee khuyên Edward Snowden rời Hong Kong (Trung Quốc) nếu muốn bảo vệ bản thân, người tiết lộ bí mật "động trời" của tình báo Mỹ lại quyết định đặt số phận mình trong tay tòa án và nhân dân Hong Kong.

Việc Snowden ở lại Hong Kong không chỉ biến nơi đây thành tâm điểm lùng sục của giới truyền thông thế giới, mà còn có thể làm dấy lên làn sóng tranh cãi xung quanh số phận “kẻ tội đồ” này.

Khách sạn Mira, từng là nơi trú ẩn của Snowden ở Hong Kong. Ảnh: Internet.


Đến Hong Kong từ ngày 20/5, nhưng cựu nhân viên tình báo Mỹ Snowden gần như ở lỳ bên trong khách sạn Mira thuộc khu Tsim Sha Shui vốn nhộn nhịp nhất trên bán đảo Cửu Long (
Hong Kong). Mãi đến hôm 9/6, Snowden mới công khai sự có mặt của mình ở Hong Kong. Kể từ đó, dấu vết của Snowden không chỉ trở thành tâm điểm lùng sục của báo giới Hong Kong, mà còn của nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới. Đã có lúc Snowden “biến mất” sau khi trả phòng ở khách sạn Mira vào ngày 10/6 làm dấy lên đồn đoán về khả năng “người mách lẻo” đã rời khỏi Hong Kong hoặc đã bị trừ khử. Trên thực tế, Snowden vẫn ở Hong Kong.

Câu chuyện mà Snowden mang đến Hong Kong không chỉ đơn thuần là tiết lộ chung chung về chương trình PRISM theo dõi người dùng Internet của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), mà bao gồm cả các những lần thâm nhập cụ thể vào các máy tính dân sự ở Hong Kong. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền dành cho tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng số ra ngày 14/6, Snowden đã đưa ra chi tiết các cuộc tấn công máy tính Hong Kong của NSA, gồm thời gian, địa chỉ IP các máy tính bị xâm nhập cũng như hành động đó vẫn đang được tiến hành hay đã kết thúc. Số liệu mà Snowden thống kê cho thấy tỉ lệ thành công của các cuộc tấn công vào máy tính Hong Kong do NSA thực hiện là 75%.

Cũng vì câu chuyện đó, Snowden có thể bị nhìn nhận như một “kẻ tội đồ”, thậm chí là “tên phản quốc”. Tuy nhiên, đối với cựu nhân viên tình báo này, anh ta cho rằng mình đến Hong Kong không phải để trốn tránh luật pháp, mà là để tiết lộ về hành vi phạm tội. Khi trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Snowden cũng bày tỏ sự tin tưởng mãnh liệt vào luật pháp Hong Kong và nói rằng mình có rất nhiều cơ hội rời khỏi Hong Kong. Nhưng cuối cùng Snowden vẫn ở lại và không thấy có lý do gì để nghi ngờ về quyết định đặt số phận vào tay người dân cũng như tòa án Hong Kong.

Liệu rằng Snowden đã đúng khi lựa chọn Hong Kong, vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc, để chống lại bất cứ nỗ lực nào của chính quyền Mỹ trong việc dẫn độ Snowden về nước xét xử? Theo một nguồn tin của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, thực tế sẽ nhanh chóng có câu trả lời. Việc Snowden lựa chọn Hong Kong có thể là do nơi đây vẫn là trung tâm thông tin của thế giới và dư luận xã hội sẽ khiến việc dẫn độ hoặc trục xuất Snowden gặp phải rắc rối.

Thực tế cũng cho thấy, các nhà hoạt động xã hội ở Hong Kong đã lên kế hoạch biểu tình ủng hộ Snowden trước Tổng Lãnh sự quán Mỹ vào chiều mai (15/6). Trong một tuyên bố đưa ra, In-media, đơn vị tổ chức biểu tình, đã kêu gọi chính quyền Hong Kong tôn trọng các tiêu chuẩn và trình tự quốc tế hợp pháp liên quan tới việc bảo vệ Snowden. In-media cũng lên án việc chính quyền Mỹ vi phạm quyền riêng tư của công dân và kêu gọi không được xét xử Snowden.

Dẫu vậy, theo thông tin mới mất, Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự và đang triển khai các biện pháp cần thiết để khởi tố Snowden vì tội làm lộ bí mật quốc gia. Vấn đề còn lại là Snowden có bị dẫn độ về Mỹ hay không? Từ chối bình luận về trường hợp cụ thể, nhưng Trưởng Đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh cho biết Hong Kong sẽ xử lý bất cứ đề nghị dẫn độ nào của Mỹ theo hệ thống pháp luật của Đặc khu. Trong khi đó, cựu Cục trưởng Bảo an Hong Kong Regina Ip Lau Suk-yee nhận định trường hợp của Snowden nhiều khả năng phù hợp với hiệp định dẫn độ mà Hong Kong đã ký kết với Mỹ.

Theo Ủy viên Hội đồng Lập pháp, đại luật sư Ronny TONG Ka-wah, nếu chính quyền Hong Kong chấp nhận đề nghị dẫn độ Snowden của phía Mỹ sẽ phải xin phán quyết của tòa án. Phía tòa án sẽ phải xem xét các hành vi liên quan của Snowden có cấu thành tội hình sự ở Hong Kong hay không cũng như việc dẫn độ Snowden có phù hợp với lợi ích của Hong Kong, lợi ích của quốc gia (Trung Quốc) hay không. Ngoài việc xin phán quyết của tòa án, chính quyền Đặc khu còn phải thông báo cho chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

Nhận định về thời gian thực hiện quá trình tư pháp đối với trường hợp của Snowden, Giám đốc tổ chức Giám sát Quyền con người ở Hong Kong, ông Law Yuk-kai cho rằng chí ít cần tới vài năm. Do đó, Snowden cần phải có sự giúp đỡ của các luật sư. Nhưng Snowden cũng có một lựa chọn khác để chống lại nỗ lực dẫn độ của Mỹ là tìm kiếm quy chế tị nạn từ Văn phòng Cao ủy Người tị nạn ở Hong Kong hoặc lợi dụng kẽ hở trong Luật Tị nạn của Hong Kong để xin tị nạn chính trị ở đây, trở thành đối tượng không chịu sự điều chỉnh của hiệp định dẫn độ mà Hong Kong đã ký với Mỹ năm 1996 và có hiệu lực từ năm 1998. Điều đó có nghĩa câu chuyện Snowden sẽ còn kéo dài và việc xử lý những bung xung từ sự kiện này sẽ trở thành khảo nghiệm đối với quan hệ Mỹ-Trung nói chung và quan hệ giữa Mỹ và Hong Kong nói riêng.


Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hong Kong)
Những 'kẻ lộ bí mật' nổi tiếng giờ ra sao?
Những 'kẻ lộ bí mật' nổi tiếng giờ ra sao?

Cuộc sống của những người đi ngược lại tiếng nói của quyền lực, tiết lộ thông tin mật như Edward Snowden, chưa bao giờ dễ dàng. Dù là ai, đang làm việc ở vị trí nào, họ đều phải đương đầu với nhiều tình huống khó khăn trong cuộc sống sau khi quyết định "ngừng giữ im lặng".

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN