Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Qatar với 4 nước gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Barain và Ai Cập đang có dấu hiệu nới lỏng, hội nghị đã được hy vọng sẽ tạo ra sự khởi động cho tiến trình hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao này.
Sau một ngày thảo luận về các vấn đề an ninh hàng hải, ảnh hưởng của Iran tại khu vực, xung đột Israel - Palestine, cuộc khủng hoảng Syria và cuộc chiến tại Yemen, hội nghị đã kết thúc với một tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác an ninh và quân sự, cũng như cam kết thiết lập một khối tài chính và tiền tệ vào năm 2025, phù hợp với mục tiêu tăng cường sự gắn kết, hợp tác và bổ sung giữa các quốc gia thành viên.
Một điều đáng chú ý tại hội nghị là việc đại biểu 6 nước thuộc GCC đã đi đến kết luận cần phải thúc đẩy hợp tác và tiến hành các nỗ lực hòa giải nhằm giải quyết rạn nứt trong khu vực vùng Vịnh. Tuyên bố được cho là nhằm hướng đến việc giải quyết căng thẳng với Qatar, quốc gia bị 4 nước gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Barain và Ai Cập - nước không phải thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - cắt đứt quan hệ ngoại giao từ ngày 5/6/2017 vì cho rằng chính quyền Qatar ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này và hậu thuẫn các nhóm phá hoại ổn định chính trị.
Qatar bị 4 nước trên cáo buộc ủng hộ tổ chức khủng bố Anh em Hồi giáo tại Ai Cập; tài trợ cho các nhóm phiến quân tại nhiều nơi ở vùng Vịnh, trong đó có tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS); can thiệp vào các vấn đề nội bộ các nước; mạng lưới truyền thông Al Jazeera của Qatar "liên tục thúc đẩy thông điệp và âm mưu của các nhóm khủng bố" thông qua việc phát các đoạn băng của các nhóm khủng bố và Quốc vương Qatar có những bình luận ca ngợi Iran trên trang tin chính thức của nước này, thể hiện một mối quan hệ mật thiết với Tehran. Doha sau đó đã giải thích rằng trang tin chính thức của Qatar đã bị tấn công và những bình luận trên đã giả mạo tên của Quốc vương al-Thani. Qatar cũng thông báo trục xuất các thành viên cấp cao thuộc chi nhánh Palestine của Tổ chức Anh em Hồi giáo và buộc hồi hương một số người bất đồng chính kiến đang bị truy nã tại Saudi Arabia.
Tuy nhiên, đối với 4 nước trên, các động thái đó của Qatar là chưa đủ. Các nước này đã đưa ra yêu sách 13 điểm, liệt kê các điều kiện chi tiết để cải thiện quan hệ với Qatar trong đó có yêu cầu giảm quan hệ ngoại giao với Iran, cắt đứt liên hệ với các nhóm khủng bố và đóng cửa mạng lưới truyền thông Al Jazeera. Cho đến nay, Qatar vẫn từ chối vì cho rằng các yêu cầu đó xâm phạm chủ quyền của Doha.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa Qatar với các nước vùng Vịnh còn bị phủ bóng đen sau một loạt các sự kiện như vụ nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại hay gần đây nhất là việc Qatar rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Có thể nói các nước vùng Vịnh đang đứng trước nhiều thách thức, từ việc lấy lại uy tín, hình ảnh của một khối liên minh cho đến việc hàn gắn sự chia rẽ trong nội khối.
Chính vì vậy, trong nỗ lực nhằm cải thiện bầu không khí căng thẳng trong GCC, trước thềm diễn ra hội nghị thượng đỉnh, đã có một số các động thái tích cực từ cả 2 phía. Ngày 8/8, UAE đã rút lại đơn kiện Qatar mà nước này nộp lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi đầu năm về việc Qatar áp đặt các hạn chế thương mại mang tính phân biệt đối với hàng hóa của UAE. Đầu tháng 12/2019, Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã ngừng tẩy chay Giải Bóng đá vùng Vịnh lần thứ 24 tại thủ đô Doha của Qatar và cử đội tuyển đến tham dự giải đấu diễn ra từ ngày 24/11 đến ngày 6/12. Vào tuần trước, Ngoại trưởng Qatar tiết lộ các quan chức của Qatar và Saudi Arabia đang đàm phán và bình luận rằng cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đã "chuyển từ bế tắc sang tiến bộ".
Đáng chú ý nhất là việc Quốc vương Saudi Arabia Salman đã chính thức mời Quốc vương Qatar Hamad Al-Thani tham dự hội nghị thượng đỉnh GCC tại Riyadh, động thái được đánh giá là thể hiện quan điểm sẵn sàng thúc đẩy hòa giải với Qatar. Mặc dù, Quốc vương al-Thani không đến được Riyadh do có chuyến thăm Rwanda vào ngày 10/12, song việc cử Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Abdullah bin Nasser bin Khalifa Al-Thani tham dự hội nghị dường như cũng là một cử chỉ cho thấy Qatar sẵn sàng hồi đáp những cử chỉ thiện chí từ các nước vùng Vịnh.
Tất nhiên, một cuộc khủng hoảng ngoại giao đa quốc gia kéo dài nhiều năm do xung đột những lợi ích cơ bản khó có thể giải quyết một sớm một chiều. Các nhà lãnh đạo GCC cũng nói rằng họ không dự đoán một sự đột phá lớn tại hội nghị lần này để giải quyết căng thẳng trong quan hệ với Qatar. Việc Thủ tướng Qatar Al-Thani tham dự hội nghị thượng đỉnh được đánh giá cử chỉ mang tính nghi lễ ngoại giao nhiều hơn là thực chất. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc Thái tử Qatar tham dự hội nghị và nhận được “sự tiếp đón nồng hậu” từ phía chủ nhà là một tín hiệu lạc quan hơn sau nhiều năm căng thẳng và mất lòng tin từ hai phía.
Cho dù chặng đường phía trước sẽ có gập ghềnh và mất nhiều thời gian song với những dấu hiệu thiện chí từ hai phía, cơ hội hòa giải giữa Qatar với các nước trong vùng Vịnh đang đến gần. Tổng thư ký GCC Abdullatif bin Rashid al-Zayani đã khẳng định rằng hội nghị thượng đỉnh đã thể hiện mong muốn của các nhà lãnh đạo GCC về việc đoàn kết và đảm bảo ổn định, an ninh cho khu vực vùng Vịnh. Đó cũng là mục tiêu hàng đầu mà GCC và Qatar đều muốn hướng đến.