Chuyến công du ASEAN đầu tiên của tân Tổng thống Philippines

Báo giới nhận định ông Duterte sẽ đến quốc gia giàu dầu mỏ Brunei, sau đó đến Lào để tham dự hội nghị thượng đỉnh và cuối cùng là Indonesia, quốc gia có diện tích lớn nhất Đông Nam Á.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chuẩn bị lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Lào vào tháng 9/2016, người ta đã đưa ra rất nhiều suy đoán về những quốc gia ông có thể sẽ ghé thăm và cả những nội dung ông sẽ đề cập tới trong khuôn khổ chuyến công du ASEAN lần này.

Ngày 23/8, truyền thông địa phương đưa tin lịch trình chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống của ông Duterte có thể sẽ gồm các nước Brunei, Lào và Campuchia và dự kiến kéo dài từ ngày 4-9/9 (Malaysia cũng từng được dự đoán là một trong các điểm dừng chân của tân lãnh đạo Philippines, song khả năng này có lẽ đã bị loại bỏ). Tuy nhiên, lịch trình toàn diện và cụ thể của chuyến công du vẫn chưa được công bố và báo giới tiếp tục nhắc đến những khả năng xung quanh sự kiện đặc biệt này.

Bài viết trên tờ "The Diplomat" ngày 25/8 nhận định ông Duterte sẽ bắt đầu chuyến công du đến quốc gia nhỏ bé nhưng giàu dầu mỏ Brunei từ ngày 4-5/9, sau đó đến Lào để tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực từ ngày 6-8/9, và cuối cùng có thể sẽ tới Indonesia, quốc gia có diện tích lớn nhất Đông Nam Á, trước khi trở về nước.

Một điểm trong chương trình nghị sự mà đích thân ông Duterte từng nhấn mạnh, đó là giải quyết vấn đề liên quan đến người lao động Philippines ở nước ngoài (OFW). Trả lời báo giới, ông cho biết đã lên kế hoạch đích thân đến cảm ơn Quốc vương Brunei vì đã dành sự ưu đãi cho nhiều người Philippines hiện đang làm việc tại quốc gia này. Có thể nói, đây là lực lượng có vai trò quan trọng bởi số tiền những lao động này chuyển về nước mỗi năm ước tính đóng góp tới 10% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Philippines.

Tổng thống Rodrigo Duterte (giữa) kiểm tra số vũ khí trái phép quân đội Philippines tịch thu trong các chiến dịch truy quét khủng bố tại thành phố Cagayan de Oro, miền nam Philippines ngày 9/8. Ảnh: EPA/TTXVN

Một nội dung quan trọng khác trong chuyến công du lần này sẽ là các mối quan hệ kinh tế. Nhiều người cho rằng tân Tổng thống Philippines sẽ không chỉ nỗ lực mở rộng các mối quan hệ song phương mà còn tìm cách thúc đẩy những thỏa thuận hay hiệp định đã có trong khu vực, chẳng hạn như Sáng kiến Khu vực Tăng trưởng Đông ASEAN (BIMP-EAGA) - gồm Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines, được xây dựng năm 1994 ở Davao (Philippines). Philippines sẽ giữ chức Chủ tịch BIMP-EAGA từ tháng 9/2016 và Chủ tịch luân phiên ASEAN từ tháng 1/2017. Đây là cơ hội giúp Chính quyền Tổng thống Duterte tham gia tích cực hơn trên các “mặt trận” khu vực và vùng phụ cận.

Về mặt an ninh, Biển Đông đã trở thành một vấn đề lớn đối với khu vực và cả thế giới trong vài năm trở lại đây, bởi vậy, dù muốn hay không, ông Duterte chắc chắn vẫn sẽ phải thảo luận vấn đề này với các nhà lãnh đạo khu vực. Cách tiếp cận của ông Duterte trong vấn đề này hiện đang gây nhiều tranh cãi, và gần đây, tân lãnh đạo Philippines thậm chí còn nói rằng ông thà giữ yên lặng còn hơn là hủy hoại những thành tựu đã đạt được trong các cuộc đàm phán vừa qua với Trung Quốc. Đây chắc chắn sẽ là một vấn đề được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khu vực ASEAN sắp tới ở Lào. Giới quan sát sẽ theo dõi xem liệu ASEAN có thể giải quyết vấn đề này như thế nào, và liệu khối có đủ sức thông qua những đề xuất quan trọng hay có các tuyên bố chung đủ sức nặng hay không.

Hai quốc gia có thể sẽ nằm trong danh sách đến thăm sắp tới của ông Duterte là Brunei và Indonesia cũng khá quan tâm tới vấn đề Biển Đông. Brunei là một nước có tuyên bố chủ quyền song thực tế khá kín tiếng, trong khi Indonesia không phải là một nước có đòi hỏi chủ quyền ở vùng biển này, song lại là một bên liên quan kể từ khi “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vạch ra chồng lấn Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) quanh quần đảo giàu tài nguyên Natuna của nước này.

Bên cạnh vấn đề Biển Đông, chủ đề nóng liên quan tới các hoạt động tuần tra ba bên giữa Indonesia, Malaysia và Philippines tại Biển Sulu cũng có thể sẽ được đề cập tới. Nhiều người cho rằng các nước liên quan cũng sẽ thảo luận về chủ nghĩa khủng bố, nhất là trong bối cảnh đang xuất hiện ngày càng nhiều những lo ngại về tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Indonesia.

Không chỉ vậy, những thách thức an ninh phi truyền thống – thường bị các nhà bình luận nước ngoài xem nhẹ khi đặt cạnh vấn đề Biển Đông – cũng có thể nằm trong chương trình nghị sự. Mặc dù những nội dung này thường được xem là cơ sở tạo nên sự đồng thuận chung giữa các nước trong khu vực, song trong bối cảnh hiện nay, giới quan sát chắc chắn sẽ theo dõi sát sao những bất đồng, đặc biệt là khi người ta thảo luận về vấn đề buôn lậu ma túy.

Indonesia dưới thời Tổng thống Joko Widodo đã và đang áp dụng hình phạt tử hình đối với nhiều công dân nước ngoài bị kết án buôn bán ma túy, và truyền thông Philippines đang kêu gọi tân Tổng thống Duterte trả lời về việc liệu ông có đề cập đến trường hợp Mary Jane Veloso, một đối tượng buôn ma túy người Philippines bị bắt ở Indonesia, trong chuyến công du lần này hay không.

Cho đến nay, ông Duterte vẫn tỏ ra khá dè chừng đối với vấn đề này. Tại một cuộc họp báo gần đây, ông đã từ chối trả lời cụ thể, và nói rằng ông muốn giữ bí mật về những vấn đề “nhạy cảm” như vậy. Nhiều người cho rằng vụ việc có thể sẽ bị “chìm xuồng” bởi Tổng thống Duterte đã đích thân phát động một chiến dịch chống ma túy mạnh tay ở trong nước và tìm cách khôi phục bản án tử hình tại Philippines.

TTXVN/Tin Tức
Tổng thống Philippines tung cảnh báo “đẫm máu” về Biển Đông
Tổng thống Philippines tung cảnh báo “đẫm máu” về Biển Đông

Đây là lời cảnh báo cứng rắn chưa từng có của ông Rodrigo Duterte và được đưa ra chỉ một ngày sau tuyên bố các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc có thể diễn ra trong năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN