Đây là thông báo được đưa ra trong ngày làm việc cuối cùng của khóa họp lần thứ 77 Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) ở Geneva, Thụy Sĩ. Như vậy, các bên tiếp tục cần có thêm thời gian để cân bằng tất cả lợi ích, chưa kể sức ép từ các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới.
Trong 24 tháng qua, các bộ trưởng từ 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nỗ lực soạn thảo một hiệp ước về các quy tắc ứng phó với đại dịch mới, còn gọi là Hiệp ước về đại dịch hay Hiệp định WHO. Đây là nỗ lực lớn được triển khai sau khi đại dịch COVID-19 cướp đi sinh mạng của 13 triệu người, tàn phá nền kinh tế và làm tê liệt hệ thống y tế trên toàn thế giới. WHO muốn thỏa thuận mới có nội dung rõ ràng để giải quyết khoảng cách trong việc tiếp cận vaccine đối với các nước nghèo và nước giàu.
Như thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, có không ít nước đang phát triển phải chờ nhận những mũi tiêm vaccine đầu tiên từ những tập đoàn dược phẩm ở các nước phương Tây, dù đây cũng là thời điểm nhiều quốc gia giàu có hơn triển khai các chương trình tăng cường tiêm chủng bổ sung.
Ngoài ra, dự thảo thỏa thuận cũng có nội dung đề xuất WHO nhận 20% tất cả các sản phẩm liên quan đến đại dịch, bao gồm quy trình xét nghiệm, vaccine và phương pháp điều trị. Điều này sẽ cho phép WHO phân bổ những nguồn lực đó cho các quốc gia có hoàn cảnh khó khăn hơn. Một chương trình tương tự, COVAX, đã giúp các quốc gia có thu nhập thấp tiếp cận vaccine ngừa COVID-19.
Dự thảo cũng bao gồm yêu cầu các quốc gia công bố bất kỳ thỏa thuận nào với các công ty tư nhân, chẳng hạn như các công ty sản xuất vaccine. Một quỹ chung cho các nước thu nhập thấp và trung bình cũng sẽ được thành lập theo nội dung thỏa thuận.
Trong những tháng qua, WHO đặt mục tiêu đưa nội dung thỏa thuận ra đánh giá trong khóa họp của WHA tuần qua, nhưng giữa các bên đã xuất hiện nhiều bất đồng. Thông tin chi tiết về những điểm bất đồng chính vẫn chưa được tiết lộ, nhưng các nhà ngoại giao có mặt tại các cuộc đàm phán cho hay có những tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ cùng nhiều vấn đề khác. Chưa kể, một bất đồng lớn khác dường như là về yêu cầu các quốc gia chia sẻ thông tin về các mầm bệnh gây bệnh mới, cũng như các công nghệ được sử dụng để chống lại chúng.
Không rõ quốc gia nào phản đối đề xuất này, nhưng có nhiều ý kiến cần xem xét từ phía Mỹ. Trong bức thư chung của 24 thống đốc gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề ngày 22/5, nhiều ý kiến cho rằng WHO đang tìm kiếm quyền lực cho phép cơ quan này đơn phương tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Theo các thống đốc này, những quyền lực đó sẽ đưa WHO thoát khỏi vai trò cố vấn và trao cho cơ quan này “những quyền lực vi hiến và chưa từng có” đối với Mỹ, điều được suy luận sẽ “làm suy yếu chủ quyền quốc gia và xâm phạm các quyền của nhà nước”. Ngoài ra, các thống đốc cũng liệt kê những lo ngại về cơ sở hạ tầng giám sát toàn cầu được đề xuất và các yêu cầu mà họ cho rằng có thể dẫn đến việc có thêm các quy trình kiểm duyệt.
Còn đại diện của Anh tuyên bố họ sẽ chỉ đồng ý ký một thỏa thuận tôn trọng “lợi ích và chủ quyền quốc gia của Anh”. Trong khi đó, các nước nghèo hơn phàn nàn về sự đối xử không công bằng, nói rằng họ có thể bị yêu cầu cung cấp mẫu virus cho các loại vaccine và phương pháp điều trị mà họ không thể chi trả được.
Giới chuyên gia đánh giá kế hoạch để phản ứng nhanh với đại dịch tiếp theo có vai trò rất quan trọng, vì vẫn còn đó những yếu tố vẫn chưa được xử lý sau đại dịch COVID-19 vừa qua, từ việc trao đổi dữ liệu không đầy đủ và năng lực sản xuất vaccine hạn chế ở nhiều nơi trên thế giới cho đến sự ngờ vực ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại khóa họp lần thứ 77: “Quyết định đặt mốc thời gian cụ thể cho việc chốt lại thỏa thuận về đại dịch trong năm tới cho thấy các quốc gia mong muốn điều đó mạnh mẽ và khẩn cấp như thế nào, bởi vì đại dịch tiếp theo sẽ chỉ là vấn đề thời điểm xảy ra chứ không phải là có xảy ra hay không”. Ông đồng thời khẳng định đó không phải là một thất bại và chỉ thừa nhận rằng các nhà đàm phán phải đối diện với một nhiệm vụ "to lớn" trong một khung thời gian "quá tham vọng".
Chia sẻ với phóng viên TTXVN bên lề khóa họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết đại dịch COVID-19 cho thấy nhiều nước chưa chuẩn bị tốt cho quy mô dịch trên toàn cầu. Một đại dịch tiếp theo có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì vậy từ bài học của đại dịch COVID-19, tất cả các quốc gia cần phải tăng cường năng lực, sẵn sàng chuẩn bị một cách tốt nhất với các đại dịch trong tương lai. Các nước cũng cần hợp tác, cùng hành động để có thể đáp ứng một cách tốt nhất và giảm thiểu những mối đe dọa an ninh y tế toàn cầu, và có thể ứng phó một cách nhanh chóng và hiệu quả với tất cả những rủi ro sức khỏe có thể xảy ra.
Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, khẳng định Việt Nam rất ủng hộ cộng đồng quốc tế có thể có những văn kiện như thỏa thuận ứng phó với đại dịch trong tương lai và một tuyên bố chính trị mạnh mẽ như vậy giúp cho cộng đồng quốc tế có thể ngăn ngừa đại dịch trong tương lai.
Rõ ràng, đàm phán thỏa thuận tại diễn đàn đa phương chưa bao giờ được coi là việc dễ dàng. Nếu so sánh với Hiệp ước mới bảo vệ bản quyền sinh học vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thông qua cuối tháng 5 vừa qua, WHO cần thêm thời gian để cân bằng lợi ích cho tất cả các bên. Cụ thể, WIPO đã mất 20 năm mới có thể thu hẹp được hàng nghìn trang tài liệu về bất đồng của các bên, trước khi tìm kiếm được đồng thuận cho "Hiệp ước WIPO đầu tiên nhằm giải quyết mối liên quan giữa sở hữu trí tuệ, nguồn gene và kiến thức truyền thống”.
Hy vọng vẫn còn phía trước cho các quốc gia thành viên WHO. Một nội dung nhỏ nhưng quan trọng được thông qua trong khóa họp thứ 77 chính là các quốc gia đã đạt được đồng thuận về Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) sửa đổi, nhằm cập nhật các quy tắc y tế hiện có mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Trong tuyên bố, Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ: “Các quyết định lịch sử được đưa ra tại khóa họp năm nay thể hiện mong muốn chung của các quốc gia thành viên là bảo vệ người dân trước nguy cơ chung trong các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và các đại dịch trong tương lai”.