Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Poldi Sosa, một người bạn vô cùng thân thiết với nhân dân Việt Nam kể lại lần đầu tiên bà được nghe về Chủ tịch Hồ Chí Minh là vào tháng 5/1968 tại Paris (Pháp). Ngay lập tức, tư tưởng và hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lôi cuốn bà và bà bắt đầu tìm đọc về Bác, một nhà lãnh đạo tuyệt vời.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người luôn gắn mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng là người khởi xướng cuộc đấu tranh cho tự do trong thế giới thuộc địa. Bà Poldi Sosa nhấn mạnh tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi gắn bó với những hành động cao cả nhất vì một thế giới không có chiến tranh, không có sự tàn bạo, sự nghèo khổ và phân biệt đối xử.
Bà kể lại với hàng chục lần tới Việt Nam, với tất cả sự trân trọng và yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà đã nhiều lần cùng bạn bè Argentina tới làng Sen, quê hương Bác và thăm Bến Nhà Rồng, nơi Bác lên tàu ra đi tìm đường cứu nước.
Bà Poldi Sosa chia sẻ cảm xúc lần đầu tiên khi đặt chân tới Bến Nhà Rồng, nơi chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tràn đầy hoài bão cách mạng, ra đi tìm đường cứu nước, mở ra con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam, thật sự xúc động. Sau 30 năm bôn ba khắp thế giới, vừa lao động, vừa học tập, nghiên cứu lý luận và thực tiễn cách mạng thế giới, Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) đã trở về Tổ quốc, mang theo một tài sản vô cùng quý giá, đó là con đường cách mạng, con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Con đường cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xây đắp là nền tảng cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Bà Poldi Sosa kể lại tại Argentina, tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với câu chuyện của một lãnh tụ cộng sản thế hệ đầu tiên của Argentina, ông Miguel Contreras. Đầu năm 1924, giữa cái lạnh thấu xương ở nước Nga Xô viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó mang tên Nguyễn Ái Quốc, đã tình cờ gặp gỡ và làm quen với một người bạn từ đất nước Argentina xa xôi để rồi họ đã chia sẻ với nhau những lý tưởng, những trăn trở, niềm vui và nỗi buồn và cả gian truân trong suốt 3 tháng sau đó tại “cái nôi” của phong trào cách mạng vô sản thế giới.
Đầu năm 1924, ông Contreras được cử sang Liên Xô cùng với một nhà lãnh đạo cộng sản Argentina và Mỹ Latinh tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ năm, đúng vào thời điểm lãnh tụ phong trào cộng sản quốc tế và nước Nga Xô viết V.I.Lenin vừa từ trần. Sau khi đặt chân tới Moskva, cả đoàn đã ra Quảng trường Đỏ để viếng lãnh tụ Lenin và trong hơn 3 giờ chờ đợi dưới cái lạnh -30 độ C, ông Contreras đã có dịp làm quen với một thanh niên Á Đông trong dòng người đang xếp hàng vào viếng Lenin.
Qua câu chuyện, ông được biết người thanh niên đó tên là Nguyễn Ái Quốc, đang trong thời gian nghiên cứu và học tập kinh nghiệm về cuộc cách mạng Bolshevik, cũng như cuộc đấu tranh của nước Nga Xô viết để áp dụng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tại quê hương Việt Nam. Sau đó, do đứng dưới trời tuyết quá lâu mà lại không có găng, hai bàn tay Nguyễn Ái Quốc gần như bị cóng lại.
Ông Contreras ngay lập tức đã nhường lại đôi găng của mình cho người bạn mới quen và đi cùng về nơi mà Nguyễn Ái Quốc đang trọ. Ông Contreras cũng rất bất ngờ vì đó chính là căn phòng ông được ban tổ chức bố trí trong thời gian ở Liên Xô. Ba tháng ở cùng nhau sau đó là quãng thời gian mà hai người có dịp chia sẻ về những lý tưởng cách mạng, những trăn trở và khó khăn để làm sao thúc đẩy phong trào cách mạng nơi quê hương mình. Sau đó, ông Contreras còn có dịp gặp lại Bác Hồ hai lần nữa vào các năm 1938 và 1960 cũng tại Moskva, khi hai người tham dự các hội nghị của phong trào cộng sản quốc tế.
Kết thúc câu chuyện, bà Poldi Sosa, người năm nay đã 80 tuổi, khẳng định tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thế kỷ XX và thế kỷ XXI sẽ mãi được thế giới nhớ tới với tất cả lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ.