Chính sách cô lập Nga của Mỹ: "Gậy ông đập lưng ông"

Báo “Độc lập" (Nga) mới đây cho rằng những mưu đồ cô lập Nga về địa chính trị vô hình trung lại làm tổn hại lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Đây là lý do thiết thực đòi hỏi Mỹ phải thay đổi chính sách đối với Nga.

 

Ông Mikhail Saakashvili (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Hillary (phải) năm 2012 ở thành phố Batumi, Gruzia. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Phát huy dân chủ là một trong những công cụ cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ, song nếu nhìn nhận những gì Mỹ gặt hái được trong một thập kỷ qua cho thấy chính sách đó đã phản tác dụng.

 


Cựu Tổng thống George W. Bush trước kia không một lần nghi ngờ rằng mô hình dân chủ kiểu Mỹ cần phải được mọi quốc gia trên thế giới đón nhận nhiệt tình. Ông từng rất tin tưởng khi dự đoán rằng các cuộc cách mạng màu sẽ sớm lan tới tất cả các nước thuộc Liên Xô trước đây và sẽ nhanh chóng vượt ra bên ngoài không gian ấy. Tiếp đó, Thượng nghị sĩ John McCain thông qua Twitter đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị tinh thần đối phó với những "ngọn gió" của "mùa xuân Arab" tất yếu sẽ tràn tới ở Nga. Không chịu thua kém đảng Cộng hòa, ngôi sao của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, cũng lên tiếng hứa hỗ trợ phe đối lập Nga cả về tinh thần và tài chính. Tất cả những lời nói và việc làm này tiếp tục được tiếp sức bởi chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton.

 


Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ càng tin tưởng vào chiến thắng của mô hình dân chủ và thị trường tự do kiểu phương Tây. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể thế giới hiện tại không hoàn toàn giống với những gì mà nền dân chủ kiểu phương Tây kỳ vọng.

 


Trước tiên, hãy xem những gì đã xảy ra tại các nước như Gruzia, Ukraine, Kyrgyzstan, Iraq và Libya, nơi những cuộc cách mạng màu được cho là “thắng lợi”. Năm 2003, Gruzia tiến hành cuộc đảo chính mang tên "Cách mạng Hoa hồng", với việc Tổng thống Eduard Shevardnadze bị lật đổ và ông Mikhail Saakashvili, người tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Columbia (Mỹ), lên thay thế. Tổng thống mới của Gruzia nhanh chóng sử dụng những từ ngữ "thích hợp" về tự do, dân chủ và các "đế chế ma quỷ" của Nga. Ông ta cũng thuê một số công ty PR lớn "đánh bóng" tên tuổi và nhanh chóng trở thành nhân vật được lòng phương Tây và trở thành người công khai chống Nga trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

 


Tuy nhiên, đâu đó trong bức tranh dân chủ được phương Tây vẽ nên ở Gruzia vẫn lẩn quất điều gì đó khác xa. Saakashvili đã dùng cảnh sát để thực hiện tại đất nước mình những cuộc đàn áp những kẻ bất đồng chính kiến. Thậm chí họ còn bị tra tấn. Nạn tham nhũng dường như hoành hành mạnh mẽ hơn trước kia và tồn tại không ít nghi ngờ rằng chính vị tổng thống mới được dựng nên bởi một cuộc cách mạng dân chủ đã ra lệnh giết Thủ tướng Gruzia Zurab Zhvania.

 


Cuộc tấn công vào Nam Ossetia hồi tháng 8/2008 được khai mào chính bởi tâm lý thất thường hết sức nguy hiểm của Saakashvili. Nếu từng có một tia hy vọng có thể giải quyết hòa bình mối quan hệ giữa Gruzia và vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia, thì chúng đã bị dập tắt chính bởi Saakashvili - người ra lệnh nổ súng giết hại dân thường và những người lính gìn giữ hòa bình của Nga đồn trú tại đây theo ủy nhiệm của Liên hợp quốc. Trong cuộc bầu cử vừa qua, với số phiếu ít ỏi, Tổng thống Saakashvili buộc phải vội vàng rời khỏi đất nước và không bao giờ hy vọng có thể trở lại vì sợ bị truy tố. Có thể thấy rõ "những bông hồng cách mạng" ở Gruzia thật chóng tàn.

 


Tình hình cũng tương tự với các cuộc “cách mạng Cam” ở Ukraine, “cách mạng hoa Tulip” ở Kyrgyzstan, nơi một nhà lãnh đạo tham nhũng này được thay thế bằng một nhà lãnh đạo tham nhũng khác.

 


Quá trình phương Tây thúc đẩy dân chủ ở Iraq và Libya không chỉ giới hạn bằng cơ chế "quyền lực mềm", mà còn được hỗ trợ bởi vô số đạn dược và các loại vũ khí tối tân hiện đại nhất của Mỹ. Kết quả là một thảm họa toàn cầu, với những hậu quả không thể đoán trước, mà người chiến thắng duy nhất hóa ra chỉ là al Qaeda và các nhóm cực đoan khác.

 


Từ những ví dụ trên, có thể thấy rõ các chính sách thúc đẩy dân chủ của Mỹ đang làm tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Đã đến lúc Mỹ cần nghĩ đến một chính sách mới, thực tế hơn, nếu họ không muốn "gậy ông đập lưng ông".

 

Quế Anh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN