Châu Âu và nỗi ám ảnh dân túy

Các đảng cực hữu với quan điểm dân túy đang củng cố sức mạnh, mở rộng ảnh hưởng, trở thành những lực lượng có vị trí không thể bỏ qua trong đời sống chính trị của nhiều nước khu vực.

Bà Marine Le Pen phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở Deols, miền trung Pháp ngày 11/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ Pháp qua Đức, sang Hà Lan đến Áo hay Italy, có thể dễ dàng nhận thấy sự trỗi dậy của các đảng cực hữu đang làm thay đổi bức tranh chính trị các nước. Khả năng chiến thắng của một đảng cực hữu với quan điểm bài ngoại, chống châu Âu không phải là không thể xảy ra trong những kỳ bầu cử sắp tới.

Sau thắng lợi của đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của đương kim Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan vừa qua trước phe dân túy của ông Geert Wilders, thủ lĩnh đảng Vì tự do (PVV), tuần báo Pháp "L’Obs" (Người quan sát), đã viết: "Trong lịch sử của chúng ta, chưa bao giờ, đảng cực hữu lại ở gần quyền lực đến như vậy. Chưa bao giờ đảng cực hữu lại có được những điều kiện thuận lợi đến vậy để truyền bá các tư tưởng dân túy. Viễn cảnh một đảng cực hữu lên nắm quyền không còn là một giả thuyết trừu tượng mà đã trở thành một mối nguy hiểm thực sự".

Thực tế cho thấy nhận định đó không hề cường điệu "mối đe dọa" đến từ các đảng cực hữu ở Pháp nói riêng và ở châu Âu nói chung. Tại Hà Lan, mặc dù đảng VVD đã giành chiến thắng với 33/150 ghế quốc hội, nhưng lại mất 8 ghế, trong khi đảng dân túy PVV đứng thứ hai với 20 ghế, tăng 5 ghế so với hiện nay.

Sau khi kết quả trên được công bố, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia của Pháp (FN) cho rằng "kết quả này là một thành công" và "thất bại này chỉ mang tính tương đối" bởi vì trên thực tế, đảng PVV có thêm 5 ghế và "trở thành lực lượng đối lập chính" của liên minh cầm quyền. Về phần mình, lãnh đạo PVV Geert Wilders, người có những tuyên bố cực đoan như kêu gọi đóng cửa nhà thờ Hồi giáo và cấm kinh Koran, đã khẳng định phong trào "Mùa Xuân yêu nước" vẫn sẽ xảy ra tại Hà Lan.

Tại Anh, với việc kích động tâm lý sợ hãi người nhập cư đến từ Trung Đông, đảng Độc lập (UKIP) đã đưa phe chủ trương rời Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit, đi đến thắng lợi. Có tới 52% cử tri Anh đã lựa chọn Brexit tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016. Tại Áo, ứng cử viên Norbert Hofer của đảng cực hữu Tự do (FPO), đã giành được 46,6% phiếu ủng hộ tại cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 12 năm ngoái. Tại Pháp, đảng FN và các đảng cực hữu nhỏ đang nhận được sự ủng hộ tổng cộng của khoảng 33% cử tri Pháp. Tại Đức, mặc dù tỷ lệ ủng hộ đảng "Sự lựa chọn khác cho nước Đức" (AfD) thời gian qua có sụt giảm, nhưng vẫn còn ở mức 9%. Trong bối cảnh làn sóng bài người nhập cư ngày càng lớn, nhiều khả năng tỷ lệ ủng hộ đảng này sẽ tăng trở lại khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9 sắp tới. Ngoài ra, rất nhiều các đảng dân tuý và hoài nghi EU tại các nước châu Âu khác nhau tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ, đặc biệt là từ những cử tri cảm thấy thiệt thòi, bị gạt sang bên lề xã hội, có cảm giác bị bỏ rơi trong quá trình hội nhập châu Âu và toàn cầu hóa.

Dù "thở phào" sau cuộc bầu cử ở Hà Lan, chủ nghĩa dân túy vẫn đang ám ảnh cả châu Âu khi chính giới tại đây lại tiếp tục hồi hộp chờ đợi vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào ngày 23/4 tới, trong đó ứng cử viên Marine Le Pen của đảng FN luôn được đánh giá có nhiều khả năng lọt vào vòng 2. Bà Le Pen từng tuyên bố mục tiêu của chiến dịch tranh cử là "trả lại tự do cho nước Pháp và tiếng nói cho người dân Pháp". Theo bà, nước Pháp đã bị "tước đoạt chủ quyền quốc gia" và "mất quyền kiểm soát biên giới" bởi EU. Trong 144 cam kết, nữ chính trị gia đề xuất đưa nước Pháp rời bỏ EU và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), có nghĩa là kích hoạt Frexit. Nếu điều này xảy ra, thì chắc chắn EU sẽ không thể tồn tại nữa, vì Pháp và Đức đang là trụ cột của "con tàu EU" và Pháp hiện là nước duy nhất của EU là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Người ủng hộ nước Anh rời khỏi EU đã chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 7 năm ngoái.

Trong bối cảnh nước Pháp liên tục phải hứng chịu các vụ khủng bố thời gian qua cùng với các khó khăn kinh tế kéo dài, đặc biệt là nạn thất nghiệp tăng cao, luôn ở mức xấp xỉ 10%, các bài diễn văn của bà Le Pen khá thuyết phục cử tri. Bà là ứng cử viên tổng thống luôn đứng đầu trong các cuộc thăm dò với tỷ lệ ủng hộ khoảng 26% kể từ đầu mùa tranh cử đến nay. Tại các cuộc vận động, bà luôn khẳng định mình "là ứng cử viên của hy vọng" và "đảng FN đang ở cửa ngõ của chiến thắng".

Thực tế cho thấy, tại Pháp cũng như nhiều quốc gia châu Âu, các chủ đề nhập cư, đe dọa khủng bố, mất bản sắc…, đang trở thành những lá bài được các đảng cực hữu khai thác tối đa nhằm tranh thủ lá phiếu của cử tri. Quan điểm cực đoan của các đảng này đang thực sự là mối đe dọa đối với các nền dân chủ đồng thời tấn công vào thành trì là các thể chế và giá trị châu Âu. Bối cảnh đó đòi hỏi chính phủ của các nước phải nỗ lực giải quyết các thách thức nội tại như bất bình đẳng xã hội và nạn thất nghiệp gia tăng thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo hệ thống an sinh xã hội…

Ở bình diện châu lục, các nước châu Âu phải đoàn kết thành một khối với các chính sách nhất quán để cùng nhau giải quyết những thách thức chung, như các vấn đề nhập cư và an ninh nhằm đem đến sự thịnh vượng và tương lai tốt đẹp cho người dân. Có như vậy thì châu Âu mới có thể đẩy lùi chủ nghĩa dân túy và các tư tưởng cực đoan đang lan rộng, để đưa "con tàu hội nhập" tiếp tục tiến lên phía trước.

Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Hà Lan hướng tới một chính phủ liên minh không có phe dân túy
Hà Lan hướng tới một chính phủ liên minh không có phe dân túy

Hà Lan dường như sắp sửa hoàn tất việc thành lập một chính phủ liên minh mở rộng mới sẽ không có sự tham gia của đảng dân túy cánh hữu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN