Có thể nói, bầu không khí sôi động tại sự kiện này năm nay phần nào phản ánh mong muốn và quyết tâm của "Lục địa già" và "Lục địa Đen", gạt sang một bên nỗi lo âu về cuộc khủng hoảng di cư để tập trung thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế mới bình đẳng và hai bên cùng có lợi.
Diễn ra chỉ 3 tháng sau khi sáng kiến Liên minh châu Phi - châu Âu về Việc làm và Đầu tư bền vững được đề xuất, Diễn đàn cấp cao Phi - Âu lần này thể hiện những bước đi đầu tiên trong nỗ lực hiện thực hóa các kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) về đầu tư và tạo việc làm tại "Lục địa Đen" bằng những cam kết cụ thể, cần thiết cho sự thịnh vượng và cạnh tranh ở cả hai châu lục.
Trong Thông điệp liên minh thường niên đọc tại Nghị viện châu Âu hồi tháng 9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đề xuất xây dựng một "liên minh mới", "một đối tác mới" giữa EU và châu Phi nhằm tạo ra hơn 10 triệu việc làm tại châu Phi trong 5 năm và thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do.
Tham vọng của giới chức EU, là thiết lập mối quan hệ đối tác kinh tế mới giữa hai châu lục dựa trên 4 lĩnh vực, gồm đầu tư chiến lược và tạo việc làm; đầu tư vào giáo dục và cân đối kỹ năng và việc làm; cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư; thúc đẩy hội nhập kinh tế và thương mại.
Mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng tích cực qua những dự án mới được công bố tại Diễn đàn cấp cao Phi - Âu, trong đó có cam kết của EU về việc huy động 75 triệu euro (85 triệu USD) trong ngân sách của EU nhằm nâng các khoản đầu tư dành cho các doanh nghiệp tại châu Phi lên tới 750 triệu euro. Chỉ riêng kế hoạch này ước tính sẽ tạo ra 800.000 việc làm và mang lại lợi ích cho các đối tượng vốn gặp khó khăn trong việc vay nợ.
Ngoài ra, một khoản ngân sách trị giá 45 triệu euro dành cho lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp cũng sẽ hỗ trợ các chủ trang trại quy mô nhỏ tiếp cận các nguồn tài chính, qua đó giúp thu hút một khoản lớn đầu tư trị giá hơn 200 triệu euro và mang lại lợi ích cho khoảng 700.000 hộ gia đình ở vùng nông thôn.
Một chương trình trị giá 6,1 triệu euro cũng được huy động cho các nhà máy sản xuất điện Mặt Trời ở Maroc và cho việc cải thiện nguồn nước ở vùng đồng bằng sông Nile của Ai Cập.
Tất cả những điều trên phản ánh "tín hiệu khởi đầu tốt" cho đầu tư châu Âu vào châu Phi như lời bộc bạch của Thủ tướng Áo Sebastian Kurz trước thềm diễn đàn. Đây cũng được xem là những bước đi đầu tiên trong lộ trình"trở lại châu Phi" theo một cách mới mà EU đang xúc tiến sau một thời gian mối quan hệ truyền thống giữa hai khu vực, vốn bị mai một bởi cuộc khủng hoảng người di cư, cũng như bởi EU thời gian qua bị "xao nhãng" trong nhiều mối quan tâm khác.
Trên thực tế, nỗ lực của châu Âu quay trở lại châu Phi đã được phản ánh qua hàng loạt chuyến thăm cấp cao của nguyên thủ các nước, trong đó phải kể đến chuyến công du của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May cuối tháng 8 vừa qua. Cam kết của Thủ tướng May tài trợ 4 tỷ bảng Anh cho các nền kinh tế châu Phi hay “Kế hoạch Marshall vì châu Phi” của Đức cũng phát đi một thông điệp rõ ràng về nhu cầu cấp thiết của các nước “Lục địa già” phải làm mới mối quan hệ với các đối tác châu Phi.
Mối dây ràng buộc về lợi ích an ninh, kinh tế - xã hội là một trong những lý do chủ chốt để "Lục địa Đen" và "Lục địa già" xích lại gần nhau. Đối với châu Âu, việc tăng cường hợp tác với châu Phi trong các vấn đề kinh tế, xã hội như thúc đẩy các khoản đầu tư, viện trợ, giải quyết vấn đề việc làm được xem là một trong những giải pháp giúp ngăn chặn làn sóng người di cư, cùng với những đối tượng bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan, đến châu Âu.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai châu lục sẽ góp phần thúc đẩy một tương lai bền vững cho châu Phi. Một châu Phi ổn định và phát triển không những giảm bớt sức ép của dòng người nhập cư sang châu Âu, mà còn đảm bảo một nền hòa bình, an ninh thực sự cho châu Âu và thế giới.
Bên cạnh đó, việc châu Phi trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Nga cũng chính là yếu tố khiến giới lãnh đạo EU không thể ngó lơ trong cuộc đua chinh phục lại "vùng ảnh hưởng" truyền thống. Bất chấp tình hình bất ổn kinh tế - xã hội, với tiềm năng to lớn về dầu mỏ và các nguồn nguyên liệu thô cũng như nhân lực, châu Phi đang là điểm đến thu hút sự quan tâm.
Hiện Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành là người dẫn đầu trong "cuộc đua tới châu Phi" khi trở thành đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu tại đây với sự hiện diện ngày càng trở nên mạnh mẽ. Mối quan hệ hợp tác châu Phi - Trung Quốc đang chứng kiến những bước tiến dài vượt bậc với chiến lược tổng thể giúp Bắc Kinh "cắm rễ sâu" tại "Lục địa Đen".
Trong khi đó, Mỹ cũng tỏ ra "sốt ruột", và chính sách "Chiến lược châu Phi mới" với trọng điểm ở 3 lĩnh vực gồm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại, sử dụng hiệu quả hơn các khoản Mỹ viện trợ cho châu Phi và tiếp tục tấn công hoạt động của các tổ chức cực đoan tại khu vực như "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, có thể xem là bước điều chỉnh chỉnh chính sách của Mỹ nhằm "bắt kịp" với đà tiến của Trung Quốc tại châu Phi.
Mỗi quốc gia có các cách tiếp cận khác nhau đối với châu Phi, song tựu trung đều muốn khai thác tiềm năng kinh tế của một châu lục 1,2 tỷ dân với tốc độ tăng có thể lên đến gấp đôi vào năm 2050 cùng nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu dường như đã thành “người đến sau” mặc dù có nhiều lợi thế về sự gần gũi về địa lý, văn hóa cũng như mối quan hệ sẵn có trong lịch sử. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa EU và châu Phi liên tục giảm trong những năm gần đây. Hàng hóa xuất đi châu Phi chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU năm 2006 và hiện đã giảm xuống còn 6,7% vào năm 2016. Trong khi đó, giá trị hàng hóa châu Phi xuất khẩu sang châu Âu năm 2016 đã giảm xuống 115 tỷ euro so với con số 185 tỷ euro vào năm 2012. Thực tế này đã làm giảm vai trò và sức mạnh của các nước châu Âu tại châu Phi.
Tuy nhiên, xét từ mối quan hệ lịch sử thì châu Âu và châu Phi vẫn luôn gắn bó mật thiết với nhau và có nhiều ràng buộc về lợi ích. Bởi vậy, có thể nói các nước châu Âu vẫn nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc góp phần mang lại sự ổn định và an ninh ở châu Phi.
Đối với châu Âu lúc này, việc thúc đẩy một mối quan hệ mới với châu Phi là điều thiết yếu, không chỉ vì lợi ích an ninh và kinh tế và còn thể hiện tầm ảnh hưởng của châu Âu trong bối cảnh các cường quốc khác trên thế giới đang không ngừng gia tăng vị thế và khẳng định sự hiện diện tại"Lục địa Đen".