Phương Tây thay đổi quan điểm về khẩu trang
Theo kênh CNN (Mỹ), với người dân châu Á, khuyến cáo đeo khẩu trang là chuyện bình thường và phổ biến khắp khu vực kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bắt đầu xuất hiện. Đeo khẩu trang đã giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm virus và giúp kiềm chế bùng phát dịch bệnh nhanh hơn.
Ở phương Tây, khuyến cáo đeo khẩu trang nghe có vẻ gây bối rối sau khi trong nhiều tuần lễ, các quan chức y tế, chính trị gia tự tin khẳng định khẩu trang không ích gì và kêu gọi mọi người chỉ cần rửa tay và giữ khoảng cách với nhau.
Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams đăng trên Twitter cuối tháng 2 bằng chữ in hoa: “HÃY NGỪNG MUA KHẨU TRANG”. Ông nói khẩu trang KHÔNG hiệu quả trong giúp người đeo ngăn virus SARS-CoV-2 và nếu nhân viên y tế không có khẩu trang để chăm sóc người bệnh, họ và cộng đồng sẽ gặp rủi ro”. Dòng đăng trên Twitter của ông Adams đã được tweet lại hơn 43.000 lần.
Cũng trong tuần đó, ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã xuất hiện tại quốc hội. Khi được hỏi người dân có nên đeo khẩu trang, ông trả lời thẳng thừng: “Không”.
Tuy nhiên, hiện giờ bản thân ông Redfield không còn chắc chắn như vậy về khẩu trang. Ngày 30/1, phát biểu với đài NRP, ông nói rằng CDC đang rà soát hướng dẫn và có thể khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang phòng lây nhiễm virus trong cộng đồng.
Một lý do khiến ông Redfield có thể thay đổi khuyến cáo về sử dụng khẩu trang là do SARS-CoV-2 có thể lây khi người có virus nhưng không phát triệu chứng bệnh. Do đó, tất cả đều đeo khẩu trang như châu Á làm từ tháng 1 thì có thể kiềm chế virus lây lan.
Sáng 2/4 (giờ Việt Nam), Thị trưởng thành phố Los Angeles của Mỹ tuyên bố người dân toàn thành phố nên đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Sớm hay muộn thì Tổ chức Y tế Thế giới – từng phản đối người dân bình thường đeo khẩu trang – sẽ khuyến cáo tương tự châu Á.
Tác dụng của khẩu trang
Tháng trước, ông Adrien Burch, chuyên gia vi trùng học ở Đại học California tại Berkeley nói rằng cho dù người phương Tây thường xuyên nghe thông điệp rằng đeo khẩu trang không hiệu quả, nhưng có lẽ không ai có bằng chứng nào ủng hộ điều đó, vì đơn giản là không có bằng chứng
Trong thực tế, ta lại có bằng chứng ngược lại: khẩu trang hỗ trợ ngăn ngừa lây nhiễm virus như đại dịch COVID-19 hiện nay.
Ông Burch trích dẫn một hệ thống phân tích các nghiên cứu đã xuất bản có tên Cochrane Review và cho biết hệ thống này có bằng chứng mạnh mẽ rằng khẩu trang có tác dụng trong dịch SARS năm 2003. Một nghiên cứu về lây truyền virus trong cộng đồng ở Bắc Kinh cho thấy liên tục đeo khẩu trang nơi công cộng giúp giảm 70% nguy cơ nhiễm SARS.
SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) cũng như dịch COVID-19 đều là bệnh hô hấp do virus Corona gây ra.
Dù SARS lan khắp thế giới nhưng dịch bệnh chỉ tập trung tại châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Đặc khu hành chính Hong Kong của nước này. Do có kinh nghiệm với SARS nên khi trải qua đại dịch COVID-19, người dân khắp khu vực đều đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân.
Ngay từ đầu, chính quyền Hong Kong và nhiều nơi ở châu Á đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang nơi công cộng cho dù có triệu chứng bệnh hay không.
Dù người phương Tây luôn cho rằng châu Á ám ảnh với khẩu trang, nhưng chính chiếc khẩu trang lại góp phần kiềm chế dịch bệnh.
Tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), khẩu trang được sử dụng rộng rãi và những nơi này kiềm chế đại dịch thành công hơn là châu Âu và Bắc Mỹ - nơi người dân không đeo khẩu trang.
Ông Ivan Hung, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại khoa y, Đại học Hong Kong, nói: “Nếu bạn nhìn dữ liệu ở Hong Kong, đeo khẩu trang có thể là điều quan trọng nhất trong kiểm soát lây lan virus. Khẩu trang không chỉ giảm số ca nhiễm virus Corona mà còn giảm cả lây virus cúm. Trong thực tế, giờ là mùa cúm và chúng tôi thấy hầu như không có ca mắc cúm nào. Đó là vì khẩu trang thực sự bảo vệ chúng ta trước không chỉ virus Corona mà còn các loại virus cúm nữa”.
Đầu tháng 3, Hong Kong chỉ có 150 ca mắc COVID-19 dù không áp đặt nhiều biện pháp kiểm soát mạnh. Hong Kong chỉ có số ca nhiễm tăng khi người dân trở về từ châu Âu và Mỹ.
Mâu thuẫn trong khuyến cáo
Trong hướng dẫn về COVID-19, CDC lưu ý rằng virus SARS-CoV-2 lây chủ yếu qua giọt bắn hô hấp khi người nhiễm virus ho hoặc hắt hơi và các giọt này có thể rơi vào miệng hoặc mũi người đứng gần hoặc bị người đứng gần hít vào phổi.
CDC khuyến cáo người ốm đeo khẩu trang hoặc tìm cách che miệng khi ho hay hắt hơi. Người chăm sóc người ốm cũng cần đeo khẩu trang khi ở cùng phòng.
Tuy nhiên, cũng trong khuyến cáo đó, CDC lại nói người không có triệu chứng không cần đeo khẩu trang vì có thể gây thiếu khẩu trang cho nhân viên y tế.
Khuyến cáo này gây giận dữ và bối rối với nhiều người, đặc biệt là với những ai ủng hộ đeo khẩu trang để ngừa virus.
CDC, WHO và nhiều cơ quan y tế cùng các chuyên gia đã liên tục nói khẩu trang không bảo vệ trong tình huống bình thường, chỉ cần thiết cho nhân viên y tế và người chăm sóc bệnh nhân.
Khuyến cáo mâu thuẫn này khiến nhiều người giận giữ với các quan chức vì cảm thấy họ nói dối mình và khiến mình gặp rủi ro.
Khi ông Adam tweet về khẩu trang, nhiều người hỏi: Tại sao khẩu trang tốt cho nhân viên y tế nhưng lại không tốt cho người dân?
Trên tờ New York Times, giáo sư khoa học thông tin Zeynep Tufekci cho rằng để tránh thiếu khẩu trang, chính quyền nhiều nước đã phát đi thông điệp không đáng tin. Bà cho rằng nếu sợ thiếu khẩu trang, các nước cần phải nói thẳng và đề nghị người dân tặng khẩu trang cho bệnh viện, chứ không được nói khẩu trang không hiệu quả ngay từ đầu.
Khi bằng chứng về tác dụng của khẩu trang ngày càng rõ, người ta phải tự hỏi rằng nếu đeo khẩu trang từ tháng 1 thì các nước phương Tây đã giảm được bao nhiêu ca nhiễm virus.