Chặng đường khó khăn của ông Hollande

Từ những giờ phút đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống, ông François Hollande đã đi dưới trời mưa trong cuộc diễu hành trên đại lộ nổi tiếng Champs-Elysées.


Có một sự trùng hợp là các hoạt động của ông Hollande thường gắn với những cơn mưa. Ảnh: AFP-TTXVN.


Với giới báo chí nước ngoài làm việc tại Pháp, trong đó có nhóm phóng viên thường trú TTXVN, những sự kiện mở đầu và tiếp nối trong các hoạt động của ông Hollande cả ở trong nước và nước ngoài, từ các tỉnh thành ở Pháp đến trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), thậm chí ngay cả khi ông đến Afghanistan, thường gắn với những trận mưa, và chính điều này cũng đã được Tổng thống Hollande thừa nhận.


Có những cơn mưa mát lành, dịu ngọt khỏa đi những bức bối căng thẳng đối với ông Hollande sau cuộc chạy đua dài đến điện Elysées, song cũng có những cơn giông, gió mạnh khiến những chuyến đi của ông thêm phần trắc trở. Điều đó dường như cũng vận vào con đường chính trị mà ông đã trải qua một năm sau khi lên cầm quyền.


Với những khó khăn, thách thức không nhỏ, khẩu hiệu ngay từ lúc tranh cử của ông Hollande "Thay đổi ngay từ bây giờ" trên thực tế khó có thể tạo ra những thay đổi tức thì như kỳ vọng của người dân Pháp.


Sau một năm cầm quyền, trong tổng số 60 cam kết của ông Hollande ở thời điểm tranh cử, có 31 lời hứa đã và đang được Tổng thống và chính phủ thực hiện, đáng kể nhất là cam kết "Hôn nhân cho tất cả"; thành lập Ngân hàng đầu tư công, áp thuế 45% với những người có thu nhập trên 150.000 euro/năm, việc làm cho tương lai, rút quân khỏi Afghanistan...


13 lời hứa chưa được thực hiện trong khi có khoảng 16 cam kết đã được triển khai song đạt kết quả không tốt hoặc chỉ mới một phần. Tổng thống Hollande đã thất bại trong việc không giảm được mức thâm hụt ngân sách còn 3% GDP vào năm 2013 như cam kết, cũng như thương lượng lại về vấn đề ngân sách châu Âu, hay cam kết về quyền bỏ phiếu của người nước ngoài trong các cuộc bầu cử địa phương bị hoãn vô thời hạn.


Trên bình diện đối nội, tình trạng thất nghiệp tăng cao, tăng trưởng hầu như bằng không, những điểm yếu mang tính cấu trúc của hệ thống kinh tế Pháp, dù những cuộc cải cách đang diễn ra, càng khiến Tổng thống Hollande đối mặt với nhiều thách thức hơn.


Trên bình diện châu Âu, có vẻ như những nỗ lực của Tổng thống Hollande nhằm khẳng định vị thế lãnh đạo của Pháp, với chủ trương thúc đẩy chính sách kinh tế tăng trưởng, chưa nhận được sự đồng thuận từ các nước châu Âu, đặc biệt với Đức, vẫn kiên trì thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng.


Nhìn vào lộ trình ông Hollande đã ấn định thực hiện trong nội khối EU trước khi thắng cử Tổng thống, có thể thấy con đường trước mắt còn nhiều việc phải làm. Việc thành lập "trái phiếu châu Âu" (Eurobonds) cũng như cam kết thành lập Ngân hàng đầu tư châu Âu vẫn chưa có tiến triển. Thuế về giao dịch tài chính còn gây tranh cãi với nước Anh. Có lẽ chính vì thế mà giới phân tích tại Pháp nhận định ông Hollande đang tỏ ra đơn độc trong cuộc đối đầu với sự cứng rắn của bà Merkel.


Tuy nhiên, cũng cần phải khách quan để nhìn nhận vấn đề, mà không thể đổ hết lỗi cho Tổng thống đương nhiệm và chính phủ cầm quyền, bởi thực tế, ông Hollande mới chỉ đi được 1/5 quãng đường và những gánh nặng, hệ quả đối với nước Pháp hiện tại có phần chịu tác động của cuộc khủng hoảng khu vực, cũng như chính sách của chính phủ tiền nhiệm.


Sau tất cả mọi ghi nhận, đánh giá, một điều có lẽ khiến Tổng thống Pháp Hollande rất quan tâm, đó là chỉ số tín nhiệm của ông đang ở mức rất thấp ở thời điểm một năm cầm quyền, với tỉ lệ dao động từ 25% đến 31% người dân ủng hộ, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây.


Để khôi phục lòng tin của nhân dân, ông Hollande và chính phủ cầm quyền cần xem xét, định hướng lại đường lối chính trị một cách cụ thể, rõ ràng, phù hợp với thực tế và điều kiện hiện tại của Pháp, đồng thời kiên định mục tiêu, đường lối đã đề ra, tập trung thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng hóa mang thương hiệu "made in France", tạo thêm công ăn việc làm, tăng sức mua và tăng trưởng, tránh những dự án, chủ đề quá nhạy cảm, có thể gây tranh luận dữ dội hoặc tạo sự bùng nổ trong lòng xã hội Pháp cũng như trong nội bộ đảng cầm quyền, nâng cao hình ảnh và vị thế của nước Pháp trong nội bộ châu Âu cũng như trên diễn đàn quốc tế.


Để lấy lại sự năng động của chính phủ cầm quyền, những ngày gần đây, đã xuất hiện lời đồn đoán về khả năng Tổng thống Hollande sẽ tiến hành cải tổ nội các, với số lượng bộ trưởng ít hơn (có thể dao động từ 15 đến 20 bộ trưởng), quyền lực tập trung hơn và việc đi hay ở của Thủ tướng Jean-Marc Ayrault vẫn còn là một ẩn số.


Điện Elysées cũng đã tuyên bố không có lễ tổng kết rầm rộ cho một năm cầm quyền, song phải xem đây là thời điểm huy động, tập hợp, đoàn kết hơn nữa nhằm đưa nước Pháp vượt qua khó khăn, thử thách, với việc tổ chức một cuộc hội thảo sơ kết, trong đó mỗi bộ trưởng trong phạm vi quản lý của mình phải có báo cáo sơ kết một năm và đề ra phương hướng, triển vọng trong thời gian tới.


Sự oi bức báo hiệu những cơn giông sắp tới có dấu hiệu ngày một tăng ở Pháp. Năm cuộc cải cách trong những tháng tới đang được trông đợi: cải tổ chính phủ với cơ cấu thu gọn; cải cách lĩnh vực trợ cấp gia đình; cải cách hưu trí; bảo hiểm thất nghiệp và cải cách trong lĩnh vực đào tạo nghề. Với Tổng thống Pháp Hollande, bằng sự kêu gọi tập hợp, đoàn kết trong nội bộ đảng cầm quyền, sự ủng hộ và gắn kết của các lực lượng, các giới trong xã hội, hy vọng "việc chấn hưng, phục hồi nước Pháp" như ông cam kết sẽ đạt được kết quả khả quan hơn, mà cùng với đó uy tín của cá nhân ông và đảng cầm quyền sẽ tăng, để lấy lại niềm tin của người dân Pháp. Mong thay cho một bình minh ló dạng sớm mai với nước Pháp!.


Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)

Hình ảnh ông Hollande nhậm chức tổng thống Pháp
Hình ảnh ông Hollande nhậm chức tổng thống Pháp

Lãnh đạo đảng Xã hội Francois Hollande ngày 15/5 đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Pháp, nhiệm kỳ 5 năm, trong một buổi lễ trang trọng tại Điện Elysee.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN