Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin mở cuộc tấn công mới nhằm vào khu vực miền đông chiến lược tại ở Ukraine đặt ra thách thức, nguy cơ với quân đội Ukraine. Nhưng động thái này đồng thời cũng đồng thời đặt ra bài thử nghiệm mới, khó khăn đối với các nước phương Tây.
Sau khi sử dụng ồ ạt, chưa có tiền lệ sức mạnh mềm để tạo sức ép trước Nga ngay sau khi Moskva mở chiến dịch can thiệp quân sự tại Ukraine hôm 24/2, điển hình là các bước đi về cô lập ngoại giao và trừng phạt kinh tế, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đối tác hiện phải đối mặt với một thách thức mới hoàn toàn khác. Đó là họ sẽ phải đưa ra các quyết định khó khăn về “sức mạnh cứng”.
Nói cách khác, liệu Mỹ và đồng minh phương Tây có sẵn sàng cung ứng vũ khí, công nghệ quân sự cần thiết cho Ukraine, giúp Kiev cản bước tiến của Nga, buộc Moskva phải chấm dứt chiến sự hoặc ít nhất để cuộc chiến giằng co kéo dài, không cho Điện Kremlin cơ hội tuyên bố chiến thắng?
Tin tốt Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận được cho tới lúc này chính là việc Mỹ và nhiều đồng minh đã phát đi câu trả lời “có”. Những nước này trong vài tuần gần đây đã đẩy mạnh viện trợ, chuyển giao nhiều chủng loại vũ khí mà ông Zelensky cho rằng Ukraine cần có để đẩy lùi cuộc tấn công mới của Nga nhằm vào khu vực miền đông.
Nhưng không phải ông Zelensky có tất cả những gì mong muốn. Đơn cử, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Mỹ và châu Âu đồng ý cung cấp cho Ukraine máy bay tiêm kích hay xe tăng chiến đấu. Một số đồng minh như Pháp và Đức tỏ ra chần chừ, vì e ngại tăng viện trợ vũ khí từ bên ngoài làm giảm triển vọng về đàm phán chấm dứt chiến tranh.
Thực tế tàn nhẫn ở chỗ thời gian không còn nhiều đối với Ukraine. Ngày 18/4, Tổng thống Zelensky thông báo Nga dường như đã hoàn tất việc tái bố trí, củng cố lực lượng ở miền Đông. Đến ngày 19/4, Nga thông báo bắt đầu giai đoạn mới của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, với điểm nhấn lần là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên ở miền Đông cùng với thành phố cảng Odesa bên bờ Biển Đen.
Sau giai đoạn bao vây khu vực Kiev, Nga đang đặt cược vào miền Đông. Về phần mình, ông Zelensky cho rằng nếu được viện trợ, chuyển giao vũ khí, trang bị quân sự theo đúng yêu cầu, Ukraine có nguyên cơ hội đánh bại cuộc tấn công mới của Nga.
Đó không chỉ là xe tăng, máy bay, mà còn nhiều chủng loại vũ khí khác mà Mỹ và đồng minh chủ chốt đã bắt đầu cung ứng cho Ukraine, như tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không, hệ thống phòng thủ tên lửa, pháo, thiết giáp, thiết bị bay không người lái hiện đại, vũ khí chống hạm để ngăn Hạm đội Biển Đen tấn công Odesa.
Nếu Nga bị sa lầy hoặc thất bại ở miền đông Ukraine, đó sẽ là sự kiện có tác động địa chính trị lớn. Nó định hình tương lai kết cục các cuộc tấn công của Nga nhằm vào nước khác. Nó cũng ảnh hưởng đến toan tính thời hậu chiến của hàng chục nước trên thế giới, trong đó có các cường quốc khu vực như Ấn Độ, Pakistan và một số nước vùng Vịnh - những nhân tố đến thời điểm này dường như có phần đặt cửa thắng cho Nga.
Vậy tại sao lựa chọn cung ứng “sức mạnh cứng” cho Ukraine lại là bài toán khó đối với Mỹ và nhiều đồng minh? Có một lý do vẫn đang được nhắc đến ở Mỹ và nhiều nước phương Tây ngay ở thời điểm số này ủng hộ cần hậu thuẫn quân sự nhiều hơn cho Ukraine. Đó là nỗ lo sợ về nguy cơ chiến tranh lan rộng, đẩy lên thành cuộc chiến giữa NATO và các lực lượng Nga.
Đáng chú ý, chính ông Putin cũng đã có động thái đẩy căng mối lo ngại này. Tuần trước, phía Nga cảnh báo Mỹ và các đồng minh NATO không cung cấp vũ khí “nhạy cảm” cho Ukraine. Hành động “quân sự hóa Ukraine vô trách nhiệm” có thể đồng nghĩa với những hệ quả khó đoán định đối với an ninh quốc tế và khu vực – thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Lo ngại đụng độ với Nga hiện vẫn là nhân tố giúp loại trừ tham chiến của binh sĩ Mỹ và NATO ở Ukraine, loài trừ việc cung cấp chủng loại vũ khí giúp Kiev tấn công Nga. Nhưng Mỹ vẫn nhận thấy rằng cần xem xét hỗ trợ, viện trợ rộng rãi cho Ukraine miễn là không đạt tới “giới hạn đỏ” đụng độ. Một số đồng minh như Anh và Ba Lan tỏ ra hoàn toàn hưởng ứng biện pháp đó.
Nhưng Washington sẽ nhận ra rằng nhiều nhân tố khác, đặc biệt là Đức và Pháp, sẽ không mấy hào hứng. Đó không phải là bởi Berlin và Parsi bất đồng với Mỹ và các đối tác NATO về tính chất nghiêm trọng trong nguy cơ Nga tạo ra từ hành động can dự quân sự ở Ukraine.
Đơn giản, Đức, Pháp và một số nước cùng chí hướng tập trung vào bước tìm kiếm giải pháp ngoại giao cuối cùng giúp chấm dứt xung đột. Số này e ngại rằng xung đột càng kéo dài, càng leo thang sẽ triển vọng về giải pháp ngoại giao, chính trị càng xa vời.