Lầu Năm góc chật vật thúc đẩy sản xuất vũ khí cho Ukraine

Trong lúc giới chức Lầu Năm góc đánh giá khả năng năng của ngành công nghiệp quốc phòng trong việc tăng cường sản xuất vũ khí để viện trợ cho Ukraine, các công ty vẫn đang gặp khó khăn với chuỗi cung ứng hậu đại dịch và tình trạng thiếu nhân lực.

Chú thích ảnh
Kiện hàng vũ khí, đạn dược chuẩn bị lên đường tới Ukraine, từ căn cứ không quân Dover, Delaware, Mỹ ngày 21/1/2022. Ảnh: AP/Không quân Mỹ

Từ tuần này, các giám đốc điều hành hàng đầu của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ nhiều khả năng đối mặt với những câu hỏi hóc búa trong các cuộc gọi từ Lầu Năm góc về cách khắc phục những vấn đề trên. Các chuyên gia cho rằng câu trả lời của họ vẫn chưa rõ ràng.

Theo Bill Greenwalt, từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về chính sách công nghiệp dưới thời chính quyền George W. Bush, trong lịch sử, cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ thường mất từ 18 tháng đến 3 năm để sẵn sàng cho các cuộc xung đột.

"Ngân sách, chi phí, yêu cầu và hệ thống mua sắm của chúng tôi bị mắc kẹt trong chế độ thời bình, khi thời gian không quan trọng và sẽ rất khó để thoát khỏi những quy trình đó một cách nhanh chóng", ông Greenwalt, hiện làm việc cho Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết.

“Nước Mỹ sẽ phải đối mặt với các vấn đề về dây chuyền sản xuất mới, vấn đề nhân lực, chuỗi cung ứng, các bộ phận và máy công cụ lỗi thời, hạn chế về thời gian chứng nhận các nhà cung cấp mới và phương pháp tiếp cận kỹ thuật, cộng với thời gian chờ ngân sách và hợp đồng” – ông Greenwalt giải thích thêm.

Tuần trước, Thứ trưởng Quốc phòng Kathleen Hicks đã triệu tập một cuộc họp với đại diện của 8 công ty vũ khí lớn để thảo luận về các đề xuất nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất các hệ thống vũ khí hiện có. Theo một bản tin chính thức, cuộc họp tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của Mỹ, Ukraine và các đồng minh khác. 8 công ty tham gia bao gồm: Boeing, L3 Harris Technologies, Raytheon Technologies, BAE Systems, Lockheed Martin, HII, General Dynamics và Northrop Grumman.

Cuộc họp này đánh dấu lần thứ hai trong vòng 3 tháng giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ triệu tập nhóm giám đốc điều hành ngành công nghiệp quốc phòng tại Lầu Năm góc. Thứ trưởng Hicks, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, vào đầu tháng 2 từng gặp gỡ các giám đốc điều hành ngành siêu vượt âm, kêu gọi đầu tư vào các cơ sở hạ tầng thử nghiệm.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào 24/2, Mỹ đã cung cấp 2,6 tỉ USD hỗ trợ an ninh cho các lực lượng Ukraine, hầu hết là từ các kho dự trữ quân sự Mỹ. Gói 800 triệu USD được công bố vào tuần trước là gói thứ bảy như vậy.

Chú thích ảnh
Ukraine dỡ hàng viện trợ vũ khí từ máy bay C17 Globemaster III tại sân bay Boryspil ở ngoại ô Kiev, ngày 13/2/2022. Ảnh: Reuters 

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tính đến ngày 14/4, họ đã cung cấp hơn 1.400 hệ thống phòng không Stinger, 5.500 hệ thống tên lửa xuyên giáp Javelin, 700 máy bay không người lái chiến thuật Switchblade, 7.000 vũ khí cầm tay nhỏ, 50 triệu viên đạn, và 18 pháo 155 ly, với 40.000 viên đạn pháo, 16 máy bay trực thăng Mi-17, hàng trăm xe xe bọc thép Humvee và 200 xe thiết giáp chở quân M113.

Tháng trước, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu 1,5 nghìn tỷ USD cho năm tài chính 2022, trong đó cung cấp 13,6 tỷ USD viện trợ mới cho Ukraine. Số tiền này một phần lớn để khôi phục kho thiết bị quân sự đã được chuyển giao cho các đơn vị quân đội Ukraine.

Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby đã đảm bảo với các phóng viên vào tuần trước rằng không có chuyện kho dự trữ của quân đội đang bị cạn kiệt đến mức ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Mỹ. Ông mô tả cuộc thảo luận với các CEO ngành vũ khí là một biện pháp phòng ngừa.

Ông Kirby nói: “Khi những gói viện trợ tiếp diễn, và nhu cầu vẫn còn tại Ukraine, chúng tôi muốn đi trước ‘làn sóng cánh cung’ này để không rơi vào thời điểm mà tính sẵn sàng lại trở thành một vấn đề”.

Một phân tích của Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã ước tính rằng, dựa trên báo cáo riêng của Lầu Năm góc, quân đội Mỹ có lẽ đã cung cấp khoảng 1/3 số tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine và chỉ còn lại từ 20.000 - 25.000 tên lửa.

Để cung cấp kịp cho quân đội, từ mức tối đa 1.000 tên lửa/ năm hiện tại lên khoảng 6.480 quả Javelin/năm, sẽ phải mất một năm. Việc bổ sung vào kho dự trữ vũ khí của Mỹ sẽ cần tới 32 tháng, trừ khi Tổng thống viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để ưu tiên chuyên giao các bộ phận cần thiết cho nhà sản xuất- một liên doanh của Lockheed-Raytheon.

Ông Cancian lưu ý rằng không chỉ Lầu Năm góc quan tâm đến nguồn cung cấp cho chính mình và viện trợ cho Ukraine, mà còn phải “bù đắp" cho các đồng minh ở châu Âu đang gửi xe tăng và tên lửa cho Kiev. Điều đó đặt ra đòi hỏi cao hơn nữa với cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Trong khi đó, khi ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cân nhắc đầu tư vào các dây chuyền sản xuất của mình, Lầu Năm Góc vẫn chưa công bố kế hoạch chi tiêu dài hạn và chi tiết cho năm tài chính 2023. Theo ông Greenwalt, ngành công nghiệp nên cảnh giác với khả năng chính phủ không kịp hoàn thành các kế hoạch đó.

Ông nói: “Bộ Quốc phòng đã đôi lần có tiền sử bỏ rơi ngành công nghiệp khi tiền không đến đúng lúc”.

Trong một lưu ý cho các nhà đầu tư hôm 18/4, Giám đốc điều hành Capital Alpha Partners, Byron Callan cảnh báo cần xem xét nhu cầu từ Ukraine để đưa ra dự đoán cho triển vọng quốc phòng.

Ông nhận định: “Sẽ mất nhiều tháng để xem môi trường an ninh thay đổi ở châu Âu sẽ dẫn đến những thay đổi như thế nào về nhu cầu quốc phòng trong giai đoạn 2023-25. Đối với các nhà phân tích, tốt nhất bây giờ nên xây dựng các kịch bản vì vẫn có thể có khả năng rủi ro đi xuống (tức Nga thất bại)."

Ngay cả khi huy động được tài chính thì câu hỏi vẫn là làm thế nào để tăng cường sản xuất. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng (NDIA) cho thấy mức độ thấp của ngành về khả năng tăng năng lực sản xuất, khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng.

Trong số 100 nhà thầu quốc phòng hàng đầu được giao dịch công khai, chu kỳ chuyển đổi tiền mặt – tức là khoảng thời gian để các công ty mua các bộ phận, biến chúng thành hệ thống và bán cho bên đặt mua - đã tăng từ 56 ngày vào năm 2019 lên 128 ngày vào năm 2020.

“Nếu bạn mất 128 ngày từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc, điều đó thực sự cản trở khả năng tăng cường sản xuất”, ông Robbie Van Steenburg, Phó Giám đốc Điều hành NDIA cho biết.

Trong ghi chú của mình, ông Byron Callan cũng cho biết các vấn đề về lực lượng lao động có thể cản trở khả năng đáp ứng nhu cầu cao hơn của ngành quốc phòng. Liệu các công ty sản xuất vũ khí Mỹ có thể tìm được nhân lực cần thiết phục vụ tăng cường sản xuất hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. “Rất khó để thuê người, đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật và tay nghề cao”, ông Callan nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Defensenews)
Lầu Năm Góc sẽ trực tiếp huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ
Lầu Năm Góc sẽ trực tiếp huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ

Lầu Năm Góc dự định sẽ huấn luyện các binh sĩ Ukraine sử dụng thiết bị điều khiển và radar trong lô vũ khí mới nhất mà Tổng thống Joe Biden yêu cầu gửi tới Kiev.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN