Cạnh tranh quyền lực hậu bầu cử Quốc hội Campuchia

Dư luận Campuchia và cộng đồng quốc tế đang hết sức lo ngại về các tuyên bố của phe đối lập về các cuộc đại biểu tình. Nếu không kiềm chế, có những hành động quá khích, vượt ra ngoài vòng luật pháp, tình hình không thể kiểm soát được, biến thành xung đột để giải quyết tranh chấp quyền lực, sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.


Trình tự pháp luật hậu bầu cử


Sáng ngày 12/8, Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) đã công bố kết quả tạm thời cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa V diễn ra ngày 28/7 vừa qua, theo đó Đảng nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã về nhất, do giành được hơn 3,23 triệu phiếu bầu, tiếp đó là đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập giành được hơn 2,94 triệu phiếu, về nhì.


NEC tiếp nhận các khiếu nại trong vòng 72 giờ sau khi công bố kết quả lâm thời. Sau khi giải quyết xong các khiếu nại, đến ngày 8/9, NEC sẽ công bố kết quả chính thức. Thực ra, việc công bố kết quả bầu cử tạm thời là việc làm theo trình tự pháp luật. Đó là thủ tục mở đường cho các đảng chạy đua trong cuộc bầu cử thực hiện quyền khiếu nại về những gì mà họ coi là không hợp lý.


Người dân Campuchia giương biểu ngữ: “Nhân dân Campuchia muốn hòa bình”, “Bạo lực là phản bội hy vọng của nhân dân”. Ảnh: Trần Chí Hùng/TTXVN


Mặt khác, việc công bố kết quả tạm thời còn nhằm bảo đảm trật tự, an ninh trong Vương quốc Campuchia, làm lắng dịu tình hình. Bởi vì, trước công bố của NEC, hai đảng cầm quyền và đối lập đều đã đơn phương tuyên bố họ đã thắng cử. Với công bố của NEC, việc tranh chấp thắng bại về cơ bản đã ngã ngũ. Theo kết quả số phiếu hai đảng giành được, đảng Nhân dân cầm quyền sẽ có 68/123 ghế trong Quốc hội mới, 55 ghế còn lại thuộc về đảng đối lập.


Kết quả này đúng với tuyên bố của đảng Nhân dân ngay tối ngày bỏ phiếu; và gần với kết quả do Ủy ban vì các cuộc bầu cử tự do và công bằng ở Campuchia (Comfrel) - một tổ chức phi chính phủ có uy tín - đưa ra, theo đó đảng cầm quyền thắng trong cuộc chạy đua với 67 ghế, đối lập được 56 ghế.


Nếu hai đảng đều chấp nhận kết quả trên, đảng Nhân dân sẽ tiếp tục cầm quyền vì theo tu chính Hiến pháp năm 2006, một đảng giành được tỷ lệ ghế 50%+1 trong tổng số ghế của quốc hội mới sẽ có quyền lập chính phủ mới; đảng CNRP sẽ trở thành một đảng đối lập mạnh trong nghị trường.


Các thủ tục tuần tự là: 60 ngày sau ngày bỏ phiếu các tân nghị sĩ của cả hai đảng sẽ tiến hành phiên họp phiên đầu tiên của Quốc hội mới theo chỉ dụ triệu tập của Quốc vương Norodom Sihamoni.


Tiếp đó, một nghị sĩ cao niên nhất của Quốc hội mới sẽ điều khiển các phiên họp tiếp theo, mà nội dung sẽ là phân chia quyền lực trong cơ quan lập pháp tối cao bao gồm Chủ tịch, các phó Chủ tịch và những người đứng đầu của các ban trực thuộc Quốc hội; tiến tới lập Nội các Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ V, trong đó ông Hun Sen, Thủ tướng nhiệm kỳ IV, ứng cử viên của đảng Nhân dân, sẽ là tân Thủ tướng.


Tiến trình hậu bầu cử không suôn sẻ


Tuy nhiên, rất tiếc, khả năng này đã không suôn sẻ như ở các nước có nền chính trị ổn định. Bởi lẽ, trong khi người phát ngôn của CPP, Bộ trưởng Thông tin Khieu Kanharith tuyên bố trên Đài truyền hình quốc gia rằng đảng cầm quyền tuyên bố chấp nhận kết quả trên thì Phó Chủ tịch Kem Sokha của đảng đối lập đã kiên quyết bác bỏ tại một cuộc họp báo tại trụ sở đảng và kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận kết quả này.


Đảng đối lập còn đe dọa sẽ có đại biểu tình toàn quốc để phản đối vì theo họ, đảng đối lập phải là người chiến thắng với tỷ lệ 63/60 như tuyên bố của họ sau cuộc bỏ phiếu 2 ngày. Thậm chí từ Mỹ, ông Sam Rainsy kêu gọi biểu tình để lật đổ lãnh đạo hiện nay của Campuchia.


Dư luận Campuchia và cộng đồng quốc tế đã hết sức lo ngại về các tuyên bố của phe đối lập về các cuộc đại biểu tình. Bởi vì, nếu không kiềm chế, có những hành động quá khích, vượt ra ngoài vòng luật pháp, tình hình không thể kiểm soát được, biến thành xung đột để giải quyết tranh chấp quyền lực, sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.


Thực ra, đây cũng không phải là điều quá ngạc nhiên vì ngay trong quá trình vận động tranh cử, phe đối lập đã có những hành động quá khích, tưởng chừng như đang làm một cuộc cách mạng! Một số vụ bạo lực nhỏ đã xảy ra mà thủ phạm là những người ủng hộ đối lập và sau đó đã bị vô hiệu hóa. Nhưng với các tuyên bố cùng lúc của cả thủ lĩnh lẫn các nhà lãnh đạo khác của đối lập, chính trường Campuchia đã trở nên ngột ngạt, dư luận nhân dân hoang mang.


Liệu đại biểu tình có thể xảy ra?


Tuy nhiên, tuyên bố của đối lập đã bị dư luận trong và ngoài nước phản ứng mạnh. Ngoài các thư phản đối của nhiều giới gửi tới các cơ quan chức năng trong những ngày qua, chiều ngày 14/8 ở Phnom Penh đã có tuần hành của nhiều tổ chức phi chính phủ với các tuyên bố “nhân dân Campuchia muốn hòa bình”, “bạo lực là phản bội hy vọng của nhân dân”.


Trong khi đó, các cơ quan thực thi luật pháp Campuchia, một mặt kêu gọi nhân dân bình tĩnh, khuyến cáo phe đối lập không được manh động, đồng thời cho thấy họ sẵn sàng có những biện pháp mạnh đối với các hành vi phạm pháp. Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Campuchia ngày 14/8, Quốc vụ khanh Nhà nước, Người phát ngôn Văn phòng Chính phủ Hoàng gia Phay Siphan nói: Không thể tìm chiến thắng thông qua biểu tình, không thể để bất kỳ ai liều lĩnh đưa đất nước lâm vào tình trạng hỗn loạn. Chúng tôi cũng không cho phép sự can thiệp từ những người ở bên ngoài. Đây là quyền quyết định của người Campuchia, là sự lựa chọn của quảng đại quần chúng nhân dân Campuchia. Chúng tôi không cho phép Vương quốc Campuchia rơi vào thảm cảnh như thời Pôn Pốt một lần nữa”.


Tuy nhiên, dư luận cho rằng điều quan trọng nhất, với kết quả đã ngã ngũ, được cộng đồng quốc tế và dư luận trong nước đánh giá là cuộc bầu cử đã diễn ra hòa bình, có cạnh tranh thực sự, dù còn có những khiếm khuyết không thể tránh khỏi, phe đối lập khó có thể tập hợp được đông đảo những người ủng hộ để tổ chức cái mà họ gọi là đại biểu tình. Một bài viết trên tờ Nhật báo Campuchia ngày 14/8 cho biết tinh thần của giới thanh niên ủng hộ biểu tình của đối lập đã lắng xuống. Sau những tuyên bố đại ngôn ban đầu, nay các lãnh đạo đối lập đều đã xuống giọng rằng biểu tình chỉ là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng để giải quyết các sai phạm bầu cử.


Cho đến nay, Washington, vốn ủng hộ cho ông Sam Rainsy trở về nước trước thềm bầu cử, cũng hiểu rằng tại thời điểm hiện nay phe đối lập khó có cơ may lật ngược thế cờ. Kịch bản “mùa xuân Campuchia”đã được nhắc đến trên một số vài tờ báo ở Phnom Penh trong những ngày qua. Nhưng những cuộc biểu tình rầm rộ dẫn đến đổ máu trên đường phố khó có thể xảy ra ở đây. Vì khi đó, những người bị coi là đứng đằng sau ông Sam Rainsy sẽ bị dư luận lên án là ủng hộ bạo lực và lãnh đạo phe đối lập có nguy cơ tiếp tục cuộc sống lưu vong với bản án về tội kích động bạo loạn.


Có lẽ lời kêu gọi của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/8 rằng các chính đảng ở Campuchia cần “hành động một cách hòa bình và tìm giải pháp cho bất đồng trong bầu cử thông qua đối thoại hơn là sử dụng những biện pháp đe dọa, gây bất ổn bạo loạn trong dân chúng” cho thấy Mỹ muốn giữ khoảng cách nếu có những xung đột bùng phát ở Campuchia.


Phe đối lập chấp nhận tham gia Quốc hội mới?


Khả năng diễn ra nhiều nhất hiện nay là đảng của ông Sam Rainsy chấp nhận tham gia Quốc hội mới với tư cách một đảng đối lập mạnh để tranh đua sòng phẳng với đảng Nhân dân trong 5 năm tới và nỗ lực để chiếm thế thượng phong trên chính trường khi thời cơ đến. Muốn thế, hai bên sẽ kiên nhẫn đấu tranh với nhau trong khuôn khổ luật pháp để phân thắng bại, tránh bế tắc chính trị kéo dài như đã từng xảy ra trong thời kỳ hậu bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ III năm 2003, khi CPP chỉ giành được 73 ghế. Phải mất 11 tháng họ mới liên minh được với đảng Bảo Hoàng FUNCINPEC để thành lập chính phủ mới.


Sau hai cuộc họp chung vào ngày 4/8 và 9/8, ý tưởng thành lập một ủy ban hỗn hợp để điều tra các sai phạm bầu cử, đều đã không thành. Đảng CPP đã hoàn toàn bác bỏ đòi hỏi của đảng đối lập là phải đưa đại diện của Liên hợp quốc và các tổ chức dân sự tham gia ủy ban này. Trưởng đoàn đàm phán CPP, Ủy viên ban thường vụ, Nghị sĩ Cheam Yeap nói rằng đây là công việc nội bộ, người Campuchia phải tự quyết định vận mệnh của mình. Mặt khác, ông nhấn mạnh CPP chỉ tuân thủ những gì do NEC đưa ra, không thể chiều theo những đòi hỏi của đảng đối lập.


Đến nay, việc nối lại các cuộc đàm phán dang dở vẫn còn bỏ ngỏ. Trong một tuyên bố ngày 15/8, phe đối lập lặp lại yêu cầu đảng cầm quyền cho biết danh sách đoàn đàm phán để hai bên có thể gặp lại nhau. Chưa rõ phản ứng của CPP, nhưng trước đó đảng này nói rằng trong trường hợp cần thiết đích thân ông Hun Sen sẽ dẫn đầu phía đảng cầm quyền đàm phán với đối lập.


Khi từ Mỹ trở về Phnom Penh ngày 16/8, thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy nói rằng ông sẽ nhanh chóng tham gia vào một giải pháp hòa bình cho bế tắc chính trị hậu bầu cử ở Campuchia. Trước mắt, con đường tốt nhất cho phe đối lập là đem hết bằng chứng để có thể lấy thêm được một vài ghế để gỡ danh dự vì đã trót công bố mình là người chiến thắng. Và cửa cuối cùng mà giờ họ phải đến là Hội đồng Hiến pháp để tìm câu trả lời cho những đòi hỏi của mình. Tuy nhiên, vấn đề cốt tử vấn là hai đảng phải gặp nhau mới có thể khai thông bế tắc.


Còn gần một tháng rưỡi nữa là đến ngày phải họp phiên đầu tiên của Quốc mới. Hy vọng hai đảng sẽ gạt bỏ được những khác biệt, thỏa thuận với nhau để cùng đến họp Quốc hội đúng ngày theo quy định của Hiến pháp Vương quốc. Chỉ đến lúc đó mới có thể nói đến việc phân chia quyền lực cơ quan lập pháp tối cao, thậm chí là một khả năng liên minh giữa hai đảng trong cơ quan hành pháp.


Một điều đáng lưu ý là ông Sam Rainsy đã đánh tiếng là sẽ tham gia cơ quan lập pháp tối cao sau khi hai đảng đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, theo luật định, đến đầu năm sau, 2014, khi Ủy ban tổ chức bầu cử hoàn tất danh sách cử tri cho năm sau vào cuối năm nay, thì phe đối lập mới có thể điều chỉnh danh sách để đưa thủ lĩnh Sam Rainsy ngồi vào ghế nghị sĩ.


Campuchia hiện có 42 đảng đăng ký tại Bộ Nội vụ, có 8 đảng tham gia cuộc bầu cử lần này. Nhưng với những diễn biến hậu bầu cử, từ nay cho đến nhiệm kỳ mới vào năm 2018 sẽ chỉ có 2 đảng chi phối chính trường Campuchia. CPP vẫn tiếp tục cầm quyền, đi đầu trong việc quyết định mọi đường lối đối nội cũng như đối ngoại của Campuchia. Nhưng với một đảng đối lập mạnh trong Quốc hội mới, các quyết định do hai đảng đưa ra sẽ được cân nhắc kỹ càng hơn, đáp ứng nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân Campuchia, phù hợp với tình hình khu vực và quốc tế.



Trần Chí Hùng (Phóng viên TTXVN tại Campuchia)



Quốc vụ khanh Nhà nước Campuchia nói về tình hình hậu bầu cử
Quốc vụ khanh Nhà nước Campuchia nói về tình hình hậu bầu cử

Sau khi Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) công bố kết quả tạm thời của cuộc bầu cử Quốc hội khóa V, diễn ra vào ngày 28/7 vừa qua, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Quốc vụ khanh Nhà nước, Người phát ngôn Văn phòng Chính phủ Campuchia Phay Siphan về tình hình hậu bầu cử.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN