'Cái giá mới' của EU với Hungary để đạt sự đồng thuận cấm dầu Nga

Brussels đang hướng tới Hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng 5 này để có một thỏa thuận trừng phạt dầu của Nga, nhưng hy vọng về một bước đột phá đang "tắt dần".

Chú thích ảnh
Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Chủ tịch ủy ban EU Ursula von der Leyen. Ảnh: EC

Theo trang tin Politico.eu, trong những tuần gần đây, các nhà ngoại giao và quan chức ở Brussels đã không thành công trong việc đạt được thỏa thuận giữa 27 quốc gia EU để ngừng mua dầu của Nga. 

Hungary được cho là đã cản trở nỗ lực trên của EU nhưng một số nhà ngoại giao vẫn hy vọng vào một thỏa thuận, ít nhất trong 2 tuần nữa, về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga được ký kết. 

EU đã lên kế hoạch công bố một chiến lược năng lượng lớn với các lựa chọn tài chính tiềm năng để giúp các quốc gia như Hungary từ bỏ hydrocacbon của Nga. Điều này đang khiến một số nhà ngoại giao hy vọng sẽ giúp nhận được sự ủng hộ từ Budapest. 

Nhưng đầu tuần này, Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đưa ra một trở ngại mới: Yêu cầu gói tài chính 15 - 18 tỷ euro để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Hungary từ dầu thô nặng của Nga sang nhiên liệu thay thế. 

Số tiền trên lớn hơn rất nhiều so với mức giá 750 triệu euro trước đây mà Hungary yêu cầu để điều chỉnh cơ sở hạ tầng đường ống và nhà máy lọc dầu của nước này. Đề nghị mới của Hungary đã khiến các nhà ngoại giao EU phản ứng mạnh và một số người băn khoăn liệu có thể đạt được thỏa thuận về lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga trên toàn EU hay không. 

“Tất cả chúng tôi đều muốn tìm ra giải pháp để giải quyết những lo ngại về kinh tế của Hungary, nhưng những con số như thế này là không có cơ sở”, một nhà ngoại giao EU cho biết, trong khi một người khác gọi yêu cầu này là "vô đạo đức", nhấn mạnh rằng đây không phải là cách thức đàm phán trong thời kỳ xung đột.

Nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Moskva được EU coi là chìa khóa để cắt giảm nguồn thu của Nga tài trợ cho cuộc xung đột ở Ukraine. Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, EU đã chi hàng chục tỷ euro cho việc nhập khẩu năng lượng của Nga.  

Khi vạch ra kế hoạch vào ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thừa nhận rằng lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu nhiên liệu thô và tinh chế của Nga “sẽ không dễ dàng”. Tuy nhiên, bà Leyen nói thêm: "Chúng tôi phải làm điều đó".

Hungary, quốc gia không giáp biển và do đó phụ thuộc vào nguồn cung cấp đường ống dẫn dầu, đã tìm cách lập luận rằng sự phản đối của họ đối với gói trừng phạt của EU là hoàn toàn thực tế và vì kinh tế, thay vì chính trị. 

Trong một bài phát biểu hồi đầu tuần này, Thủ tướng Orban cho biết ông không tin vào việc sử dụng các lệnh trừng phạt nhưng “vì lợi ích của sự thống nhất châu Âu”, Hungary sẽ không chặn chúng. Tuy nhiên, ông cảnh báo: Các biện pháp trừng phạt phải “không gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của Hungary”. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó đã đưa ra mức giá mới 15 - 18 tỷ euro hỗ trợ cho Budapest, nói rằng khoản tiền này là cần thiết để tài trợ cho “hiện đại hóa toàn bộ cấu trúc năng lượng của Hungary” và để đối phó với giá cả tăng cao. 

Các quan chức và nhà ngoại giao EU ban đầu hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của Hungary bằng cách đưa ra một số hình thức bồi thường tài chính thông qua chiến lược REPowerEU. Chiến lược này đề ra cách EU chấm dứt sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga vào cuối thập kỷ này.

Nhưng dường như REPowerEU không đủ để thuyết phục Hungary. Bà Leyen cũng đã phải tới Budapest để nói chuyện trực tiếp với ông Orban về vấn đề này khi sự phản đối cứng rắn của Hungary ngày càng trở nên rõ ràng. 

Tuy nhiên, chuyến đi của bà Leyen không mang lại kết quả. Một hội nghị trực tuyến đã được lên kế hoạch với các nhà lãnh đạo khu vực để thảo luận về cách giúp Hungary thích ứng với tình hình đã không được thông qua và các cuộc đàm phán giữa các chính phủ cùng các nhà ngoại giao cũng đang trong tình trạng bế tắc. 

Một cuộc họp cấp ngoại trưởng EU trong tuần này cũng kết thúc mà không đạt được tiến triển gì vì, như nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cho biết, các vấn đề quá phức tạp và cần nhiều thủ tục kỹ thuật hơn để giải quyết. "Tôi hy vọng nó sẽ không kéo dài, nhưng tôi không thể nói điều này có thể giải quyết được trong một hoặc hai tuần", ông Borrell nói. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico)
Kosovo tuyên bố muốn gia nhập NATO và EU
Kosovo tuyên bố muốn gia nhập NATO và EU

Lãnh đạo của Kosovo cho biết vùng lãnh thổ này đang tìm kiếm tư cách thành viên của NATO và EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN