Hiện nay, ngày càng có nhiều nước châu Á hợp tác trực tiếp với nhau, thậm chí các nước châu Á còn chuẩn bị cho sự ra đời đồng tiền chung châu Á để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD. Cùng với sự trỗi dậy về kinh tế, châu Á càng muốn đi theo con đường riêng của mình và xu thế này ngày càng được đẩy nhanh trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua.
Theo tờ “Đại Công báo” (Hồng Công) ngày 5/5, trong thời kỳ hậu khủng hoảng, Mỹ không chỉ muốn đáp “chuyến xe tốc hành” cùng sự phát triển kinh tế châu Á, mà còn hy vọng góp phần quan trọng cho sự phát triển của khu vực này.
Gần đây, thị trường chứng khoán châu Á dồn dập lên điểm, trong đó thị trường Hàn Quốc đã hai lần đạt ngưỡng cao kỷ lục; thị trường Thái Lan và Inđônêxia cũng đạt mức điểm cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nguồn vốn quốc tế đổ vào ồ ạt đang khiến một số đồng tiền của châu Á như đồng won Hàn Quốc, rupiah Inđônêxia hay đồng ringgit của Malaixia tăng giá. Cùng với giá trị tài sản tiếp tục tăng cao, lạm phát cũng đang gây áp lực mạnh lên nền kinh tế khu vực. Đối mặt với những tác động tiêu cực do nguồn vốn quốc tế liên tục dồn vào, không ít các nền kinh tế châu Á đã bắt đầu liên kết với nhau để kiềm chế tiền “nóng”. Ngoài ra, các nền kinh tế như Trung Quốc và Thái Lan đều đã nhiều lần tăng lãi suất, trong khi Mỹ vẫn kiên trì thực hiện gói kích thích kinh tế nới lỏng định lượng QE2 (chương trình mua trái phiếu 600 tỷ USD).
Thời hậu khủng hoảng tại Đông Nam Á, Xinhgapo đã trở thành điểm đầu tư lớn thứ hai của Ấn Độ. Từ Đông Á, đầu tư của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang chảy tới khắp các nơi ở châu Á. Tại Trung Á, Udơbêkixtan và Tátgikixtan đã bán điện cho Ápganixtan và Pakixtan… Trong khi các nước châu Á dồn dập hợp tác với nhau như vậy, Mỹ lại bị gạt sang một bên.
Giới phân tích dự báo rằng trong một khoảng thời gian dài từ nay về sau, Mỹ sẽ mất đi vị thế mà nước này đã giành được trong suốt mấy chục năm qua trong nhiều lĩnh vực ở châu Á, đồng thời phải chứng kiến cảnh các nước châu Á “bỏ rơi” Mỹ và bắt tay nhau tiến tới tương lai. Viễn cảnh Mỹ và châu Á “không chung đường” là khó tránh khỏi. Hơn 10 năm qua, các nước châu Á đã xây dựng các tổ chức mậu dịch của riêng mình. Cùng với sức mạnh kinh tế, Trung Quốc đang dần thay thế vị trí của Mỹ trong các khối này.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua, các nước châu Á không thể tự hoàn thiện bản thân một cách độc lập, nguyên nhân lớn nhất là hệ thống tiền tệ do Mỹ làm chủ đạo. Thế nhưng, trong quá trình chống đỡ nguy cơ lạm phát hiện nay, các nước châu Á dần nhận ra những hạn chế xưa nay chưa từng có. Hiện nay, châu Á có khối tài sản tính bằng đồng USD chiếm 2/3 của thế giới, nhưng điều khiến các nước trong khu vực đau đầu nằm ở chỗ họ luôn phải quan sát thái độ của Mỹ và có thể số tài sản này bị thu nhỏ nếu đồng USD mất giá. Vì tính toán đến lợi ích quốc gia, Mỹ có thể tìm mọi hình thức để lạm dụng phát hành đồng USD, biến động thị trường tiền tệ thế giới theo đó sẽ càng nhiều và điều này sẽ làm suy yếu năng lực đối phó lạm phát của thị trường châu Á.
Giáo sư Fariborz Moshirian thuộc Học viện Thương mại Ôxtrâylia, người thúc đẩy đồng tiền chung châu Á, cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động và đồng USD tiếp tục mất giá như hiện nay, các nước châu Á cần nghiên cứu cách làm của châu Âu, xây dựng một hệ thống tiền tệ chung tối ưu, từ đó hóa giải những nguy cơ tiền tệ do sự biến động của đồng USD gây ra.
Phan Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)