Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ với số lượng
quan tham "ngã ngựa" nhiều, cấp bậc cao, tốc độ tấn công quan tham
nhanh và phạm vi rộng. "Nhật báo châu Á-Thái Bình Dương" của Tổng
Phân xã châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở đặt ở Hong Kong (Trung Quốc)
thuộc Tân Hoa Xã mới đây dẫn nguồn tin địa bàn cho rằng đặc điểm lớn
nhất của công cuộc chống tham nhũng ở Trung Quốc từ đầu năm 2013 tới nay
trước tiên là số lượng nhiều và “đánh cả hổ lẫn ruồi”.
Trên phương diện
“đánh hổ”, cộng thêm cú “ngã ngựa” mới đây của Chủ tịch Chính hiệp (Mặt
trận tổ quốc) tỉnh Tứ Xuyên Lý Sùng Hy, từ đầu năm tới nay, số quan
chức cấp tỉnh, bộ bị điều tra ở Trung Quốc là 18 người. Trên phương diện
“đánh ruồi”, tính tới ngày 30/11/2013, trên phạm vi toàn quốc đã điều
tra 21.149 vụ vi phạm “8 quy định” về cải tiến tác phong công tác, với
tổng số 25.855 người bị xử lý, trong đó, có một người là cán bộ cấp
tỉnh, bộ, 71 người là cán bộ cấp sở ở địa phương.
Đặc điểm lớn thứ
hai là tốc độ nhanh. Trong một năm qua, số cán bộ cấp tỉnh, bộ bị điều
tra xử lý đã lên tới 18 người. Ngày 27/12/2013, Ban Kiểm tra Kỷ luật
Trung ương công bố thông tin Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Chính hiệp
Toàn quốc Dương Cương phải chịu sự điều tra của tổ chức, hai ngày sau là
Lý Sùng Hy bị điều tra. Theo đánh giá của người dân Trung Quốc, tốc độ
tấn công quan tham ở nước này đã ở mức “mỗi ngày một quan tham ngã
ngựa”, đặc biệt tháng 12/2013 được mệnh danh là “tháng hạn” của quan
tham Trung Quốc.
Đặc điểm lớn thứ ba là cấp bậc quan tham “ngã
ngựa” khá cao. Từ đầu năm 2013 tới nay, ở Trung Quốc đã có 3 quan chức
chủ chốt cấp bộ bị “ngã ngựa”, ngoài Lý Sùng Hy còn có nguyên Chủ nhiệm
Ủy ban Giám sát Quản lý Tài sản Nhà nước Quốc vụ viện Tưởng Khiết Mẫn và
nguyên Thứ trưởng Công an Lý Đông Hưng. Gần đây, truyền thông hải ngoại
còn không ngừng đưa tin rằng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt
đầu hướng mục tiêu chống tham nhũng vào các quan chức có cấp bậc cao hơn
những “con hổ” đã bị bắt. Theo “Kinh tế Nhật báo” số ra cùng ngày ở
Hong Kong, bức chân dung về “hổ lớn” đã rất rõ, chỉ còn thiếu động tác
“chỉ mặt đặt tên”.
Những quan chức cấp cao “ngã ngựa” thời gian qua ở Tứ
Xuyên (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Lý Xuân Thành, nguyên Phó Tỉnh trưởng
Quách Vĩnh Tường, Chủ tịch Chính hiệp Lý Sùng Hy), trong hệ thống dầu
khí (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Trung
Quốc Tưởng Khiết Mẫn) và trong hệ thống công an kiểm sát (nguyên Thứ
trưởng Công an Lý Đông Hưng) đều là thân tín của nguyên Ủy viên Thường
vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang.
Đặc điểm lớn cuối cùng là phạm vi
tấn công rộng, chưa từng thấy trong quá khứ. Từ đầu năm tới nay, các
quan chức “ngã ngựa” ở Trung Quốc không chỉ ở địa phương, mà còn ở bộ
ngành trung ương, không chỉ đến từ chính quyền, mà còn đến từ hệ thống
Nhân đại (ở cấp toàn quốc là Quốc hội, ở địa phương là Hội đồng Nhân
dân) và Chính hiệp, trong đó, Nhân đại thành phố Hành Dương thuộc tỉnh
Hồ Nam gần đây đã phát giác “vụ hối lộ đại biểu Nhân đại nghiêm trọng
nhất từ khi thành lập nước”.
Truyền thông chính thức của Trung Quốc cho
hay qua điều tra sơ bộ phát hiện 56 vị đại biểu nhân đại cấp tỉnh của
thành phố Hành Dương dính líu tới hành vi dùng tiền lôi kéo phiếu bầu
với tổng số tiền lên tới 110 triệu nhân dân tệ và có 518 đại biểu Nhân
đại, chiếm 98% tổng số đại biểu Nhân đại Hành Dương cùng 68 nhân viên
công tác Đại hội Nhân đại ở thành phố này nhận hối lộ. Tới nay, 521 vị
đại biểu Nhân đại thành phố Hành Dương nhận hối lộ và 3 vị Nhân đại
thành phố Hành Dương không nhận hối lộ nhưng do buông lỏng trách nhiệm
nghiêm trọng nên đã từ chức.
TTK