Bầu cử Mỹ 2024: Kịch bản đối đầu Trump - Harris?

Tổng thống Joe Biden đã gây chấn động khi tuyên bố rút khỏi cuộc đua tái cử Tổng thống Mỹ, tạo ra một cú sốc lớn đối với lịch sử nước Mỹ. Nếu Phó Tổng thống Kamala Harris nhận được sự đề cử, cuộc đối đầu giữa bà và cựu Tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ là một "cuộc chiến" kịch tính.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Las Vegas, Nevada, Mỹ, ngày 16/7/2024. Ảnh: Getty Images/ TTXVN

Tổng thống Joe Biden đã gây chấn động khi tuyên bố rút khỏi cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ tiếp theo. Quyết định này đã tạo ra một cú sốc lớn không chỉ đối với cuộc bầu cử năm nay mà còn đối với lịch sử nước Mỹ. Đảng Dân chủ đang phải đối mặt với tình thế khó khăn trong việc tìm kiếm ứng cử viên thay thế, nhưng nếu Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhận được sự đề cử của đảng này, thì cuộc đối đầu sắp tới giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và bà Harris hứa hẹn sẽ là một “cuộc chiến” kịch tính.

Áp lực “chuyển giao ngọn đuốc” với Tổng thống Biden

Vài tháng qua, sự ủng hộ dành cho Tổng thống Biden đã giảm sút, dẫn đến những lời kêu gọi ngày càng lớn từ các đảng viên Dân chủ yêu cầu ông rút lui khỏi cuộc đua tái cử. Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ lo ngại rằng với tuổi tác ngày càng cao (Tổng thống Biden hiện đã 81 tuổi), ông có thể không đủ sức lực và năng lượng để duy trì một chiến dịch tranh cử căng thẳng. Những lo ngại này càng leo thang khi có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Biden khó có thể dẫn dắt đảng Dân chủ đến chiến thắng trước cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Về phía Tổng thống Joe Biden, ông tuyên bố sẽ "tất tay" tìm cách tái cử vào ngày 5/11 và công kích vào những điều đối thủ Donald Trump làm trong thời gian tại nhiệm. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn được kênh BET phát sóng ngày 17/7, khi được hỏi về khả năng nào sẽ khiến ông phải cân nhắc lại chiến dịch tranh cử, Tổng thống Biden chia sẻ: “Nếu một số vấn đề y tế xảy ra đối với tôi”. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Biden hé lộ khả năng chấm dứt cuộc đua duy trì vị thế lãnh đạo Nhà Trắng.

Nhưng làn sóng kêu gọi Tổng thống Biden rút lui chủ yếu xuất phát từ lo ngại về triển vọng giành chiến thắng của ông. Ngày 17/7, đồng minh chủ chốt đến từ bang California, Hạ nghị sĩ Adam Schiff hối thúc ông Biden “trao ngọn đuốc” cho bà Harris, nhấn mạnh rằng "rủi ro thất bại quá lớn với ông Biden". Cùng với đó, giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đã thúc đẩy phong trào "chuyển giao ngọn đuốc" để kêu gọi ông Biden nhường lại vị trí ứng viên đề cử cho một chính trị gia khác của Đảng Dân chủ. Sự ủng hộ dành cho Phó Tổng thống Harris cũng đã được thể hiện qua việc gần 40 đảng viên Dân chủ tại Quốc hội công khai ủng hộ bà như là ứng cử viên tổng thống của đảng. Nghị sĩ Betty McCollum từ Minnesota, cùng với các nghị sĩ Jared Huffman, Marc Veasey, Chuy Garcia và Mark Pocan, đã gửi thư kiến nghị yêu cầu Tổng thống Biden trao lại cơ hội lãnh đạo cho thế hệ tiếp theo, với bà Harris là lựa chọn ưu tiên.

Cuối cùng, sau 3 tuần kiên quyết tiếp tục chiến dịch, Tổng thống Biden đã tuyên bố rút lui. Quyết định này được đưa ra sau khi các phụ tá của ông trình bày những lo ngại mới và dữ liệu thăm dò cho thấy con đường chiến thắng của ông ngày càng mờ mịt. Việc Tổng thống Biden rút lui đã mở ra cơ hội mới cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử, tạo điều kiện cho một ứng cử viên trẻ trung và năng động hơn, đồng thời thể hiện rằng ông đã “đặt lợi ích của đảng và quốc gia” lên hàng đầu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và bà Kamala Harris. Ảnh: Reuters/TTXVN

Ứng viên thay thế tiềm năng

Ngay sau thông báo của ông Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đảng viên Dân chủ. Sự đoàn kết này không chỉ thể hiện tinh thần hợp tác trong nội bộ đảng mà còn là một bước đi chiến lược nhằm tránh những cuộc đấu đá nội bộ không cần thiết trước thềm Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ dự kiến diễn ra từ ngày 19 – 22/8 tới.

Bà Harris cũng ngay lập tức bắt đầu gọi điện và thu hút sự ủng hộ từ các lãnh đạo đảng như cựu Tổng thống Bill Clinton và cựu ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton. Bà đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều đảng viên chủ chốt, mặc dù một số nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn như cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến nay vẫn im lặng về việc ai sẽ thay thế ông Biden. Điều này cho thấy bà Harris và các đồng minh vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo sự ủng hộ toàn diện từ đảng Dân chủ.

Trong khi đó, một số đảng viên Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã hành động nhanh chóng để đảm bảo sự ủng hộ cho bà Harris. Nghị sĩ Jim Clyburn, một đồng minh quan trọng của Tổng thống Biden, là một trong những người đầu tiên công khai ủng hộ bà Harris. Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries cũng được dự đoán sẽ làm theo. Nghị sĩ Jared Huffman dự đoán rằng “80-90%” đảng viên Dân chủ sẽ ủng hộ bà Harris, trong khi nghị sĩ Debbie Dingell cho rằng Phó Tổng thống Harris là ứng cử viên “thực tế” nhất trong bối cảnh thời gian eo hẹp.

Tuy nhiên, không phải tất cả đảng viên Dân chủ đều ngay lập tức đưa ra sự ủng hộ. Một số người cho rằng cần có một quá trình công khai để quyết định ứng cử viên mới của đảng. Cựu Tổng thống Obama đã bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của các nhà lãnh đạo đảng trong việc tìm ra một ứng cử viên xuất sắc. Về phần mình, Phó Tổng thống Harris đã khẳng định quyết tâm “giành được sự đề cử” và cam kết làm mọi thứ để đoàn kết đảng Dân chủ và quốc gia.

Theo kế hoạch, đảng Dân chủ sẽ họp lại vào ngày 24/07 để thảo luận về quy trình chỉ định ứng cử viên tổng thống Mỹ. Sau đó đảng Dân chủ sẽ tổ chức Đại hội từ ngày 19/8 để chính thức chỉ định người ra "đương đầu" với ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: TTXVN

Kịch bản đối đầu Trump – Harris?

Việc Tổng thống Biden thông báo chấm dứt nỗ lực tái tranh cử đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tạo ra một tình thế mới cho Donald Trump và các đồng minh của ông, buộc họ phải điều chỉnh chiến lược chỉ còn chưa đầy 4 tháng trước ngày bầu cử.

Cựu Tổng thống Trump, vốn tự tin sau nhiều cuộc thăm dò cho thấy ông dẫn trước ở các bang dao động quan trọng, đã tỏ ra thất vọng khi ông Biden rút lui. Ông Trump đã bày tỏ sự không hài lòng trên mạng xã hội, cho rằng mình “buộc phải tốn thời gian và tiền bạc” để đối phó với ông Biden và giờ phải “bắt đầu lại từ đầu”. Dù ông Trump vẫn tin rằng bất kỳ đối thủ mới nào cũng không khác biệt nhiều, nhưng nhóm cố vấn của ông đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược để đối phó với Phó Tổng thống Kamala Harris.

Theo đó, ngay lập tức, nhóm tranh cử của ông Trump đã tập trung vào việc chỉ trích Harris và những vấn đề mà bà có thể gặp phải, như xử lý biên giới phía Nam và các chính sách không được ưa chuộng của Tổng thống Biden. Các cố vấn hàng đầu của Trump đã nhấn mạnh rằng bà Harris “đồng lõa trong mọi quyết định tồi tệ” của Tổng thống Biden, và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đã bắt đầu hợp nhất đằng sau thông điệp rằng nếu Tổng thống Biden không đủ khả năng tái tranh cử, ông cũng không nên tiếp tục làm tổng thống.

Tuy nhiên, ông Trump cũng nhận ra rằng bà Harris sẽ mang đến những thách thức mới, đặc biệt là khả năng truyền đạt hiệu quả hơn về các vấn đề nhạy cảm như phá thai và cuộc chiến Israel - Hamas ở Dải Gaza. Nhóm của ông Trump cũng chuẩn bị cho viễn cảnh bà Harris chọn một “Phó tướng” đồng hành được yêu thích từ các bang dao động.

Trong khi cựu Tổng thống Trump và các cố vấn của ông đã điều chỉnh chiến lược để tập trung vào Phó Tổng thống Harris, đảng Dân chủ hy vọng rằng bà sẽ có thể tạo nên sự tương phản rõ rệt với ông Trump và tiếp thêm năng lượng cho chiến dịch của mình. David Wasserman từ Cook Political Report nhận định rằng bà Harris có thể mang lại sự hứng khởi mới cho đảng Dân chủ, mặc dù con đường phía trước vẫn đầy thách thức.

Có thể nói cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 hiện đang bước sang giai đoạn mới với một môi trường chính trị đầy căng thẳng và cạnh tranh. Với việc cả hai bên đều đã bắt đầu triển khai chiến lược và “công kích” lẫn nhau, cuộc đối đầu tiềm năng giữa ông Trump và bà Harris hứa hẹn sẽ là một trong những cuộc đua kịch tính nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ. Đây không chỉ là cuộc chiến về chính sách mà còn là cuộc đối đầu về tầm nhìn và giá trị đối với tương lai của nước Mỹ.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Đức chuẩn bị cho khả năng ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ
Đức chuẩn bị cho khả năng ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ

Các nhà lãnh đạo Đức đang chuẩn bị cho khả năng ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ lần thứ hai, học hỏi từ những sai lầm trong nhiệm kỳ đầu của ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN