Với sự phân bổ quyền lực tại hai viện, chính trường Mỹ trong 2 năm tới được dự báo đầy sóng gió và thế đối đầu giữa hai đảng là điều không thể tránh khỏi.
Đây là cuộc họp đầu tiên của Quốc hội kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11 vừa qua, cuộc bầu cử đã cho thấy rõ một nước Mỹ chia rẽ và phân cực về chính trị. Sự trở lại của “làn sóng xanh” Dân chủ tại Hạ viện càng khiến sự chia rẽ trở nên quyết liệt và rõ ràng hơn. Cuộc họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ nhiệm kỳ thứ 116 này đã trở thành "trận chiến lớn" giữa hai đảng liên quan đến "bài toán" ngân sách chi tiêu, chủ yếu vấn đề cấp ngân sách cho "bức tường an ninh" trên biên giới Mỹ-Mexico theo đề xuất của Tổng thống Donald Trump. Về bản chất, chủ đề bức tường biên giới là minh chứng đầu tiên cho sự chia rẽ và phân cực tại Quốc hội, trong đó lợi ích đảng phái sẽ được đặt lên bàn cân khi phe Dân chủ và Cộng hòa đưa ra quyết định.
Trước cuộc họp ngày 3/1, đã có nhiều nỗ lực nhằm mở đường cho các cuộc thương lượng tháo gỡ thế bế tắc hiện nay, trong đó phải kể đến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald với bà Nancy Pelosi, nghị sĩ đảng Dân chủ dự kiến trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ, và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer - lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện. Tuy nhiên, vấn đề bức tường biên giới vẫn là trở ngại chính khiến cuộc gặp không đạt tiến triển.
Việc phe Dân chủ từ chối yêu cầu của Tổng thống Trump cấp ngân sách trị giá 5 tỷ USD để xây bức tường biên giới ngăn người di cư được cho là đang "chặn đường" một cam kết ông Trump từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Người đứng đầu Nhà Trắng đang gia tăng sức ép để Quốc hội thông qua kế hoạch trên khi ông và phe Cộng hòa đã bắt đầu "chiến dịch" hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Thái độ khá kiên quyết của ông Trump thể hiện rõ khi ông tuyên bố chỉ ký phê chuẩn dự luật ngân sách bao gồm khoản chi 5 tỷ USD cho bức tường biên giới. Chuyên gia tại Đại học George Washington Steven Billet cho hay dường như ông Trump sẽ không từ bỏ mục tiêu xây dựng bức tường biên giới, bởi điều này giúp ông có lợi thế hơn trong cuộc bầu cử năm 2020. Trong khi đó thì phe Dân chủ từng tuyên bố sẽ không bao giờ thỏa hiệp về vấn đề bức tường biên giới.
Viện trưởng Viện Chính sách toàn cầu, Giáo sư Paolo von Schirach nhận định đối với ông Trump và những người ủng hộ chủ chốt của ông, bức tường biên giới với Mexico đã và đang là biểu tượng của chính sách "Nước Mỹ trước tiên". Việc xây dựng bức tường tại một khu vực biên giới tượng trưng cho "sự cứng rắn hơn" để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Mỹ, cũng chứng tỏ ông Trump và phe Cộng hòa đủ khả năng để thực hiện điều đó.
Về phần đảng Dân chủ, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát dự kiến tiến hành cuộc họp để thông qua một dự thảo ngân sách ngay trong ngày làm việc đầu tiên. Kế hoạch này gồm một dự thảo cấp tiền cho Bộ An ninh Nội địa theo mức hiện tại tới hết ngày 8/2 và cấp 1,3 tỷ USD cho việc xây hàng rào biên giới, và 300 triệu USD cho các hạng mục an ninh biên giới khác như trang bị camera và thiết bị công nghệ. Phần thứ 2 của đề xuất là việc cấp quỹ cho các cơ quan liên bang hiện không có ngân sách bao gồm các bộ Tư pháp, Thương mại và Giao thông cho tới ngày 30/9.
Đáng lưu ý, cả 2 dự luật “không bao gồm khoản chi 5 tỷ USD dành cho việc xây bức tường” như mong muốn của ông Trump và điều này đã không làm hài lòng các nghị sĩ Cộng hòa. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, tuyên bố Thượng viện sẽ không thông qua một biện pháp ngân sách nào không được Tổng thống Donald Trump ủng hộ. Trong khi đó, Nhà Trắng đã thẳng thừng bác bỏ sáng kiến của phe Dân chủ là "không có tương lai" do "không chi tiền để bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ các gia đình Mỹ khỏi các vấn nạn như tội phạm, buôn người và thuốc phiện". Do vậy, cho dù được thông qua tại Hạ viện, kế hoạch chi tiêu này không được Thượng viện, nơi phe Cộng hòa kiểm soát 57/100 ghế, chấp thuận.
Tuy nhiên, đây cũng là lần thứ ba trong vòng 13 tháng, chính phủ liên bang dưới sự điều hành của Tổng thống Donald Trump đã phải đóng cửa vì mâu thuẫn về vấn đề an ninh biên giới. Nhiều khả năng lần này hai bên sẽ tìm tới sự thỏa hiệp tạm thời để nối lại hoạt động cho chính phủ. Mặt khác, tính cấp bách trong gói ngân sách chi tiêu sẽ đẩy Tổng thống Trump và các thành viên Cộng hòa bảo thủ vào thế khó, bởi việc không nhân nhượng đồng nghĩa với việc họ đang lấy một số cơ quan chính phủ và 800.000 nhân viên liên bang làm "con tin" để đổi lấy bức tường biên giới.
Phó Giáo sư Kinh tế Barry Friedman cho rằng Quốc hội Mỹ có thể nhất trí về các chính sách để hạn chế di cư bất hợp pháp và sàng lọc kỹ hơn đối với người tị nạn, đồng thời đưa ra những hạn chế đối với người di cư bất hợp pháp, và ông Trump có thể gọi đây là một chiến thắng trong việc mặc cả. Khi đó thì kế hoạch xây bức tường biên giới có thể xem là một "quân bài mặc cả" mà thôi. Còn đối với phe Dân chủ, bức tường biên giới sẽ trở thành vũ khí chính trị trong cuộc đua trường kỳ giữa hai đảng trước mỗi kỳ bầu cử.
Vấn đề mấu chốt lúc này sẽ không còn là ngân sách chi tiêu cho bức tường biên giới. Thách thức đối với Tổng thống Trump khi Quốc hội nhiệm kỳ mới đi vào hoạt động sẽ là những kế hoạch của đảng Dân chủ xúc tiến các cuộc điều tra mới nhằm vào vị tổng thống của đảng Cộng hòa. Giới phân tích nhận định rằng chính trường Mỹ sẽ càng thêm rối ren, khiến các mục tiêu mà Tổng thống Donald Trump đặt ra càng khó thực hiện. Cuộc bầu cử năm 2020 được cho sẽ tác động tới hành động của phe Cộng hòa hay phe Dân chủ trong thời gian tới.
Đây không phải là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ rơi vào thế đối đầu giữa phe Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ cả phe Dân chủ lẫn phe Cộng hòa đều tỏ ra không mấy mặn mà với việc hàn gắn bất đồng, mà chỉ nhượng bộ tạm thời để hướng tới những mục tiêu xa hơn. Nói cách khác là lợi ích đảng phái trong nhiều trường hợp sẽ được đặt trên lợi ích của người dân, và điều đó sẽ chi phối hoạt động của quốc hội nhiệm kỳ mới.