Theo Tạp chí "World Policy Journal", công nghệ mới được ứng dụng trong khai thác khí đốt từ đá phiến đã giúp cách mạng hóa ngành năng lượng toàn cầu, hứa hẹn mở ra "Kỷ nguyên vàng của khí đốt". Viện Nghiên cứu Năng lượng Mỹ cho biết, tổng trữ lượng khí đốt tự nhiên có thể khai thác của nước này ước đạt 4,244 triệu tỷ feet khối, lớn hơn tổng trữ lượng của Nga, Tuốcmênixtan, Iran, Cata và Arập Xêút cộng lại. Tuy nhiên, cuộc cách mạng khí đốt từ đá phiến sẽ được nhân rộng tại những khu vực khác của thế giới, và Ba Lan đang nổi lên như một thế lực lớn, hứa hẹn sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực tại châu Âu.
Khai thác dầu khí tại Ba Lan. Ảnh: Internet |
Ba Lan xưa nay được công nhận như một quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực dầu khí và là nơi có những mỏ khí đốt đá phiến lớn nhất châu Âu. Giống như Mỹ, nước này đang được tính đến trong quá trình tái xác lập bản đồ năng lượng của thế giới. Với trữ lượng khí đốt từ đá phiến và khí đốt thông thường được phát hiện, Ba Lan có thể sản xuất ra một nguồn năng lượng lớn gấp 360-440 lần sản lượng dầu mỏ mà nước này khai thác được hàng năm.
Theo Viện Kosciuzzko của Ba Lan, công nghiệp khai thác khí đốt từ đá phiến của Ba Lan có thể tạo ra 155.000 việc làm trong vòng 10 năm tới. Các công ty đang thăm dò tại Ba Lan, như Conoco Philips, Chevron, Marathon Oil... cho biết trữ lượng khí đốt từ đá phiến ở Ba Lan có thể đưa nước này trở thành một nhà xuất khẩu khí đốt chính của thế giới, không chỉ giúp bản thân Ba Lan mà cả các nước châu Âu khác giảm bớt lệ thuộc vào dầu khí của Nga.
Hiện nay, Ba Lan đang dựa vào nguồn than đá khai thác trong nước và khí đốt nhập khẩu từ Nga, nhưng sự lệ thuộc này sẽ sớm chấm dứt. Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski từng phát biểu: "Nhờ có khí đốt từ đá phiến, trong vòng 10-15 năm nữa, Ba Lan có cơ hội trở thành một Na Uy thứ hai".
Ba Lan đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Với tốc độ phát triển kinh tế cao bậc nhất châu Âu, kế hoạch này chắc sẽ thành công. Theo nghiên cứu của Ernst & Young's, Ba Lan hiện là địa chỉ đầu tư hấp dẫn nhất châu Âu. Không có gì là ngạc nhiên khi Ngân hàng Trung Quốc đã mở chi nhánh tại Vácxava hồi tháng 6 năm ngoái. Đây cũng là nước duy nhất trong khối EU tránh được cuộc khủng hoảng tài chính và duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 4%.
Trong những năm gần đây, đã có khoảng 625 triệu USD được đầu tư vào Ba Lan để tìm kiếm các mỏ khí đá phiến. Theo Bộ Môi trường Ba Lan, 38 công ty nước ngoài sẽ khoan các giếng mới để tìm kiếm khí đốt từ đá phiến trong năm nay. Các công ty thăm dò và sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất Ba Lan cũng đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với các công ty Mỹ và Canađa có công nghệ tiên tiến để tăng cường kỹ năng khai thác của mình.
Tuy nhiên, các chính sách thúc đẩy cuộc cách mạng khí đốt từ đá phiến ở Mỹ không tồn tại trong Liên minh châu Âu (EU). Quy định nghiêm ngặt của EU liên quan đến các vấn đề môi trường và nguồn nước không khuyến khích phát triển ngành công nghiệp khí đốt từ đá phiến. Ủy ban EU đã không tỏ thái độ sẵn sàng đầu tư cho khí đá phiến.
Theo nghiên cứu của Chatham House, thị trường khí đốt châu Âu tương đối vắng vẻ, giá cả kém minh bạch và chi phí giao dịch cao. Chi phí cho việc khoan một giếng khí đá phiến ở Ba Lan vẫn còn cao gấp ba lần so với ở Mỹ do thiếu cạnh tranh. Tuy nhiên, việc cải thiện hạ tầng khí đá phiến, ứng dụng công nghệ tiên tiến từ Mỹ và Canađa và tạo ra thị trường hoàn toàn minh bạch sẽ nhanh chóng làm thay đổi tình trạng này, đặc biệt là với châu Âu đang mong muốn thoát khỏi việc phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
Không có nghi ngờ gì về tác động rất lớn của cuộc cách mạng khí đốt từ đá phiến. Ba Lan có tiềm năng để trở thành một quốc gia giàu kinh nghiệm về khí đốt từ đá phiến, có thể chuyển giao kiến thức của mình cho các quốc gia khác trên thế giới. Sự phát triển của công nghệ khai thác khí đốt từ đá phiến có thể làm suy giảm vị thế của Nga trong lĩnh vực năng lượng, giảm quyền định giá dầu mỏ của Nga và công ty khí đốt Gazprom, và cuối cùng là làm giảm lợi nhuận của Nga.
Minh Đức