Ba gương mặt gây chú ý trên chính trường quốc tế 2016

Năm 2016 đã chứng kiến rất nhiều gương mặt mới xuất hiện trên chính trường quốc tế, với một số nhân vật đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Donald Trump: Nước Mỹ là trên hết

Donald Trump đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi ông thắng cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông đã cam kết thực hiện kết hợp các chính sách như sử dụng biện pháp tài khóa, đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm thuế. Cam kết cắt giảm thuế của ông Trump gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp và giới thượng lưu Mỹ.

Ông Trump là gương mặt đáng chú ý trong năm 2016. Ảnh:AFP/TTXVN

Hầu hết các chính sách đối ngoại của ông sẽ theo hướng thực dụng. Tổng thống Mỹ sắp tới bày tỏ ý định thực thi bảo hộ thương mại. Ông đã tuyên bố “khai tử” Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nói rằng ông sẽ lựa chọn đàm phán với từng đối tác của Mỹ về các thỏa thuận thương mại “công bằng”.

Ông Trump cũng cảnh báo áp thuế cao với các sản phẩm của Trung Quốc nếu Trung Quốc không chấm dứt “hành vi thương mại gian lận”. Eswar Prasad, Giáo sư tại Đại học Cornell và là chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings, cho rằng sẽ có nguy cơ lớn khiến “môi trường kinh doanh ở Trung Quốc và Mỹ trở nên khó khăn hơn cho các công ty hoạt động ở hai quốc gia này”. David Dollar, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm John L. Thornton thuộc Viện Brookings, hy vọng rằng chính quyền ông Trump sẽ nhận ra rằng việc khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc không mang lại lợi ích cho Mỹ.

Theresa May: Sứ mệnh đàm phán tiến trình Brexit

Đến nay, Thủ tướng Anh Theresa May dường như chưa đạt được tiến triển nào trong tiến trình Brexit, ngoại trừ tuyên bố của bà hồi tháng 10 vừa qua rằng London sẽ kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp định Lisbon trước cuối tháng 3/2017 để khởi động tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 2 năm.

Các bất ổn đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Anh cũng như những hy vọng về việc sớm đàm phán về các hiệp định thương mại song phương với các nước ngoài EU. Chuyên gia kinh tế Martin Wolf nói: “Đàm phán Brexit - được hiểu theo nghĩa hẹp - sẽ kết thúc trong vòng 2 năm; nhưng việc tạo dựng môi trường hậu Brexit... chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian”.

Tuy nhiên, đánh giá về chặng đường chông gai phía trước khi Anh tìm cách thiết lập các quan hệ kinh tế và thương mại mới, chuyên gia Wolf cảnh báo rằng việc rời khỏi EU chỉ là bước đi đầu tiên của hành trình này.

Quyết định rời khỏi EU của Anh cũng đánh dấu sự khởi đầu của xu hướng rạn nứt trong EU, điều cũng ảnh hưởng xấu tới kinh tế toàn cầu. Trước nhiệm vụ khó khăn “chèo lái” nước Anh rời khỏi EU, bà May ít nhất cảm thấy an ủi rằng ông Trump, không giống như người tiền nhiệm Barack Obama, đã bày tỏ sự ủng hộ công khai cho tiến trình Brexit cũng như ý định thắt chặt quan hệ với Anh sau Brexit.

Antonio Guterres: Ưu tiên giải quyết khủng hoảng di cư

Antonio Guterres, người từng là lãnh đạo Cao ủy tị nạn Liên hợp quốc (LHQ), đã vượt qua 6 vòng bỏ phiếu để trở thành Tổng thư ký thứ 9 của LHQ. Việc 193 nước thành viên nhất trí bỏ phiếu cho ông Guterres cho thấy ông là lựa chọn tốt nhất để giải quyết các thách thức mà thế giới đang đối mặt, như cuộc khủng hoảng người di cư, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Ông Guterres từng giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha và lãnh đạo Cao ủy tị nạn LHQ trong 10 năm cho đến năm 2015, và đã giải quyết một số cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trên thế giới, đặc biệt ở Syria và Iraq.

Michael Williams, cựu Phó Tổng thư ký LHQ, cho rằng ông Guterres “hoàn toàn đủ tiêu chuẩn” cho vị trí này, không chỉ bởi những hiểu biết chính trị của ông. Trong một bài viết đăng trên trang mạng của Viện Chatham House, ông Williams viết: “Trong quá trình lựa chọn ông Guterres, nhiều thành viên trong Hội đồng Bảo an không những thừa nhận rằng ông rất thành thạo ở vị trí đó, mà còn nhận thức rõ rằng các vấn đề người tị nạn và nhập cư sẽ tiếp tục chi phối chương trình nghị sự quốc tế trong các năm tới”.
TTK
Chính trường Italy lại đối mặt với thách thức
Chính trường Italy lại đối mặt với thách thức

Các đảng phái ở Italy đã bắt đầu tiến trình tham vấn chính trị về tương lai của chính phủ và quốc hội nước này, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 Khu vực đồng tiền chung châu Âu một lần nữa lâm vào bế tắc chính trị sau khi Thủ tướng Matteo Renzi chính thức đệ đơn từ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN