Australia quan ngại khi bán mạng lưới điện cho Trung Quốc

Các cơ quan an ninh của Australia đang giám sát các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu hệ thống phân phối điện ở bang New South Wales trước những cảnh báo nguy cơ tấn công mạng gây mất an toàn cho mạng lưới điện.

Ảnh minh họa


Trung tâm An ninh mạng Australia trực thuộc Chính phủ Liên bang mới đây cho biết trong những năm qua đã xảy ra 11.073 vụ trục trặc mạng liên quan tới các doanh nghiệp Australia, trong đó 153 vụ liên quan tới lợi ích quốc gia như hệ thống hạ tầng trọng yếu. Mặc dù chưa có vụ tấn công mạng nào ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định, an ninh quốc gia song năng lượng là lĩnh vực bị tấn công hàng đầu chiếm tới 29%.

Theo dự kiến, mạng lưới phân phối điện của TransGrid sẽ được bán vào cuối năm nay và mang lại 9 tỷ AUD cho Chính phủ Australia. TransGrid cung cấp điện cho phần lớn khu vực ven biển phía Đông Australia, toàn bộ khu vực bang New South Wales và Vùng lãnh thổ Thủ đô (ACT). TransGrid cũng bao gồm mạng lưới viễn thông phục vụ cho các cơ quan chính phủ và ngành công nghiệp, kiểm soát khoảng 2.000 km cáp quang. Công ty dự kiến lắp đặt thêm cáp ở thủ đô Canberra phục vụ các cơ quan trọng yếu của chính phủ.

Quá trình đấu giá đang diễn ra, có ít nhất hai công ty của Trung Quốc tham gia và một trong hai công ty này là Tập đoàn Mạng lưới điện Nhà nước (SGC). Tập đoàn này đã mua lại mạng lưới điện của Melbourne, mạng lưới phân phối khí đốt của bang New South Wales. Hiện có nhiều quan ngại nếu bán một phần cơ sở hạ tầng trọng yếu này cho một công ty do Bắc Kinh kiểm soát vì trong trường hợp xảy ra khủng hoảng trong tương lai, Trung Quốc có khả năng cắt hoặc làm quá tải hệ thống năng lượng của bang, kể cả các cơ sở quốc phòng.

Điều cần thiết là phải bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu trước nguy cơ bị các cường quốc bên ngoài hoặc các tổ chức khủng bố sử dụng máy tính tiến hành các cuộc tấn công mạng như đã được đề cập tới trong Sách Trắng quốc phòng gần đây nhất. Các nhà nghiên cứu Mỹ cũng chỉ ra rằng hệ thống mạng có thể mở và đóng cầu giao tại các trạm điện, chẳng hạn như vụ tấn công của Stuxnet vào các cơ sở hạt nhân của Iran phá hủy 1.000 máy li tâm.

Peter Jennings, nguyên là một quan chức quốc phòng kỳ cựu và hiện là người đứng đầu Viện nghiên cứu chiến lược Australia, cho biết FIRB nên cân nhắc cẩn thận những vấn đề an ninh liên quan. Ông nói: "Không gì có thể phân biệt rõ đâu là hành động của một công ty hay tổ chức nào đó. Đây là một mối quan ngại thực sự".

Các cơ sở quân sự ở bang New South Wales lấy nguồn điện trược tiếp từ mạng lưới điện và chính điều này liên quan trực tiếp tới các nguy cơ an ninh. Tại Mỹ, các tin tặc đã dùng phần mềm có khả năng can thiệp vào các trạm điện từ xa. Ông Peter nói: "Tôi quan ngại về khả năng tấn công mạng và hạ tầng năng lượng ở bang New South Wales. Nguồn cung cấp điện cho các cơ sở quốc phòng có thể bị cúp hoặc các vụ tấn công mạng nhằm quá trình phát và phân phối điện là điều cần quan tâm. Có nghĩa là lưới điện có thể mất vào thời điểm bất lợi hoặc tăng công suất khiến cho hệ thống quá tải cũng như các nguyên nhân khác gây hậu quả".

Ủy ban Giám sát đầu tư nước ngoài (FIRB) sẽ cân nhắc thỏa đáng những vấn đề an ninh liên quan khi bán mạng lưới phân phối điện cho công ty do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát. Các cơ quan an ninh Australia theo dõi sát các nhà đầu tư nước ngoài. Cơ quan Tình báo An ninh Australia (ASIO) từng khuyến nghị Chính phủ Lao động tiền nhiệm không cho phép Công ty Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng lưới băng thông rộng quốc gia (NBN) vì những quan ngại an ninh. Năm 2013, khi chấp thuận cho Công ty State Grid trúng thầu, Bộ trưởng Ngân khố Joe Hockey cho biết sẽ không làm đảo lộn quyết định của chính phủ tiền nhiệm không cho phép Huawei tham gia vào dự án NBN.

Phát ngôn viên của Chính phủ cho biết trong khi chưa có ý kiến gì về những công ty tham gia thầu, Văn phòng Tổng chưởng lý đề nghị Bộ Tài chính xem xét dự thầu liên quan tới cơ sở hạ tầng trọng yếu theo đúng cơ chế đầu tư nước ngoài.

Sao Băng (Theo báo The Australian)
Kinh tế Trung Quốc đang điều chỉnh và tăng chậm lại
Kinh tế Trung Quốc đang điều chỉnh và tăng chậm lại

Quan chức Carlo Cottarelli của IMF cho rằng việc kinh tế Trung Quốc mất đà tăng trưởng gần đây chỉ là một sự điều chỉnh cần thiết chứ không phải là một cuộc khủng hoảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN