Anh đau đầu với bài toán đi hay ở

Ngày 12/10/2015, trước thềm cuộc trưng cầu ý dân về việc "ra đi" hay "ở lại" EU vào năm 2017, tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã diễn ra lễ phát động chiến dịch vận động ủng hộ nước này tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu (EU). Chiến dịch này diễn ra 4 ngày sau khi một chiến dịch tương tự vận động ủng hộ việc Anh tách khỏi EU mang tên "Vote Leave" được phát động. Những động thái trên đã khiến những tranh cãi về việc nước Anh "ra đi" hay "ở lại" EU lại “nóng dần” lên.


Nhiều tranh cãi

Ngày 8/10/2015, chiến dịch vận động bỏ phiếu ủng hộ việc Anh tách khỏi EU mang tên "Vote Leave" đã được phát động. Chiến dịch này được tài trợ và điều hành bởi các nghị sĩ thuộc các chính đảng lớn của Anh như đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron, Công đảng đối lập và đảng Độc lập Anh (UKIP).

Những người tham gia phát động chiến dịch "Britain Stronger in Europe".

Theo thông báo được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của chiến dịch "Vote Leave”, ba nhà tài trợ chính của chiến dịch gồm: Cựu thủ quỹ của đảng Bảo thủ Peter Cruddas, tỷ phú kênh mua sắm trên truyền hình John Mills ủng hộ Công đảng và doanh nhân Stuart Wheeler từ UKIP. Mỗi người đóng góp hàng trăm nghìn bảng Anh. Ngoài ra, hiện đã có thêm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đăng ký tham gia chiến dịch này.

Anh nhận định mô hình liên kết của EU có nhiều lỗi hệ thống đã cản trở sự phát triển và phồn vinh của các nước thành viên. EU cần một cuộc cải tổ sâu rộng hoặc Anh sẽ đơn phương đòi hỏi sửa đổi tư cách của mình trong khối.

Hãng tin Reuters cho biết, “Vote Leave” là chiến dịch mới nhất nhằm kêu gọi người dân “xứ sở sương mù” tách ra khỏi EU. Những người tham gia chiến dịch này đều chỉ trích việc nước Anh chịu quá nhiều ảnh hưởng bởi pháp luật châu Âu. Nhiều công dân Anh cho rằng, họ phải gánh trách nhiệm quá lớn, do Anh được coi là một trong những trung tâm lớn của EU và phải đóng những khoản tiền lớn vào ngân sách của châu Âu. Trước khi chiến dịch "Vote Leave" được triển khai, hồi tháng 9 vừa qua, một chiến dịch tương tự mang tên "Leave.EU" đã được thực hiện với sự ủng hộ của lãnh đạo đảng UKIP Nigel Farage.

Ngay sau chiến dịch “Vote Leave”, một chiến dịch đối lập ủng hộ việc Anh ở lại EU mang tên "Britain Stronger in Europe" (Nước Anh hùng mạnh hơn trong EU) cũng được phát động ngày 12/10. Chiến dịch này có sự tham gia của ba vị cựu thủ tướng Anh; cựu Bộ trưởng Lao động Peter Mandelson; nữ doanh nhân Karren Brady, đồng thời là nghị sĩ đảng Bảo thủ, cùng nhiều nhân vật khác. Chiến dịch này do Huân tước Stuart Rose, cựu Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị nổi tiếng Anh Marks & Spencer (M&S) đồng thời là thành viên đảng Bảo thủ Anh, đứng đầu. Phát biểu ngay trước buổi lễ phát động, ông Stuart Rose bày tỏ tin tưởng rằng việc tiếp tục là thành viên EU sẽ giúp nước Anh vững mạnh, tốt đẹp và an toàn hơn so với việc rời khỏi liên minh này. Cựu Giám đốc điều hành M&S cũng cảnh báo về nguy cơ hàng triệu việc làm bị mất đi nếu Anh không còn là thành viên EU.

“Vote Leave” là chiến dịch vận động bỏ phiếu ủng hộ việc Anh tách khỏi EU.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát trưởng (ACPO), ông Hugh Orde, cho rằng những kẻ bị truy nã từ khắp châu Âu sẽ tìm tới Anh như một "nơi trú ẩn an toàn" mới nếu như nước này rời khỏi EU, do hàng loạt điều luật và các thỏa thuận dẫn độ sẽ bị "xé bỏ". Ông Orde cho rằng, rời khỏi EU đồng nghĩa với việc Anh không còn là một bên tham gia Lệnh truy nã châu Âu và hàng loạt biện pháp chống tội phạm khác của EU. Anh sẽ phải thương lượng lại tất cả các thỏa thuận pháp lý và nội vụ với từng nước trong 27 quốc gia thành viên EU còn lại. Ông Orde cũng nhấn mạnh nếu không còn là thành viên EU, Anh sẽ mất quyền tham gia các nhóm điều tra chung và như thế tiến trình điều tra các vụ trọng án sẽ bị kéo dài vì việc lấy chứng cớ và thông tin sẽ vướng nhiều thủ tục pháp lý phức tạp.

Vì sao Anh muốn rời khỏi EU?

Nước Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) - tiền thân của EU - vào năm 1973. Năm 1975, một cuộc trưng cầu ý dân về việc rút khỏi EEC từng được tổ chức ở Anh và 67,2% số người bỏ phiếu đã không ủng hộ việc rút lui này. Tuy vậy, sau bốn thập niên gắn bó, vấn đề EU đang trở lại là đề tài nhạy cảm nhất tại Anh.

Chính phủ Anh nhận định chưa bao giờ tương lai của châu Âu lại mù mịt như hiện nay. Mô hình liên kết của EU có nhiều lỗi hệ thống đã cản trở sự phát triển và phồn vinh của các nước thành viên. EU cần một cuộc cải tổ sâu rộng hoặc Anh sẽ đơn phương đòi hỏi sửa đổi tư cách của mình trong khối.

TL
Anh đau đầu với bài toán đi hay ở -Phần cuối
Anh đau đầu với bài toán đi hay ở -Phần cuối

Một bộ phận người dân Anh không hài lòng với cách châu Âu điều hành họ. Họ thấy rằng tư cách "thành viên EU" không mang lại lợi ích gì mà lại tước đi của họ quá nhiều tự do.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN