Những tuyên bố đầu tiên của lực lượng đảo chính ở Mali không làm cho giới quan sát yên tâm, cho dù thủ lĩnh phe đảo chính Amadou Sanogo hứa hẹn sẽ không cầm quyền lâu dài. Viên đại úy này tuyên bố muốn "cải cách nhà nước", song khẳng định sẽ không "đánh cược" cuộc đời mình vì việc đó. Điều đó khiến các nhà phân tích đặt câu hỏi: Ai là người thực sự kiểm soát lực lượng đảo chính? Họ cũng nghi ngờ về thời điểm diễn ra đảo chính, mục đích cũng như những ẩn ý của cuộc đảo chính này.
Trả lời phỏng vấn tạp chí "Maghreb", ông M'hend Berlouk, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Chiến lược Angiêri (CRSS), cho rằng cuộc nổi dậy của người Touareg và vấn đề khủng bố không phải là minh chứng khách quan cho cuộc đảo chính quân sự ở Mali khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến thời hạn tổ chức bầu cử tổng thống (ngày 29/4). Theo ông, chắc chắn có mưu đồ đằng sau cuộc khủng hoảng thể chế ở Mali.
Người dân thủ đô Bamacô chạy loạn trong cuộc binh biến ngày 21/3/2012. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Philippe Hugon, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), không loại trừ khả năng một số chính đảng và tướng lĩnh đứng đằng sau cuộc đảo chính. Tuy nhiên, ông cho rằng không thể khẳng định là không có bàn tay của nước ngoài. Hầu hết các chuyên gia đều tập trung sự nghi ngờ vào Pháp.
Theo ông Fouad Harit, một nhà phân tích khác, cuộc đảo chính là hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng Libi. Điều không thể không biết trong cuộc khủng hoảng ở Mali là sự can dự của Pháp, nước gần như chính thức ủng hộ cuộc nổi dậy của người Touareg. Khi Pháp chấm dứt vai trò ở Libi, lính đánh thuê Touareg trở về Bắc Mali. Trước đó, Pháp và đồng minh đã đánh tín hiệu cho họ, theo đó họ trở về Azouad để giải phóng vùng lãnh thổ này. Với số chiến binh vũ trang hùng hậu từ Libi về, Pháp có được sự hỗ trợ đáng kể. Tháng 9/2007, tại Pari đã diễn ra cuộc họp của người Touareg ở Nigiê và Mali nhằm mục đích thành lập Nhà nước Thamouzgha của người Touareg.
Hơn nữa, năm 2007, Nigiê đã tố cáo Areva - một tổ hợp của Pháp khai thác urani từ 40 năm nay ở nước này - tài trợ cho các cuộc nổi dậy của người Touareg. Các sự kiện này cho thấy Pháp vẫn luôn có ảnh hưởng đến các nước Sahel (gồm Angiêri, Mali, Môritani và Nigiê).
Một thực tế nữa là Tổng thống Mali Amadou Toumani Touré bị Pháp cho là quá mềm yếu trong cuộc chiến chống Aqmi (tổ chức Khủng bố Al - Qaeda ở Bắc Phi), mặc dù Mali được Pháp hỗ trợ nhiều về trang thiết bị, tài chính, hậu cần và đào tạo quân sự. Từ đó, Pháp coi ông Amadou Toumani Touré là người "không đáng tin cậy". Phủ Tổng thống Pháp cũng chưa bao giờ tha thứ cho Amadou Toumani Touré vì ông này đã không cho phép Pháp thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Mali để đấu tranh chống khủng bố. Hơn nữa, Mali đã cương quyết từ chối phê chuẩn hiệp định tiếp nhận lại người nhập cư bị trục xuất khỏi Pháp. Như vậy, theo ông Fouad Harit, cuộc đảo chính xuất phát từ một chiến lược của Pháp.
Ông Amadou Toumani Touré là Tổng thống dân cử, song điều đáng ngạc nhiên là sau cuộc đảo chính, Pháp, dù lên án cuộc đảo chính, không hề yêu cầu để ông trở lại, mà trái lại, yêu cầu tổ chức bầu tổng thống càng sớm càng tốt.
Theo nhà phân tích Sabine Cessou, có thể Pháp sẽ thiết lập sự cân bằng mới giữa lực lượng nổi dậy Touareg và phái quân sự đảo chính. Trong hoàn cảnh đó, một khối lượng lớn phương tiện quân sự có thể sẽ được "làm quà" cho Mali theo đề nghị của quân đảo chính, với mục tiêu là bảo đảm an toàn lâu dài cho đầu tư của Pháp ở Mali - một nguồn thu mới của Pháp. Nhà phân tích Cessou không loại trừ khả năng một căn cứ quân sự của Pháp sẽ được thiết lập ở Mali.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống theo kế hoạch có nguy cơ làm phức tạp thêm chương trình của Pháp. Và như vậy, một thế hệ quân đảo chính "ngẫu nhiên" vẫn luôn là phương trình cuối cùng và dễ giải nhất đối với Pháp.
Trần Mạch (P/v TTXVN tại Angiêri)