Ngày 14/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shogiu đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Ai Cập kéo dài 2 ngày nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng của Nga thông qua hợp tác quân sự và kinh tế với một đồng minh then chốt của Mỹ tại Trung Đông. Có ý kiến cho rằng chuyến thăm lần này cùng thái độ hướng về Ai Cập của Nga càng cho thấy rõ hơn sự lạnh nhạt gần đây trong quan hệ Mỹ-Ai Cập kể từ khi chính quyền Washington lên tiếng chỉ trích việc tổng thống dân cử đầu tiên của quốc gia Bắc Phi này bị quân đội lật đổ hôm 3/7. Mặc dù các quan chức Ai Cập nói rằng họ, quốc gia từng là một đồng minh thân cận của Xôviết, sẽ không quay lưng lại với Mỹ, song rõ ràng chính quyền Cairo đương nhiệm được quân đội hậu thuẫn đang cho thấy họ có nhiều lựa chọn khác.
Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour (phải) hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov (thứ hai, trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tại Cairo ngày 14/11. Ảnh: AFP-TTXVN |
Để trấn an dư luận và gạt bỏ các đồn đoán về một sự chuyển hướng chính sách ngoại giao, Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmy miêu tả chuyến thăm của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nga là nhằm "kích hoạt" mối quan hệ đã tồn tại giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh tới những điểm tích cực trong hợp tác song phương trên "nhiều phương diện". Tuy nhiên, thực tế chuyến thăm của hai Bộ trưởng Nga tới Ai Cập diễn ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự hàng triệu USD cho Cairo là một sự kiện rất đáng chú ý.
Sau nghi lễ đón tiếp trọng thể, Ngoại trưởng Lavrov và Bộ trưởng Shoigu đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội Ai Cập Tướng Abdel-Fatah el-Sisi tại trụ sở Bộ Quốc phòng. Trong suốt ngày 14/11, truyền hình Ai Cập liên tục phát các đoạn băng ghi lại những chuyến thăm song phương của các nhà lãnh đạo Xôviết và Ai Cập trong những năm 50 và 60 thế kỷ trước - giai đoạn đánh dấu sự nồng ấm trong mối quan hệ hữu nghị chiến lược giữa hai bên trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Lạnh đang căng thẳng tới mức đỉnh điểm và Ai Cập vướng vào cuộc xung đột với Israel - đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông.
Ngoại trưởng Fahmy trả lời báo giới sau cuộc gặp người đồng cấp Lavrov: "Chúng tôi muốn thúc đẩy và tăng cường hơn nữa mối quan hệ đã tồn tại này". Trước câu hỏi liệu Nga có thể thay thế Mỹ và trở thành đồng minh số 1 của Ai Cập hay không, Ngoại trưởng Fahmy nói rằng Ai Cập không tìm kiếm "người thay thế cho bất cứ ai".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định cuộc gặp là một dấu mốc "lịch sử". Ông nhấn mạnh Nga "mong muốn Ai Cập phát triển ổn định với một nền kinh tế thịnh vượng và hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả". Ngoại trưởng Lavrov cũng tỏ ý tán thành kế hoạch chuyển giao quyền lực dân chủ mà giới quân đội Ai Cập đưa ra sau khi lật đổ cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi.
Hồi đầu tháng qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã tới Cairo với mục đích cải thiện quan hệ song phương, tuy nhiên việc Washington đình chỉ một phần gói viện trợ quân sự, bao gồm việc chuyển giao xe tăng, máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu cho Ai Cập, rõ ràng đã trở thành một đòn giáng thẳng vào sự tự tôn của chính quyền lâm thời tại quốc gia Bắc Phi này.
Hiện vẫn chưa rõ Ai Cập và Nga có tiến tới ký kết thỏa thuận vũ khí trong khuôn khổ chuyến thăm lần này hay không. Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời một quan chức giấu tên, thuộc doanh nghiệp xuất khẩu vũ khí nhà nước Rosoboron, cho hay hai bên chưa lên kế hoạch ký các hợp đồng lớn trong các cuộc thảo luận tại Cairo lần này. Theo Interfax, Ai Cập đã tỏ ý quan tâm tới việc mua hệ thống tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu MiG-29, trực thăng chiến đấu và nhiều loại vũ khí khác của Nga. Hãng thông tấn này cũng dẫn lời một quan chức giấu tên, phụ trách lĩnh vực buôn bán vũ khí nói rằng trong tương lai gần ít có khả năng hai bên sẽ đạt được các thỏa thuận quy mô lớn do khả năng tài chính có hạn của Ai Cập ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, Tướng Talaat Musalem, nhân vật đã về hưu và có mối quan hệ khá gần gũi với giới lãnh đạo quân đội đương nhiệm, cho biết Ai Cập đang chuẩn bị ký thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với Nga để mua 24 máy bay chiến đấu MiG, các tên lửa chống tăng và một hệ thống phòng không. Ông nói: "Chúng tôi không thể ngồi im sau khi bị (Mỹ) tát thẳng vào mặt. Những áp lực mà họ đang gây ra là điều không thể chấp nhận được, bởi vậy, Ai Cập 'hướng sang' Nga để tìm cách duy trì khả năng chiến đấu".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cam kết thúc đẩy quan hệ quân sự và tăng cường đối thoại song phương Nga-Ai Cập. Ông nhấn mạnh: "Tôi hy vọng hai bên sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại đầy tính xây dựng xung quanh các vấn đề chuyên môn cũng như mọi phương diện khác". Bộ trưởng Shogiu cho biết các cuộc thảo luận song phương cũng đã đề cập tới cuộc chiến chống khủng bố và các cuộc diễn tập chung trong tương lai.
Chuyên gia Farrag Aboul-Nour nhận định: "Xét về mặt lý thuyết, (Ai Cập) không cần phải lựa chọn giữa Mỹ và Nga. Song thực tế việc Mỹ đình chỉ hỗ trợ quân sự cho Ai Cập là một cảnh báo nguy hiểm... Thông điệp (mà Cairo) gửi tới Mỹ là Ai Cập không thể theo đuôi Mỹ mãi được".
Tâm lý chống Mỹ ngày càng dâng cao tại Ai Cập, mà chủ yếu là do thái độ thiên vị của Washington đối với tổ chức Anh em Hồi giáo cũng như quan điểm cho rằng Cairo đã chịu sự chi phối của Washington trong nhiều thập kỷ dưới chế độ Mubarak, có thể sẽ là một động lực giúp Nga thúc đẩy các mục tiêu mà họ theo đuổi tại quốc gia Bắc Phi này.
Sự kiện diễn ra trong hai ngày 14-15/11 là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của các quan chức Nga tới Ai Cập kể từ khi cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký thỏa thuận quan hệ đối tác với cựu Tổng thống Hosni Mubarak năm 2009. Hiện vẫn rất khó để cho rằng Nga có thể thay thế Mỹ và trở thành đồng minh chủ chốt của Ai Cập, dù chỉ trong ngắn hạn.
Mạnh Hùng (theo AP)