Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội, cần hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước phát triển. Ông Ngô Cự Mạnh, Nhà sáng lập Công ty TNHH Công nghệ Giao Thoa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách để cải thiện về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần “thông thoáng” hơn nữa, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo ông Ngô Cự Mạnh, đây là những doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa nghiên cứu phát triển sản phẩm nên rất sợ vướng mắc thủ tục hành chính, nhất là vấn đề về thuế. Hầu hết đối tượng này thường gặp khó khăn về thủ tục thuế do thiếu kinh nghiệm cũng như nhân sự, do không thể dành nhân lực riêng cho công tác thuế; do vậy, doanh nghiệp thường chọn thuê dịch vụ, vốn gặp nhiều rủi ro, phức tạp.
Về khả năng phát triển của doanh nghiệp, theo ông Ngô Cự Mạnh, hiện môi trường kinh doanh còn nhiều tiềm năng, quan trọng là doanh nghiệp có thích nghi để phát triển hay không. Đồng thời, những gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cũng ngày càng nhiều, đa dạng hơn trong nhiều lĩnh vực. Đây là những nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển và giúp các bạn trẻ khởi nghiệp.
Cử tri Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN |
Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong những năm gần đây đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phong trào quốc gia khởi nghiệp, xây dựng các nội dung cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Dù vậy, các chính sách cần lộ trình triển khai để đi vào thực tiễn một cách tốt nhất. Hi vọng sẽ có nhiều chính sách để hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp phát triển, giúp chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tốt hơn.
Ở góc độ cụ thể, ông Lê Thành Nguyên cho rằng, hiện Nhà nước đã hỗ trợ về kinh phí, mặt bằng cho các vườn ươm, cho doanh nghiệp khởi nghiệp… góp phần quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, cần thêm hỗ trợ thị trường đầu ra ban đầu cho những nhóm khởi nghiệp để mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Đồng thời, bên cạnh phát triển về số lượng doanh nghiệp, cũng cần chú trọng nhiều đến chất lượng. Với doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời buổi công nghệ phát triển, cần hướng đến các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm với hàm lượng công nghệ nhất định trong từng dự án, đặc biệt là phải hướng đến thương mại hóa sản phẩm công nghệ Việt Nam.
Cử tri Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho rằng phiên thảo luận rất sôi nổi, các đại biểu Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong hiến kế để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN |
Ông Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên nhận xét: Với hơn 90 lượt ý kiến đăng ký và phát biểu tại hội trường cho thấy phiên thảo luận rất sôi nổi; các đại biểu Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong hiến kế để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua thảo luận có thể thấy đất nước đang có đà phát triển. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề bức xúc được các đại biểu khá quan tâm.
Theo ông Hữu, những mục tiêu đề ra trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong phát triển kinh tế cần có quy hoạch chung cho cả nước; có hướng đầu tư hỗ trợ phù hợp về cơ chế chính sách cho các địa phương còn nghèo để tự bứt phá. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên yêu cầu các cơ quan chức năng cương quyết xử lý những vi phạm trong hoạt động khai thác rừng, khai thác khoáng sản để tạo niềm tin trong nhân dân. Quản lý chặt vấn đề này cũng là chống thất thu cho ngân sách, gìn giữ tài nguyên của đất nước.
Cử tri Lê Thị Vân, Trưởng ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Phú Yên cho rằng cần quan tâm nhiều đế an sinh xã hội. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN |
Bà Lê Thị Vân, Trưởng ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Phú Yên cho rằng chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận những vấn đề rất sát với thực tế đời sống và được dư luận quan tâm. Ví như vấn đề biến đổi khí hậu; an toàn thực phẩm; việc làm hay chính sách cho người có công… Chính phủ cần quan tâm giải quyết tốt những vấn đề này. Trong đó cần chú trọng hơn nữa đến giải quyết các chế độ chính sách cho người có công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước vừa tạo động lực cho các thế hệ trẻ tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cử tri Bùi Xuân Hánh, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cho rằng, trong những tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế xã hội của đất nước có nhiều khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thể hiện qua mức sống của người dân ngày một nâng cao.
Cử tri Trần Đình Ánh, Bí thư Chi bộ khu phố 9, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định (Nam Định) cho biết, không khí phiên thảo luận buổi chiều 9/6 rất sôi nổi. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu thẳng vào những vấn đề "nóng" được đông đảo cử tri cả nước quan tâm như: Vấn đề khoáng sản, phát triển kinh tế tư nhân, chính sách giảm nghèo đa chiều, vấn đề nợ công của đất nước. Đặc biệt là phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nêu thẳng ra các vấn đề về an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển và việc đảm bảo an toàn, an ninh tài chính gắn với đảm bảo an toàn nợ công, về tình hình giá dầu trong nước và thế giới…
Theo ông Ánh, việc tổ chức tường thuật trực tiếp phiên thảo luận về các vấn đề nóng của đất nước đã giúp cho người dân nắm được tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vừa giúp người dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với các đại biểu Quốc hội, mặt khác cũng giúp cho người chất vấn và người trả lời chất vấn có trách nhiệm hơn đối với người dân trong các câu hỏi và câu trả lời của mình đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo, né tránh...
Cử tri Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho rằng mặc dù hiện nay tình hình kinh tế của nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều quyết sách nhằm tạo đà phát triển cho nền kinh tế, đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Cử tri Nguyễn Ngọc Tuấn dẫn chứng cụ thể mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc gặp và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc giúp doanh nghiệp phát mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh, thời gian gần đây lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành đã có nhiều chuyến làm việc tại các nước trên thế giới. Những việc làm như thế này đã tạo nên một luồng sinh khí mới và mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp.
Cử tri Nguyễn Thị Vân, công nhân Công ty Chang Shin Việt Nam (đóng tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), cho rằng việc Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, những vấn đề nóng của đất nước được người dân đồng tình ủng hộ. Cử tri Vân mong muốn các đại biểu thể hiện hết tinh thần trách nhiệm, trí tuệ để thảo luận, đưa ra những quyết sách sát với cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của người dân cả nước.
Theo cử tri Nguyễn Thị Vân, hiện nay việc đầu tư nhà ở công nhân, những vấn đề như xây dựng trường học, khu vui chơi giải trí phục vụ tầng lớp công nhân vẫn còn thiếu. Cử tri mong muốn Quốc hội và chính quyền các cấp tạo điều kiện và có các chính sách giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho lực lượng công nhân.