Trước kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) về “xử lý ách tắc của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng”, Bộ Xây dựng cho biết đã phối hợp rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các ngân hàng được giao triển khai thực hiện và có nhiều cố gắng để thực hiện đúng các quy định, nhằm giảm thiểu việc trục lợi từ chính sách. Mặt khác, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ không quy định thời hạn, do đó ý kiến cho rằng việc giải ngân quá chậm, quá thấp là không chính xác – Bộ Xây dựng khẳng định.
Một góc khu chung cư nhà ở xã hội Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, Bình Dương. Ảnh: Quách Lắm - TTXVN |
Trong quá trình triển khai thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (từ tháng 6/2013) đến nay, Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước cùng các đơn vị liên quan đã kiến nghị sửa đổi một số quy định về đối tượng cũng như nới lỏng điều kiện cho vay để tăng hiệu quả giải ngân nguồn vốn này. Hiện tổng số tiền đã cam kết cho vay là 13.078 tỷ đồng và giải ngân được 7.155 tỷ đồng. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân ký hợp đồng cam kết cho vay là 16.870 hộ với số tiền 7.999 tỷ đồng. Trong số này có 7.353 hộ vay để mua nhà ở xã hội với số tiền là 3.005 tỷ đồng; 9.274 hộ vay để mua nhà ở thương mại với số tiền là 4.887 tỷ đồng và 243 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền là 107 tỷ đồng. Đã có 16.432 hộ được giải ngân với số tiền 5.211 tỷ đồng; 7.221 hộ mua nhà ở xã hội được vay 1.938 tỷ đồng; 8.968 hộ mua nhà ở thương mại với số tiền là 3.197 tỷ đồng; 243 hộ vay cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền là 76 tỷ đồng.
Đối với các tổ chức, ngân hàng cũng cam kết cho vay 38 dự án với số tiền 5.079 tỷ đồng; trong đó, thành phố Hà Nội có 9 dự án với số tiền 2.082 tỷ đồng, thành phố Hồ Chí Minh có 5 dự án tương ứng 1.158 tỷ đồng. Trong số này các ngân hàng đã giải ngân cho 33 dự án, dư nợ là 1.944 tỷ đồng. Kết quả giải ngân nguồn vốn vay từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng tăng nhanh theo từng tháng.
Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện trên thị trường không có nhiều sản phẩm nhà ở phù hợp với các quy định để được vay hỗ trợ nhà ở. Trong khi đó, muốn giải ngân được thì cần phải có sản phẩm. Mặc dù, việc đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội đã được đẩy mạnh trong thời gian qua nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn, nhất là tại các địa phương trọng điểm. Còn các dự án nhà ở thương mại đa số là các căn hộ lớn, giá cao.
Về đề xuất của HoREA là bỏ tiêu chí người có thu nhập thấp để ai cũng được vay hỗ trợ nhằm đẩy nhanh công tác giải ngân, Bộ Xây dựng cho rằng trong thời điểm hiện nay, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là chính sách ưu đãi nên không thể thực hiện trên diện rộng. Mặt khác, nếu mở rộng như vậy thì Nhà nước hiện chưa đủ nguồn lực để hỗ trợ. Việc cho vay hỗ trợ nhằm giúp cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp khó khăn về nhà ở được giải quyết chỗ ở. Do đó, nếu bỏ tiêu chí thu nhập thấp thì việc xác định đối tượng sẽ không thực hiện được và chính sách hỗ trợ nhà ở sẽ không còn ý nghĩa. Vì vậy, đề xuất này chưa phù hợp.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, HoREA cũng đề xuất cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ… Tuy nhiên, việc này sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát trong đầu tư. Đối với các sản phẩm nhà ở thương mại phù hợp sẽ có nhiều người mua, doanh nghiệp đầu tư dự án đó sẽ bán được hàng hóa để tiếp tục triển khai đầu tư. Như vậy, doanh nghiệp cũng đã được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Nếu các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ mà được vay vốn có sự ưu đãi của nhà nước, nhưng sản phẩm không phù hợp thì sẽ dẫn đến tồn kho, tăng nợ xấu… - ông Hà nhận xét.
Thu Hằng (TTXVN)