Rà soát toàn bộ chính sách đối với người nghèo

Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, tuy nhiên ở vùng sâu, vùng xa, mức sống của một bộ phận người dân vẫn còn thấp. Chính phủ đang có những chính sách để có thể hỗ trợ người dân giảm nghèo một cách bền vững. Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã làm rõ vấn đề này trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan ngôn luận khác.


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, Việt Nam là một trong những nước đi tiên phong trong thực hiện mục tiêu về giảm nghèo. Cụ thể, Ban chấp hành Trung ương đã có một nghị quyết riêng về công tác an sinh, trong đó lấy giảm nghèo là một trong những mục tiêu phấn đấu để đạt được với thời gian sớm nhất. Chính vì vậy, Chính phủ đã triển khai nghị quyết của Trung ương và đưa ra rất nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ cho người nghèo. 

Ví dụ như chính sách hỗ trợ người nghèo về đất sản xuất, hỗ trợ cho vay vốn, tạo điều kiện phát triển sản xuất, hỗ trợ kinh phí cho đồng bào ở những vùng cao thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng với mức cao, tạo điều kiện cho hộ nghèo thoát nghèo. Trong mỗi chương trình, Chính phủ phân công cho một bộ triển khai và các bộ đều thực hiện với quyết tâm cao. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, Chính phủ vẫn dành nguồn lực thực hiện những chương trình hỗ trợ này, đồng thời, Chính phủ cũng có Chương trình 30a hỗ trợ 64 huyện nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông và những công trình thiết yếu khác, để phục vụ đời sống dân sinh của đồng bào ở những nơi khó khăn. Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ 30 huyện, với mức bằng 70% đầu tư cho cơ sở hạ tầng của các huyện nghèo để giúp tạo cơ sở hạ tầng tốt hơn, người nghèo có điều kiện sản xuất và đời sống tốt hơn.

Cũng theo Bộ trưởng, mới đây, sau 10 năm, Ngân hàng Thế giới đã nâng mức ngưỡng nghèo quốc tế từ 1,25 lên 1,9 USD/người/ngày. “Thực chất điều này chỉ phù hợp với mức tương đương với mức mua của 1 đô la chứ chưa có điều kiện cải thiện hẳn đời sống của người nghèo”, Bộ trưởng nhận định.

Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam đi theo hướng đảm bảo mức sống tối thiểu của người nghèo, qua đó giúp chuẩn nghèo của Việt Nam cũng được nâng lên trong mỗi giai đoạn. Giai đoạn trước 2006, chuẩn nghèo ở nông thôn chỉ có 200.000 đồng/người/tháng còn ở thành thị là 260.000 đồng/người/tháng. Giai đoạn 2015, chuẩn nghèo ở nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng và ở thành thị là 500.000 đồng/người/tháng. Đặc biệt, đến giai đoạn 2016, chuẩn nghèo sẽ được nâng cao hơn để vừa đảm bảo giá trị của đồng tiền, đồng thời bảo đảm mức sống của người nghèo được cải thiện. Như vậy, mức điều chỉnh là phù hợp và tương đương sức mua của giá trị đồng tiền, đồng thời cũng có mức cải thiện nhất định đối với người nghèo.

Theo xu thế mới của thế giới, con người không chỉ cần đồ ăn mà còn cần các điều kiện tiếp cận các dịch vụ tối thiểu. Chính vì vậy, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chuẩn nghèo đa chiều cho giai đoạn 2016 - 2020. Mức thu nhập Bộ đề xuất với Chính phủ dự kiến sẽ cao hơn mức hiện nay. Điều này còn phụ thuộc vào khả năng ngân sách của Nhà nước để quyết định chuẩn nghèo mới. Xây dựng chuẩn nghèo mới cũng là để người nghèo có thể tiếp cận được với các dịch vụ cơ bản, như: Y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin... Chính vì vậy chuẩn nghèo đa chiều không chỉ căn cứ vào mức thu nhập mà còn dựa vào nhiều yếu tố an sinh xã hội khác.

“Để tránh chồng chéo trong việc thực hiện các chính sách về chương trình giảm nghèo, vừa rồi Bộ đã tham mưu Chính phủ rà soát lại toàn bộ chính sách đối với người nghèo. Trên cơ sở đó, phân công lại trách nhiệm của các bộ, ngành trong từng lĩnh vực, ví dụ chăm sóc sức khỏe là ngành y tế, giáo dục thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo... Mỗi ngành phải có trách nhiệm cụ thể trong thực hiện mục tiêu về giảm nghèo, đồng thời, gộp 16 chương trình mục tiêu quốc gia thành hai chương trình, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Như vậy, nguồn lực sẽ tập trung hơn vào những đối tượng nghèo và những địa phương nghèo, qua đó dồn nguồn lực của cộng đồng cũng như của ngân sách Nhà nước để thực hiện mục tiêu giảm nghèo”, Bộ trưởng khẳng định.
Trọng Thủy
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN