Nhiều công trình cấp nước sạch "có như không"

Phản ánh trên là của hàng trăm hộ dân thôn Trâm Nhị, xã Vân Đồn và thôn Bãi Cẩu, xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) khi nói về công trình cấp nước sạch được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình 134 phục vụ đồng bào dân tộc Cao Lan của hai xã trên. Hơn 8 năm qua, hai công trình này không phát huy hiệu quả như mong muốn, khiến nhiều người dân bức xúc.

Công trình nước sạch tập trung ở thôn Trâm Nhị, xã Vân Đồn được khởi công xây dựng từ tháng 11/2007 với trị giá 1,2 tỷ đồng, do UBND xã Vân Đồn làm chủ đầu tư, nhằm cấp nước sạch cho hơn 120 hộ người dân tộc Cao Lan. Cụ Bùi Văn Hành, thôn Trâm Nhị, xã Vân Đồn cho biết, công trình nước sạch được đầu tư hiện đại, người dân rất phấn khởi đón dòng nước sạch. Thế nhưng, khi công trình hoàn thành, nước sạch chẳng thấy đâu, bà con vẫn từng ngày "dài cổ chờ". Tiền nhà nước đầu tư lãng phí, công trình bỏ không.

Ông Lý Khắc Dương, thôn Trâm Nhị ngao ngán, người dân trong xã gần như đã quên công trình nước sạch này. Trong quá trình xây dựng, nhiều người đã phản đối đơn vị thi công vì phát hiện nhiều điểm bất thường trong đầu tư, một số hạng mục không đúng thiết kế khiến công trình “đắp chiếu” như hiện nay. Ông cũng không biết lý do tại sao chủ đầu tư vẫn cho thi công.

Công trình nước sạch phục vụ đồng bào dân tộc Cao Lan, thôn Bãi Cẩu, xã Minh Phú cũng xảy ra tương tự. Được khởi công xây dựng tháng 3/2007 với trị giá hơn 990 triệu đồng, theo thiết kế, công trình sẽ cung cấp nước sạch cho 140 hộ dân người dân tộc Cao Lan của khu 1. Nhưng hơn 8 năm qua, hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn thiếu nước sạch để dùng.

Trước những bức xúc của người dân, UBND huyện Đoan Hùng đã thành lập đoàn kiểm tra tại hai công trình trên. Đoàn kiểm tra đã kết luận, do thiếu năng lực trong công tác giám sát và quản lý, ban giám sát của hai xã Minh Phú và Vân Đồn để đơn vị thi công đưa vật tư không đúng thiết kế lắp đặt dẫn đến công trình bị hư hỏng không sử dụng được. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật ban quản lý dự án của huyện đã ký các biên bản nghiệm thu hoàn thiện thủ tục hồ sơ thanh toán không đúng quy định để đơn vị thi công rút gần hết tiền đầu tư.

Trước những tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra, UBND huyện Đoan Hùng yêu cầu Xí nghiệp Liên Hợp (đơn vị thi công) tiếp tục tháo dỡ các thiết bị thi công không đúng chủng loại thay thế bằng thiết bị đúng thiết kế để vận hành hai trạm bơm, thời gian thi công là 2 tháng tính từ ngày 15/2/2012. Trong thời gian trên, nếu đơn vị thi công không thực hiện, UBND huyện sẽ thu hồi số tiền hơn 610 triệu đồng và chuyển hồ sơ để cơ quan điều tra xử lý.

Ông Đinh Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Vân Đồn cho biết, sau khi đơn vị thi công khắc phục hậu quả, đến nay công trình nước sạch tại xã vẫn không phát huy hiệu quả. Công trình cấp nước cho khoảng 30/120 hộ của thôn Trâm Nhị, số còn lại chưa được sử dụng nguồn nước này, vẫn phải dùng nước giếng.
Không riêng gì Đoan Hùng mà cả các huyện vùng cao như Thanh Sơn, Yên Lập... nhiều công trình nước sạch cũng nằm trong tình trạng tương tự. Xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập được đầu tư xây dựng hai công trình nước tự chảy nhưng hiệu quả sử dụng kém. Một công trình mới được sửa chữa chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng 30 hộ dân, công trình còn lại “đắp chiếu” nhiều năm nay.

Tương tự, công trình xóm Mơ thị trấn Yên Lập sau vài năm hoạt động, nguồn nước bị cạn kiệt, đập đầu nguồn rò rỉ, thấm nước, đường ống thép đầu nguồn bị tháo trộm dẫn đến công trình ngừng hoạt động nằm phơi nắng. Trong khi đó, người dân thiếu nước sinh hoạt nhiều năm qua.

Lý giải về những công trình nước sạch bị bỏ hoang, hầu hết lãnh đạo các xã cho rằng, việc quản lý hệ thống nước sinh hoạt ở các xã miền núi hiện vẫn trong tình trạng “cha chung không ai khóc”. Nhà nước đầu tư tiền nhưng không ràng buộc cơ chế quản lý, vì vậy, các địa phương lúng túng khi đề ra các quy định quản lý. Xã muốn thu tiền các hộ dùng nước để thực hiện duy tu sửa chữa khi hỏng hóc nhưng nhiều hộ dân không đóng. Mặt khác, quá trình khảo sát không kỹ nên khi xây dựng xong, nhiều công trình đã “đắp chiếu” do không có nguồn nước.

Trước thực tế trên, hầu hết các lãnh đạo xã đều chia sẻ, người dân và chính quyền địa phương nên xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên nước. Người sử dụng nước phải thực hiện trả tiền với một mức hợp lý làm nguồn thu quan trọng duy tu bảo dưỡng hệ thống. Mặt khác, trước khi xây dựng một công trình nước sạch sinh hoạt, yêu cầu chính quyền phải xây dựng quy chế quản lý, có sự cam kết của người dân về trách nhiệm sử dụng. Địa phương chưa làm được thì chưa đầu tư, bởi nếu không có quy chế quản lý sử dụng, vừa lãng phí tiền, lãng phí tài nguyên. Tỉnh Phú Thọ cần sớm có biện pháp hữu hiệu hơn trong công tác khảo sát, quản lý và sử dụng các công trình nước sạch trên địa bàn.


Tạ Văn Toàn
Nước sạch Nam Định  được cấp về tận nông thôn
Nước sạch Nam Định được cấp về tận nông thôn

Hơn 90 năm hình thành và phát triển qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước, Công ty TNHH một thành viên kinh doanh nước sạch Nam Định ngày càng đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN