Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn về giấy đi đường cho người dân, doanh nghiệp

Những ngày qua, hàng triệu người dân Thủ đô đang phải trải qua chuỗi ngày rất khó khăn do "giặc" COVID-19 tấn công.

Chú thích ảnh
Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy đi đường theo mẫu mới của người vào "vùng đỏ" tại chốt kiểm soát cầu Quán Gánh, thuộc địa bàn huyện Thường Tín, sáng 8/9. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Hàng chục người đã tử vong, hàng trăm người đang đấu tranh giành lại sự sống tại các khu điều trị. Sau mỗi ngày thực hiện giãn cách xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Trong cuộc chiến này, Hà Nội đang căng mình cả ở hai mặt trận, vừa phòng, chống dịch, vừa nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, thành phố đã trải qua gần 50 ngày đêm "đánh giặc" với nhiều kế hoạch "tác chiến" được triển khai nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Những cuộc "đánh chặn" thần tốc đã bước đầu có kết quả tích cực, chuỗi cung ứng hàng hóa luôn được thông suốt. Nhiều "vùng xanh" đã được lập, một số địa phương bắt đầu thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Để có thành quả bước đầu ấy, cả hệ thống chính trị của thành phố cùng người dân đã phải nỗ lực không ngừng nghỉ, với nhiều sự mất mát, hy sinh. Còn đó là những bác sỹ, y tá, điều dưỡng mệt lả trong các khu điều trị, nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an phơi mình mưa nắng ở các điểm trực chốt. . .  Những hình ảnh đó đã chạm đến trái tim của hàng triệu người dân. Còn đó sự trăn trở ngày đêm đưa ra các Chỉ thị, Công điện... và sự chỉ đạo quyết liệt ngay tại cơ sở của lãnh đạo thành phố để kịp thời ngăn cản sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân.

Có thể nói, Hà Nội đang trong những ngày quyết liệt nhất của cuộc chiến chống "giặc" COVID-19 với khối lượng công việc "khổng lồ". Việc nào cũng cần làm ngay, có những văn bản, chỉ đạo chưa có trong tiền lệ đã được triển khai, dẫn đến có độ "vênh" giữa chủ trương và thực tiễn đời sống. Từ đó có những ý kiến trái chiều trong nhân dân. Trong khi đó, mọi chủ trương, chính sách nếu không có sự đồng thuận của người dân đều khó có thể thực hiện.

Minh chứng là vấn đề xét, duyệt cấp giấy đi đường mới của người dân trong những ngày qua của thành phố đã bị "vấp". Thực tế là khó triển khai trong thực tiễn. Còn nhớ, ngày 3/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hà Nội chống dịch theo 3 phân vùng (vùng 1, vùng 2 và vùng 3), siết chặt giãn cách xã hội tại vùng 1 (vùng đỏ).

Trên cơ sở đó, ngày 5/9, Công an thành phố thông báo về đối tượng, trình tự, thủ tục duyệt, cấp giấy đi đường có mã nhận diện, thẻ đi mua hàng thiết yếu theo yêu cầu phòng, chống dịch trong vùng 1 với thủ tục cấp phép thủ công phức tạp. Thực tế triển khai cho thấy, việc thực hiện vượt quá năng lực của cấp cơ sở trong thời gian ngắn, gây lúng túng trong triển khai. Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn và mất nhiều thời gian trong thực hiện những quy định mà thành phố đưa ra.

Người dân, doanh nghiệp đã phản ánh vì phải đáp ứng quá nhiều thủ tục giấy tờ, trong khi đó lượng người ra đường không giảm. Các chốt kiểm soát ùn ứ là mầm họa lây lan dịch bệnh. Một số ý kiến cho rằng, việc cấp giấy đi đường chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội, dẫn đến nhiều dư luận trái chiều. Bên cạnh đó, Hà Nội đã và đang thực hiện chuyển đổi số, tại sao không áp dụng công nghệ thông tin triệt để hơn cho việc cấp giấy đi đường, nhất là sau khi Đà Nẵng triển khai cấp giấy đi đường bằng công nghệ rất "êm".

Trước tình hình đó, ngày 7/9, để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở vùng 1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân. Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến khi có hiệu quả trong thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.

Sự chỉ đạo kịp thời của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Một số chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội tiếp tục cho sử dụng giấy đi đường song hành cả mẫu cũ và mẫu mới đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thực tế là sau điều chỉnh, lưu lượng người tham gia giao thông không bị ùn ứ tại các chốt.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng: "Sự điều chỉnh của Hà Nội như vậy là rất tốt. Thành phố đã cầu thị lắng nghe, điều chỉnh kịp thời, phù hợp thực tiễn và hợp lòng dân".

Đáng chú ý, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp chủ động tổ chức lại hoạt động, tăng cường làm việc trực tuyến, giảm bớt nhân công làm việc trực tiếp để chung tay với thành phố chống dịch. Lãnh đạo thành phố mong muốn người dân Hà Nội chia sẻ, ủng hộ các biện pháp của chính quyền để quyết tâm khống chế dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Bởi mọi chủ trương, chính sách nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng của người dân thì không thể thực hiện thành công.

Nguyễn Thắng (TTXVN)
Phát hiện mã QR Code giả trên giấy đi đường tại Hà Nội
Phát hiện mã QR Code giả trên giấy đi đường tại Hà Nội

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đã phát hiện trường hợp đã làm giả mã QR Code trên Giấy đi đường mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN