Lý do được chính quyền thành phố đưa ra là do các đơn vị tổ chức tiệc tại các hang động đã ký kết hợp đồng với khách du lịch. Phía UBND thành phố Hạ Long cam đoan sẽ tăng cường công tác quản lý, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc bảo tồn nguyên vẹn các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, đồng thời phát huy bền vững các giá trị Di sản.
Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam đã thông tin về tình trạng các dịch vụ ăn uống trong các hang, động (chủ yếu ở hang Trống và hang Hồ Động Tiên) trên vịnh Hạ Long tiềm ẩn những nguy cơ tác động xấu đến giá trị Di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới này.
UBND thành phố Hạ Long thừa nhận, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các hang, động trên vịnh Hạ Long đã diễn ra từ năm 2005 đến nay và chính quyền thành phố tiếp tục đề xuất duy trì loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống trong hang động theo Văn bản số 1517/UB ngày 29/6/2005 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc đầu tư vào dự án đảo Soi Sim và tổ chức dịch vụ tại Hang Trống trên vịnh Hạ Long; trong đó, đồng ý về chủ trương để Công ty cổ phần dịch vụ vịnh Hạ Long được quản lý và tổ chức dịch vụ tại Hang Trống theo đề nghị của công ty này tại văn bản 28/VT-TTHL ngày 20/4/2005.
Sau một thập kỷ ra văn bản số 1517 trên, ngày 27/4/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định 1139/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị hiện hành trong việc quản lý Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Ông Hồ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long cũng khẳng định, mọi việc quản lý, khai thác vịnh Hạ Long hiện nay đều phải theo Quyết định 1139 của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, tại các điểm hang, động nói chung, hang Trống và hang Hồ Động Tiên nói riêng đều không có loại hình dịch vụ ăn uống, tổ chức sự kiện, tiệc mừng trong hang. Cụ thể, việc tôn tạo trong lòng Hồ Động Tiên chỉ nhằm tổ chức các tuyến tham quan, khám phá theo hình thức khám phá, thám hiểm và nghiên cứu.
Ngoài ra, hang Hồ Động Tiên cũng được quy hoạch bảo tồn là: tổ chức đường thăm quan trong lòng hang; phần đường đi và các giải pháp kỹ thuật trong hang được giải quyết hợp lý, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những tác động của con người đối với di tích.
Hang Trống có diện tích khoảng 0,1 ha, bảo tồn theo hướng thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong hang hợp lý nhằm hạn chế mức thấp nhất những tác động của con người đối với di tích. Phần tôn tạo hang chỉ cho phép xây dựng bến cập tàu, cầu dẫn. Khu dịch vụ gồm: quầy thông tin, giải khát nhẹ, quầy bán đồ lưu niệm và khu hạ tầng kỹ thuật…
Riêng tại khu I của đảo Soi Sim (diện tích 8,45ha), Quyết định 1139 cho phép xây dựng khu đón tiếp ở phía Nam của đảo gồm: cầu tầu, khu dịch vụ, bãi tắm, nhà ẩm thực ba miền, sàn nhảy trên bãi biển. Tuy nhiên, Quyết định 1139 không nói rõ việc xây dựng nhà ẩm thực ba miền ở trong hay ngoài hang động? Theo các chuyên gia văn hóa, nếu quả thực được phép xây dựng nhà ẩm thực 3 miền trong hang, động thì hậu quả tác động tới Di sản thế giới là không lường trước được.
Ông Lê Chính, nguyên Phó trưởng Ban quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng trong các hang, động Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long là bất khả xâm phạm, thậm chí viết một chữ lên đá cũng không được chứ chưa nói gì đến việc xây dựng nhà hàng.
Theo đó, qua kiểm tra thực tế ngày 5/9, UBND thành phố Hạ Long đánh giá sơ bộ, tại hang Trống chưa có ảnh hưởng tới môi trường và các giá trị của điểm tham quan cũng như khu vực xung quanh. Bởi, việc chế biến, chuẩn bị tiệc đêm đều được thực hiện từ trên bờ hoặc trên tàu du lịch, hoàn toàn không có việc nấu nướng tại các hang động.
Đặc biệt, UBND thành phố Hạ Long cho rằng: Trong các Nghị quyết, báo cáo đánh giá hàng năm của Trung tâm Di sản thế giới (thuộc UNESCO) về công tác bảo tồn vịnh Hạ Long chưa từng đề cập hay khuyến nghị tới nội dung tổ chức tiệc trong các hang động trên vịnh Hạ Long.
Một lý do nữa để chính quyền thành phố báo cáo và đề xuất UBND tỉnh tiếp tục được duy trì loại hình dịch vụ ăn uống trong các hang, động đến hết ngày 31/12 là do các công ty lữ hành lớn nhận nhiều đăng ký của các đối tượng khách cao cấp và đã ký kết hợp đồng với khách du lịch cung cấp dịch vụ tiệc đêm tại các hang động trên vịnh. Việc tổ chức dịch vụ ăn uống góp phần đa dạng hóa dịch vụ du lịch trên vịnh, đồng thời góp phần kéo dài thời gian lưu trú của khách khi đến thăm vịnh Hạ Long.
Từ thực tiễn quản lý và nhu cầu của thị trường, UBND thành phố Hạ Long nhận thấy đây là một dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường và nhu cầu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long. Tuy nhiên cần có đánh giá kỹ càng và tăng cường công tác quản lý để đảm bảo không gây nguy hại đến Di sản.
Trong khi nhiều hãng lữ hành hay hãng tàu du lịch ủng hộ việc duy trì kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các hang, động, thì các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa lại cho rằng việc làm này sẽ tác động tiêu cực đến giá trị của Di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Nhiếp ảnh gia Đỗ Kha (gần 80 tuổi, chuyên gia chụp ảnh về vịnh Hạ Long) bày tỏ quan điểm: Vịnh Hạ Long giờ đã là di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới rồi thì phải tôn trọng giá trị thiên nhiên ấy. Nhiếp ảnh gia này đã phải thốt lên "Xin đừng biến hang động và bãi cát Hạ Long thành các nhà hàng ẩm thực!".
Mới đây, ngày 31/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã thẳng thắn bác bỏ chức năng ẩm thực, ăn uống của dự án “khoanh vùng bảo vệ nguyên vị cọ Hạ Long kết hợp trung tâm đón tiếp có chức năng kinh doanh ăn uống” ở hòn Chân Voi trên vịnh Hạ Long do Công ty TNHH một thành viên dịch vụ lữ hành Thiên Cung đề xuất.