Tại sự kiện, VW đã cho ra mắt sedan ID.7, mẫu xe cao cấp hàng đầu mới thuộc dòng xe điện của hãng. ID.7 hứa hẹn có dung lượng pin đủ lớn để chạy quãng đường lên tới 700 km.
Đây là một trong 28 mẫu xe được nhà sản xuất ô tô Đức trưng bày tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải 2023, một nửa trong số đó là xe chạy bằng điện.
Ngoài VW, các thương hiệu như General Motors (Mỹ), BMW (Đức), Nissan (Nhật Bản) và các hãng đến từ Trung Quốc gồm BYD Auto và NIO sex công bố hàng chục mẫu xe điện mới tại triển lãm lần này. Các thương hiệu đều nêu bật những ưu thế như khả năng sạc nhanh hơn, tính năng điều hướng xe và giải trí liên kết với vệ tinh, cũng như triển vọng ứng dụng công nghệ tự lái trong tương lai.
BMW AG đã giới thiệu dòng sản phẩm chạy hoàn toàn bằng điện bao gồm hai mẫu xe mới i7 M70 và XM Label Red. Thương hiệu xe thể thao sang trọng đến từ Đức cũng lần đầu tiên trưng bày mẫu M760Le tại Trung Quốc.
GM đã ra mắt một chiếc SUV điện, Buick Electra E5 trước thềm triển lãm. Toyota Motor đã tiết lộ hai mẫu mới cho dòng xe không phát thải bZ của mình. Toyota cũng trưng bày một nguyên mẫu taxi tự lái được phát triển với sự hợp tác từ Pony.ai, một công ty dẫn đầu trong ngành công nghiệp xe tự hành đang phát triển nhanh của Trung Quốc.
Ban tổ chức triển lãm năm nay cho biết các nhà sản xuất ô tô dự kiến sẽ ra mắt 100 mẫu xe mới, 70 trong số đó là xe điện.
Triển lãm Ô tô Thượng Hải 2023 cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xe điện đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, sau khi chính phủ rót hàng tỷ USD thúc đẩy công nghệ này.
Năm 2022, người tiêu dùng tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới đã mua 5,4 triệu xe chạy hoàn toàn bằng điện - tương đương 2/3 trong tổng số 8 triệu xe điện bán ra trên toàn cầu - bên cạnh 1,5 triệu xe lai xăng - điện (xe hybrid). Con số trên cũng chiếm 1/4 tổng doanh số bán ô tô các loại của Trung Quốc trong năm ngoái là 23,6 triệu xe. Doanh số bán xe điện năm nay tại thị trường này được dự báo sẽ tăng thêm 30%.
Các nhà sản xuất ô tô đang hướng đến Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng vào thời điểm nhu cầu của Mỹ và châu Âu suy giảm. Song điều đó đòi hỏi họ phải đầu tư để phát triển các mẫu xe cạnh tranh trong một thị trường đã rất đông đúc. Những thương hiệu toàn cầu lâu đời phải đối mặt với áp lực từ những “tay chơi” mới đầy tham vọng của Trung Quốc, đồng thời đáp ứng hạn ngạch bán xe điện của chính phủ. Nhiều công ty đang thành lập quan hệ đối tác để phân chia chi phí phát triển ngày một tăng cao.