Sản lượng trong nước của Toyota giảm 22,2% xuống còn 185.680 chiếc trong tháng Tám, thời điểm các mẫu xe phổ biến của công ty là Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross vẫn bị đình chỉ sản xuất kể từ tháng Sáu. Phải đến đầu tháng Chín, “gã khổng lồ” ô tô này mới nối lại hoạt động sản xuất các mẫu xe trên, sau khi Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản xác nhận mức độ an toàn và dỡ bỏ lệnh cấm đối với các phương tiện này.
Sản lượng ở nước ngoài của Toyota cũng giảm 6,5% xuống còn 523.891 chiếc, sau khi thu hồi các mẫu xe Grand Highlander và Lexus TX ở Bắc Mỹ.
Vụ bê bối về chất lượng xe ở trong nước, cùng với sự cạnh tranh gay gắt ở Trung Quốc, cũng khiến doanh số toàn cầu của Toyota giảm 3,1% xuống còn 826.863 chiếc trong tháng Tám. Trong đó, Toyota bán được 109.505 chiếc tại Nhật Bản, giảm 9,1%, vì công ty không thể giao ba mẫu xe có liên quan đến bê bối chất lượng nói trên.
Doanh số tại Trung Quốc cũng giảm 13,5% khi xe điện giá rẻ từ các đối thủ tại nước này tiếp tục giành lấy thị phần từ các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Tổng doanh số ở nước ngoài của Toyota giảm 2,1% xuống còn 717.358 chiếc trong tháng Tám.
Toyota có kế hoạch giảm đáng kể sản lượng xe điện, cắt giảm dự báo sản lượng toàn cầu của hãng năm 2026 xuống còn 1 triệu xe, thấp hơn khoảng 30% so với dự báo doanh số đã công bố trước đó.
Quyết định cắt giảm sản lượng xe điện của hãng sản xuất ô tô Nhật Bản được đưa ra do thị trường xe điện toàn cầu chậm lại. Toyota đã thông báo cho các nhà cung cấp phụ tùng về quyết định này.
Theo kế hoạch mới, Toyota đặt mục tiêu sản xuất hơn 400.000 xe điện vào năm 2025 và tăng gấp đôi sản lượng vào năm sau.
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, tập trung vào xe hybrid, đã bán được khoảng 100.000 xe điện vào năm 2023 và khoảng 80.000 xe điện từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay. Dự báo mới năm 2026 vẫn cho thấy doanh số bán xe điện tăng mạnh, nhưng sản lượng sẽ chậm lại đáng kể so với kế hoạch trước đó.
Toyota cuối tháng 7/2024 thông báo đã bán được 5,16 triệu xe trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2024, vượt qua đối thủ Volkswagen AG của Đức, để giữ vững ngôi vị dẫn đầu về doanh số bán ô tô trên toàn cầu trong năm thứ 5 liên tiếp.
Tuy nhiên, doanh số bán hàng toàn cầu giai đoạn từ tháng 1-6/2024 của Toyota, tính cả doanh số của các công ty con trực thuộc tập đoàn Toyota, là Daihatsu Motor Co. và Hino Motors Ltd., đã giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân xuất phát từ vụ việc một số chi nhánh con của tập đoàn đã buộc phải ngừng sản xuất do một loạt vụ bê bối chất lượng và doanh số bán hàng chậm chạp tại Trung Quốc - một trong những thị trường hàng đầu của Toyota.
Trong khi đó, báo cáo của Volkswagen cho biết, hãng này đã bán được 4,35 triệu xe trong nửa đầu năm 2024, giảm so với con số 4,37 triệu xe của cùng kỳ năm trước.
Nếu không tính hai thương hiệu con Daihatsu và Hino, tổng số xe bán được của Toyota nửa đầu năm nay là 5,07 triệu chiếc, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, doanh số bán hàng tại thị trường nội địa của Toyota đã tăng mạnh 32%, lên 823.595 chiếc và doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng 3,1% lên 4,34 triệu xe, nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, Toyota lại đang gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc, với doanh số bán hàng của các thương hiệu Toyota và dòng xe Lexus cao cấp giảm 10,8%. Cạnh tranh về giá đang gia tăng tại nền kinh tế số hai thế giới trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô địa phương ồ ạt phát triển dòng xe điện giá cả phải chăng.
Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cuối tháng 7/2024 lần đầu tiên đưa ra yêu cầu buộc Toyota khắc phục sai phạm liên quan đến bê bối gian lận kết quả kiểm tra an toàn xe. Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã phát hiện những bất thường mới trong 7 mẫu xe, ngoài 7 mẫu xe đã được Toyota báo cáo trước đó.