Yu Renrong - Doanh nhân ngành chip duy nhất tại hội nghị của Chủ tịch Tập Cận Bình

Ông Yu Renrong là giám đốc điều hành ngành bán dẫn duy nhất tham dự hội nghị chuyên đề do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức với các doanh nhân Trung Quốc hồi đầu tuần này. Ông đã nhanh chóng trở thành gương mặt đại diện cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc.

“Vua bán dẫn Trung Quốc”

Chú thích ảnh
Ông Yu Renrong. Ảnh: eastmoney.com

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 20/2, trong một bản tin do đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV phát, nhà sáng lập 58 tuổi của Will Semiconductor (công ty niêm yết tại Thượng Hải) mặc áo khoác đen, ngồi cạnh nhà sáng lập Xiaomi Lôi Quân và nhà sáng lập BYD Vương Truyền Phúc, trong khi phát biểu với xấp tài liệu trên tay. Ông là một trong sáu doanh nhân phát biểu tại cuộc họp, cùng với nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi.

Sự xuất hiện của ông Yu Renrong tại cuộc họp, cùng với nhà sáng lập Alibaba Jack Ma, nhà sáng lập Tencent Mã Hóa Đằng và nhà sáng lập DeepSeek Lương Văn Phong, đã thu hút sự chú ý.

Ngày 19/2, giá cổ phiếu của Will Semiconductor đã tăng kịch trần 10% tại Thượng Hải.

Ông Yu Renrong thành lập Will Semiconductor vào năm 2007 và đã có những khoản đầu tư thành công vào các công ty chip khác. Theo danh sách do tạp chí Forbes công bố vào tháng 11/2024, ông là người giàu thứ 81 tại Trung Quốc với khối tài sản 4,72 tỷ USD.

Trong một danh sách khác do Viện Nghiên cứu Hurun công bố vào tháng 11/2024, ông được gọi là “vua bán dẫn Trung Quốc” và được coi là người hào phóng nhất nước này, khi quyên góp 745 triệu USD để xây dựng một trường đại học mới là Viện Công nghệ Đông phương tại quê nhà.

Sinh ra ở Ninh Ba, một thành phố ven biển thuộc tỉnh Chiết Giang (miền Đông Trung Quốc), ông Yu tốt nghiệp Khoa Kỹ thuật Điện tử tại Đại học Thanh Hoa vào năm 1990. Trường đại học này cũng là nơi đào tạo nhiều nhà sáng lập công ty bán dẫn Trung Quốc khác, nhu Triệu Vĩ Quốc, cựu chủ tịch Tập đoàn Thanh Hoa Unigroup; Triệu Lập Đông của Enflame Technology (một công ty hàng đầu về bộ xử lý đồ họa) và Phùng Thần Huy của Maxscend Microelectronics (nhà sản xuất chip tần số vô tuyến).

Sau khi tốt nghiệp, ông Yu gia nhập Tập đoàn Công nghệ Thông tin Inspur của Trung Quốc với vai trò kỹ sư, sau đó đảm nhiệm các vị trí điều hành tại một số công ty phân phối linh kiện điện tử, rồi chuyển hướng sang thiết kế chip.

Will Semiconductor ban đầu thiết kế chip analog. Một thập kỷ sau khi thành lập, ông Yu đưa công ty niêm yết tại Thượng Hải.

Năm 2019, công ty mua lại OmniVision Technologies, một nhà phát triển cảm biến hình ảnh CMOS (CIS) của Mỹ với giá 2,2 tỷ USD. Thương vụ này giúp Will Semiconductor trở thành nhà cung cấp CIS lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Tập đoàn Sony và Samsung.

Công ty cho biết việc cảm biến hình ảnh của họ được ứng dụng nhanh chóng trong các lĩnh vực điện thoại thông minh và ô tô sẽ tạo ra cú hích lớn cho doanh thu. Theo hồ sơ nộp lên sàn giao dịch chứng khoán tháng trước, năm 2024, công ty kỳ vọng doanh thu hoạt động sẽ tăng tới 23% so với năm trước, đạt 25,8 tỷ nhân dân tệ - một con số cao kỷ lục.

Cổ phiếu của công ty này đã tăng gần 30 lần kể từ khi niêm yết vào tháng 5/2017, phần lớn nhờ thương vụ OmniVision. Giá trị vốn hóa thị trường của Will Semiconductor đạt gần 200 tỷ nhân dân tệ tính đến ngày 19/2.

Ông Yu sống kín tiếng và hiếm khi trả lời báo chí. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thời báo Chứng khoán vào tháng 9/2024, ông trả lời rằng mình tự tin vào ngành bán dẫn của Trung Quốc. Ông nói: “Lý do tôi tràn đầy tự tin vào ngành bán dẫn là vì người Trung Quốc rất chăm chỉ. Khi OmniVision tái cơ cấu cách đây năm hay sáu năm, công ty này còn tụt hậu so với các đối thủ nước ngoài... nhưng giờ đây, công ty đang dần bắt kịp, thậm chí vượt qua họ”.

Theo một báo cáo khác của Venture Capital Daily năm 2023, trích dẫn ý kiến của những người thân cận với ông Yu, phong cách đầu tư của ông nhanh và quyết đoán. Họ nói thêm rằng mỗi bước đi của ông luôn nhanh hơn thời đại nửa bước.

Thông điệp từ hội nghị

Chú thích ảnh
Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự hội nghị về doanh nghiệp tư nhân ngày 17/2. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ông Lý Dũng, Trưởng nhóm nghiên cứu tại tổ chức tư vấn D&C, nhận định rằng việc lựa chọn các công ty công nghệ tư nhân tham gia hội nghị phản ánh sự phát triển toàn diện của họ trong nhiều lĩnh vực, đồng thời nhấn mạnh chính sách và môi trường của Trung Quốc ủng hộ năng lực đổi mới của họ. Ông nói: “Tiến bộ và phát triển công nghệ của Trung Quốc bắt nguồn từ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, với trọng tâm là thúc đẩy và nuôi dưỡng các doanh nghiệp tư nhân”.

Ông Lý Dũng nhấn mạnh rằng một thông điệp quan trọng từ hội nghị là bác bỏ những quan điểm sai lầm, chẳng hạn như “thuyết rút lui” vốn cho rằng kinh tế tư nhân nên dần dần thu hẹp hoặc giảm vai trò trong phát triển kinh tế. Ông nói thêm: “Một tín hiệu quan trọng khác là tái khẳng định rằng vị thế, chính sách hỗ trợ và môi trường phát triển của kinh tế tư nhân sẽ không thay đổi”.

Ông kết luận rằng những thành tựu công nghệ của doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc là minh chứng cho sức sống của nền kinh tế nước này.

Theo nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc “Tiếp tục làm sâu sắc cải cách toàn diện để thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc” được thông qua tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XX vào ngày 18/7/2024, Trung Quốc sẽ thiết lập cơ chế đảm bảo tăng nguồn tài chính cho các ngành công nghiệp tương lai, cải thiện hệ thống chính sách và quản trị nhằm thúc đẩy phát triển các ngành chiến lược như công nghệ thông tin thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, năng lượng mới, vật liệu mới, thiết bị cao cấp, y sinh và công nghệ lượng tử, đồng thời định hướng phát triển của các ngành mới nổi theo hướng ổn định và có trật tự.

Những lĩnh vực này không chỉ quan trọng đối với quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc mà còn đóng vai trò then chốt trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh toàn cầu. Trí tuệ nhân tạo là trọng tâm trong tham vọng công nghệ của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi các chính sách như “Kế hoạch Phát triển AI Thế hệ Mới”.

Trung Quốc cũng là nước dẫn đầu thế giới về năng lượng mới, với các công ty như BYD thúc đẩy thị trường xe điện nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu vào năm 2030 và 2060. Trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng và IoT, Trung Quốc có lợi thế với các doanh nghiệp như Xiaomi, kết hợp giữa nghiên cứu & phát triển sáng tạo với sản xuất quy mô lớn.

Thùy Dương/Báo Tin tức (CSMP/CGTN)
Trung Quốc dự kiến giảm mua thiết bị sản xuất chip trong năm 2025
Trung Quốc dự kiến giảm mua thiết bị sản xuất chip trong năm 2025

Theo công ty nghiên cứu TechInsights của Canada, sau ba năm tăng trưởng, Trung Quốc dự kiến sẽ giảm mua sắm thiết bị sản xuất chip trong năm 2025 do ngành công nghiệp này đối mặt với tình trạng dư cung và các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt từ Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN