Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912 - 1941), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1938 - 1940. Ảnh: Tư liệu/TTXVN |
Trưởng thành trong bão táp đấu tranh cách mạng
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình trí thức nghèo thuộc dòng họ Nguyễn Trãi, tại làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Mùa thu năm 1927, Nguyễn Văn Cừ thi vào Trường Bưởi ở Hà Nội (tức trường Bảo hộ Lycée du Protectorat, nay là Trường phổ thông trung học Chu Văn An, Hà Nội), đỗ loại giỏi, được cấp học bổng toàn phần và được ở kí túc xá.
Những năm học ở Trường Bưởi, được tiếp xúc với nhiều bạn bè, học sinh lớp trên, được họ kể về những cuộc đấu tranh đã diễn ra trong nhà trường, như bãi khoá phản đối chính quyền thực dân Pháp kết án nhà yêu nước Phan Bội Châu, đòi truy điệu và để tang chí sĩ Phan Chu Trinh…, tư tưởng yêu nước và cứu nước của Nguyễn Văn Cừ bắt đầu từ đấy.
Cuối năm 1928, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Khi đang học năm thứ hai bậc trung học, Nguyễn Văn Cừ bị đuổi khỏi trường với lý do làm thơ đả kích bọn nịnh Tây.
Ra khỏi Trường Bưởi, Nguyễn Văn Cừ trở về quê dạy học tư ở làng Hà Lỗ. Trong thời gian này, Nguyễn Văn Cừ được đồng chí Ngô Gia Tự khi đó là Bí thư Tỉnh hội Bắc Ninh của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội giao cho nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở vùng ven sông Cầu.
Cuối năm 1928, Nguyễn Văn Cừ bí mật rời Bắc Ninh ra vùng mỏ Đông Bắc hoạt động. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Văn Cừ sống ba cùng với giai cấp công nhân (cùng ăn, cùng ở và cùng làm), để rồi suốt đời phấn đấu hi sinh vì lý tưởng của giai cấp đó, trở thành người lãnh đạo cao nhất trong phong trào cách mạng vùng mỏ Đông Bắc của Tổ quốc, năm đó Nguyễn Văn Cừ mới 17 tuổi.
Tháng 6-1929, khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Nguyễn Văn Cừ trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng. Nguyễn Văn Cừ ra sức phấn đấu xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, và ngay trong tháng 6-1929, Nguyễn Văn Cừ đã cùng các đồng chí đồng chí hướng thành lập được chi bộ Đảng ở Uông Bí - Vàng Danh (Quảng Ninh), bao gồm một số thợ lò, thợ máy và hội viên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Nguyễn Văn Cừ trở thành Đảng viên của Đảng, giữ chức Bí thư Đặc khu ủy Hòn Gai - Uông Bí.
Trong lúc phong trào cách mạng ở vùng mỏ Đông Bắc đang dâng cao, thì ngày 15-2-1931, trên đường từ Cẩm Phả về Hòn Gai, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Địch chuyển Nguyễn Văn Cừ từ Hòn Gai về Hà Nội, giam ở Hoả Lò. Tại nhà tù Hoả Lò, không để rảnh rỗi thời gian, Nguyễn Văn Cừ lao vào học tập lý luận, chính trị một cách kiên trì, tự giác.
Không thể khai thác được gì ở đồng chí Nguyễn Văn Cừ, thực dân Pháp buộc phải mang Nguyễn Văn Cừ ra toà xét xử, ngày 13-5-1931, Hội đồng đề hình Bắc Kỳ kết án Nguyễn Văn Cừ 20 năm biệt xứ và đày ra Côn Đảo.
Ra Côn Đảo, Nguyễn Văn Cừ gặp các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang và nhiều đồng chí khác. Nguyễn Văn Cừ tham gia chi bộ Đảng ở Côn Đảo.
Ở địa ngục trần gian này, Nguyễn Văn Cừ cùng với các động chí của mình tham gia vào nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù và đòi cải thiện đời sống; tham gia vào việc dịch một số tác phẩm kinh điển ra tiếng Việt và chép vào những tập giấy thuốc lá, để phổ biến rộng rãi cho anh em khác.
Chính những năm tháng tù đày khổ ải, Nguyễn Văn Cừ đã cùng đồng chí của mình biến nơi tù đày thành trường học cách mạng, thành nơi trui rèn ý chí, bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng.
Năm 1936, ở Việt Nam và Pháp nổi lên phong trào đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả các tù chính trị ở Đông Dương. Cuộc đấu tranh đã mang lại kết quả, ngày 29-9-1936, nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải thả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có Nguyễn Văn Cừ.
Tổng Bí thư của Đảng - nhà lãnh đạo xuất sắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Đầu năm 1938, Nguyễn Văn Cừ bí mật rời Hà Nội vào Sài Gòn, để dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được triệu tập tại Hóc Môn, Gia Định, từ ngày 29 và 30-3-1938.
Hội nghị đã xem xét tình hình hoạt động của Đảng, các tổ chức quần chúng từ Hội nghị tháng 9-1937 đến nay, và định ra đường lối cho phù hợp với tình hình mới.
Ngày 30-3-1938, Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cử Ban Thường vụ Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, là Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta.
Từ đây, với cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Với khả năng nhạy bén nắm bắt tình hình trong và ngoài nước, thêm vào khả năng lý luận chính trị xuất sắc, Nguyễn Văn Cừ đứng đầu bộ máy nhà nước ta lúc bấy giờ đã đưa đất nước giảm bớt tổn thất cho Đảng khi chiến cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai nổ ra vào năm 1939, đồng thời góp phần đưa sự nghiệp cách mạng dân tộc ta tiến lên.
Từ đây người chiến sĩ ấy đã chỉ đạo thay đổi chiến lược cách mạng, tạo ra bước ngoặt quan trọng mà ngày nay nhân dân ta hay nhắc đến - giai đoạn cách mạng những năm 1938-1942, giai đoạn cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.