Phạm Hùng - người cộng sản kiên cường

Đồng chí Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, là một trong những nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của dân tộc và là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người cộng sản kiên cường, bất khuất

Dâng hương tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng tại Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, trong một gia đình nông dân ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Từ truyền thống hào hùng của quê hương đất nước, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách thực dân, đế quốc, người thanh niên trẻ tuổi Phạm Hùng đã sớm nung nấu lòng yêu nước và ý chí cách mạng cứu nước.

Năm 1928, khí mới 16 tuổi đồng chí đã tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó làm Bí thư chi bộ trường học.

Năm 1931, đồng chí bị địch bắt và kết án tù. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn từ mua chuộc, dụ dỗ đến cực hình tra tấn dã man, tàn bạo nhưng không lay chuyển được niềm tin sắt đá của đồng chí vào lý tưởng cách mạng của Đảng. Bất lực trước khí phách của người cộng sản trẻ tuổi, ngày 20/9/1932, tòa án của bọn thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình tại Mỹ Tho, kết án tử hình đồng chí Phạm Hùng và đưa đến giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn.

Nhưng xà lim, án chém vẫn không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản. Ý chí kiên cường đó của đồng chí đã truyền cho những người bạn tù cùng bị giam giữ tinh thần tiếp tục đấu tranh.

Do phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và các lực lượng tiến bộ trên thế giới buộc chính quyền thực dân Pháp phải giảm án cho đồng chí xuống chung thân khổ sai và đày ra nhà tù Côn Đảo.

Trải qua 15 năm bị tù đày trong lao tù đế quốc, trong đó có 11 năm ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo; biết bao hình phạt tàn khốc của kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được “con người thép” - người chiến sĩ cộng sản Phạm Hùng. Trong “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí đã tham gia lãnh đạo Chi bộ Đảng tại nhà tù, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt để giành lấy sự sống cho tù nhân, đòi giảm nhẹ chế độ khổ sai, đòi cải thiện chế độ nhà tù.

Thực hiện khẩu hiệu: “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, nhiều năm trên cương vị là Bí thư Đảo ủy, đồng chí Phạm Hùng đã cùng Chi ủy tại nhà tù duy trì tổ chức tuyên truyền, học tập lý luận cách mạng, nâng cao trình độ, nhận thức của tù chính trị, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ trung thành, mẫn cán cho Đảng.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên cương vị Bí thư Đảo ủy, đồng chí Phạm Hùng đã lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng Côn Đảo.

Tấm gương đồng chí Phạm Hùng, một chiến sĩ cộng sản hiên ngang, bất khuất, nghĩa hiệp đã trở thành biểu tượng của ý chí và nghị lực phi thường của một thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản.

Nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng và Nhà nước

Đồng chí Phạm Hùng là một trong những nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỉ XX. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, đồng chí được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước. Trên bất cứ cương vị nào, lĩnh vực công tác nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Phạm Hùng được Đảng đón từ Côn Đảo về tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ và được bầu giữ chức Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Hùng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa II (4/1962). Ảnh: TTXVN

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam, đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể ở Nam Bộ, đề ra chủ trương, đường lối phù hợp với thực tiễn: mở rộng chiến tranh nhân dân; thực hiện dân chủ ở nông thôn, (tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, tạm cấp cho dân cày nghèo); chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị; giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, làm tốt công tác vận động nhân sỹ, trí thức…

Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công - nông - trí, nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, trên cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng đã tích cực tham gia tổ chức biên soạn và hoàn thiện dự thảo “Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam” làm cơ sở cho Nghị quyết Hội Nghị Trung ương lần thứ 15, và sau đó tham gia hoạch định và chỉ đạo thực hiện đường lối cách mạng Việt Nam, được Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng thông qua.

Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào thời điểm vô cùng gay go, ác liệt, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường miền Nam.

Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, đồng chí đã lãnh đạo quân và dân ta nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, luôn tìm tòi sáng tạo từng bước đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ; chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại hội nghị Paris và rút quân về nước.

Sau khi đất nước hòa bình, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều cương vị: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với những trọng trách lớn lao, trong những điều kiện khó khăn phức tạp của đất nước sau giải phóng, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm chiến lược, giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt. đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm của một người cán bộ giàu bản lĩnh, một nhà lãnh đạo tài năng trong các quyết định và triển khai các quyết sách của Đảng và Nhà nước…

Ngày 10/3/1988, đồng chí Phạm Hùng mất tại Thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn đau tim đột ngột. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vô cùng thương tiếc một nhà lãnh đạo có uy tín, một người con ưu tú của đất nước...

Hồng Quảng/TTXVN
Dâng hương kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng
Dâng hương kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

Ngày 7/6, tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11/6/1912 - 11/6/2017), người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Vĩnh Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN