Nữ đặc vụ 'Chuột bạch' – kẻ thách thức Đức quốc xã

Đức quốc xã chẳng thể nào bắt được Nancy Wake. Mỗi lần chúng cho rằng đã dồn được bà vào chân tường thì bà đều trốn thoát ngoạn mục. Chính vì thế mà chúng đặt cho bà biệt danh “Chuột bạch”.

Mặc dù có sự nghiệp thành công rực rỡ nhưng khởi đầu cuộc sống của Nancy Wake lại rất lận đận. Bà sinh ra ở Wellington, New Zealand năm 1912, tuy nhiên gia đình bà đã chuyển đến Sydney, Australia sinh sống khoảng hai năm sau đó.

Tại thời điểm Nancy chào đời, bà đỡ người Maori đã đặc biệt chú ý tới một nếp da ở trên đầu đứa trẻ còn đỏ hỏn rồi nói: “Chúng tôi gọi thứ này là kahu và điều này có nghĩa rằng con của cô sẽ luôn may mắn. Bất cứ nơi đâu cô bé đi, bất cứ việc gì cô bé làm, các vị thần sẽ dõi theo cô bé”.  

Bà Nancy Wake vào khoảng thập niên 1940.

Tuy vậy tuổi thơ của Nancy chẳng mấy may mắn. Năm lên 4 tuổi, một thời gian ngắn sau khi chuyển đến Sydney thì cha bà lên đường sang Mỹ và không bao giờ trở về nữa. Bà mẹ kiệt quệ của Nancy phải một mình chăm sóc 6 đứa con, trong đó Nancy là đứa bé nhất. Giữa Nancy và mẹ liên tục xảy ra bất đồng gay gắt. Năm 16 tuổi, bà bỏ nhà đi làm y tá. Bà có lẽ đã tiếp tục làm việc ở Sydney nếu như không có khoản tiền thừa kế bất ngờ 200 bảng Anh (khoảng 11.500 bảng bây giờ) từ người cô họ, giúp bà có chút vốn liếng để bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình.

Đến London (Anh) năm 1932, Nancy theo học một khóa đào tạo phóng viên. Sự nghiệp mới đã đưa bà tới thủ đô Paris của Pháp, nơi bà sống trong vòng một năm để đưa tin về tình hình châu Âu cũng như sự gia tăng của chủ nghĩa phát xít. Tuy nhiên bà cũng có thời gian để tận hưởng các thú vui và khám phá đời sống về đêm của người Paris. Nhanh chóng, cô gái trẻ với một khởi đầu lận đận đã làm mê đắm triệu phú người Pháp Henri Fiocca. Họ kết hôn ngay sau khi Thế chiến thứ hai nổ ra và chung sống tại căn biệt thự ở Marseilles.

Nancy là một người phụ nữ của công việc và bà khinh rẻ Đức quốc xã. Bà không thể ngồi im nhìn quân phát xít tràn vào Pháp. Vì thế, bà đã tham gia phong trào kháng chiến ở địa phương, hoạt động dưới vai trò một người đưa tin. Cô gái trẻ ngay lập tức đã trở thành một thành phần quan trọng của phong trào, chuyển giao các thông báo quan trọng từ nhóm kháng chiến này tới nhóm kháng chiến khác. Phải một thời gian sau phát xít mới phát hiện ra chúng đã bị một phụ nữ xinh đẹp xỏ mũi. Song sau khi biết được sự thật, bà đã trở thành đối tượng bị truy lùng gắt gao nhất của Đức quốc xã. Chúng thậm chí còn treo giải 5 triệu franc cho thủ cấp của bà.

Thế nhưng Đức quốc xã chẳng thể nào bắt được Nancy Wake. Mỗi lần chúng cho rằng đã dồn được bà vào chân tường thì bà đều trốn thoát ngoạn mục. Chính vì thế mà chúng đặt cho bà biệt danh “Chuột bạch”. Một lần, bà đã suýt rơi vào tay kẻ địch và bị vài viên đạn bắn sượt qua tai. May thay nữ quân nhân tài giỏi này đã chạy đến được dãy núi Pyrenees (nằm ở biên giới Pháp – Tây Ban Nha) và thoát nạn. Kể về những lần suýt bị bắt sống, bà nói: “Tôi không có thời gian để lo lắng. Và tôi phải thừa nhận rằng, mặc dù một số người sẽ không tin tôi, nhưng tôi chưa từng sợ hãi”.

Hình tượng nhân vật Nancy Wake trong bộ phim tài liệu kể về cuộc đời bà.

Từ Tây Ban Nha, Nancy tìm đường quay trở lại Anh, tại đây bà trải qua 16 tuần huấn luyện cùng với đội đặc nhiệm bí mật thuộc Sở Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Anh SOE). Cuối kỳ huấn luyện khắc nghiệt, bà đã trở thành một chuyên gia về thuốc nổ, chiến đấu giáp lá cà và biết sử dụng đủ loại vũ khí. Nancy đã sẵn sàng cho nhiệm vụ đầu tiên của mình: đánh giá các nhóm kháng chiến ở Pháp và thông báo cho London nắm được mỗi nhóm này còn thiếu yếu tố gì.

Nhảy dù xuống cánh rừng l’Auvergne, Nancy đã gặp gỡ nhiều chiến sĩ kháng chiến, những người không tin nổi chính phủ Anh đã cử một người phụ nữ nhỏ bé làm nhiệm vụ này. Họ không mấy tôn trọng Nancy cho tới khi bà thách thức các thủ lĩnh uống rượu thi với mình và chiến thắng. Sau việc này, bà đã khiến gần 7.000 chiến sĩ yêu nước phải nghe lời răm rắp.


Sát Ngày Chiến thắng, Nancy Wake chỉ huy “binh đoàn” của mình chiến đấu với một toán quân phát xít Đức đang cố gắng tiếp viện cho lực lượng ở Normandy, Pháp. Bà và các chiến sĩ đã cho nổ tung các cây cầu và phá hủy những đoàn tàu để cản bước quân phát xít. Như thế vẫn chưa đủ, Nancy đã tiêu diệt một tên lính gác Đức bằng tay không để ngăn không cho hắn cảnh báo với toàn đội về vụ tấn công bất ngờ. Sau đó, họ đã giải phóng được vùng Vichy từ tay Đức quốc xã, đánh bại chừng 22.000 tên phát xít.
Sau khi quân đồng minh giành chiến thắng, nữ quân nhân Nancy Wake đã được chính phủ Mỹ, Anh và Pháp trao tặng huân chương chiến công. Phải 60 năm sau bà mới nhận được huân chương của quê hương Australia và New Zealand vì bà không phục vụ trong hàng ngũ quân đội của họ trong thời chiến. Tổng cộng số huân, huy chương mà bà Nancy nhận được là 12 chiếc.

Chỉ tới khi chiến tranh kết thúc, bà mới biết rằng chồng mình đã bị phát xít bắt năm 1943 để tra hỏi về hành tung của người vợ. Ông bị chúng xử tử vì nhất quyết không hé nửa lời. Nancy luôn tự đổ lỗi cho mình về cái chết của người chồng. Bà khẳng định: “Henri là tình yêu của đời tôi”. 

Những năm sau đó, bà kết hôn với người chồng thứ hai, một phi công Không quân Hoàng gia Anh và cựu tù nhân chiến tranh tên John Forward, rồi quay trở lại Sydney. Bà đã vài lần vận động tranh cử với Đảng Tự do Australia nhưng chưa từng trúng cử. Năm 2003, bà bị lên cơn đau tim nhưng vẫn kiên cường chống chọi cho tới năm 2011. Bà mất năm 98 tuổi vì nhiễm trùng nặng. Sau khi qua đời, tro cốt của nữ đặc vụ huyền thoại Nancy Wake đã được đem tới Pháp và rải ở vùng núi nơi bà từng sát cánh chiến đấu cùng đội quân kháng chiến.

Hoàng Trang/Báo Tin Tức
Thăm những địa danh gắn liền với ông Putin thời làm điệp viên tại Đức
Thăm những địa danh gắn liền với ông Putin thời làm điệp viên tại Đức

Vào ngày 7/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đón sinh nhật lần thứ 65. Để kỷ niệm sự kiện này, hãng tin Sputnik (Nga) đã tổng hợp những địa điểm tại Đức từng là nơi quen thuộc với nhà lãnh đạo Nga, quốc gia ông Putin đã dành 5 năm cuộc đời sinh sống và làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN