Trước đó, thế giới từng chứng kiến nhiều vụ giẫm đạp khiến hàng trăm người thương vong trong các sự kiện tập trung đông người. Dưới đây là những thảm kịch từng xảy ra:
- Ngày 1/10/2022 tại Indonesia: Trên 130 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp và bạo loạn xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java của Indonesia. Sau khi trận thi đấu giữa hai đội Arema FC và Persebaya Surabaya kết thúc tối 1/10 với tỷ số 2-3, do thất vọng vì đội nhà thua cuộc, các cổ động viên của đội Arema FC đã lao vào sân, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay để kiểm soát tình hình, dẫn đến việc đám đông giẫm đạp lên nhau và nhiều người bị ngạt thở.
Theo kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, khi thảm họa xảy ra, các nhân viên an ninh làm việc tại sân vận động đã không có ý thức được việc hơi cay bị cấm sử dụng tại các trận thi đấu bóng đá và đã dùng những biện pháp quá mức. Hơn nữa, các cửa ra vào sân vận động chật hẹp còn lượng khán giả thì lại quá đông càng khiến hậu quả vụ việc trở nên nặng nề hơn. Ít nhất 6 người, trong đó có 3 cảnh sát đã bị buộc tội liên quan thảm kịch này.
- Ngày 7/1/2020 tại Iran: Vụ giẫm đạp khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và 213 người bị thương trong đám tang vị tướng hàng đầu của Iran, Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
- Tháng 9/2015 tại Saudi Arabia: Đây được coi là vụ giẫm đạp gây thương vong lớn nhất trong lịch sử các cuộc hành hương thường niên của người Hồi giáo khi có tới gần 770 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ thảm họa trên là do một số lượng lớn người hành hương xô đẩy, chen lấn nhau.
- Ngày 22/11/2010 tại Campuchia: Một vụ xô đẩy, giẫm đạp trong đám đông xảy ra tại Đảo Kim Cương, Phnom Penh (Campuchia), cướp đi sinh mạng của ít nhất 345 người, trong đó có 240 phụ nữ, và hơn 750 người bị thương.
- Ngày 30/9/2008 tại Ấn Độ: Một vụ giẫm đạp xảy ra ở ngôi đền Chanmunda Devi tại thành phố Jodhpur thuộc bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ khiến ít nhất 168 người thiệt mạng và 100 người bị thương. Vụ việc xảy ra khi có thông tin giả rằng có bom tại ngôi đền khiến nhiều người hoảng sợ và giẫm đạp lên nhau.
- Ngày 3/8/2008 tại Ấn Độ: 145 người chết và 48 người bị thương trong vụ giẫm đạp xảy ra tại một lễ hội ở khu vực Đền Naina Devi ở bang Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Hàng nghìn tín đồ hành hương đã hoảng loạn chen lấn, xô đẩy do có tin đồn xảy ra lở đất.
- Tháng 1/2006 tại Saudi Arabia: Những người hành hương đến Mecca cố chen lên cầu Jamarat đã gây ra một vụ giẫm đạp, làm 362 người thiệt mạng và 280 người bị thương.
- Ngày 31/8/2005 tại Iraq: Khoảng 1.000 người hành hương Hồi giáo dòng Shite thiệt mạng do bị giẫm đạp hoặc chết chìm trên sông Tigris sau khi xảy ra tình trạng hoảng loạn trước tin đồn về một vụ đánh bom tự sát ở Baghad.
- Tháng 1/2005 tại Ấn Độ: Một vụ xô đẩy, giẫm đạp tại Đền Mandhar Devi ở bang Maharashtra làm 300 người thiệt mạng. Thảm họa xảy ra do những người hành hương hoảng loạn sau khi xảy ra một vụ chập điện gây cháy lớn ở dãy cửa hàng nằm dọc theo đường dẫn lên Đền.
- Ngày 1/2/2004 tại Saudi Arabia: Khoảng 250 người chết trong một vụ xô đẩy giẫm đạp nhau khi đi hành hương ở Mina.
- Ngày 9/4/1998 tại Saudi Arabia: 118 người hành hương bị giẫm đạp đến chết và hơn 180 người khác bị thương trong lễ hội ném đá Satan.
- Ngày 2/7/1990 tại Saudi Arabia: Khoảng 1.420 người hành hương, chủ yếu là người Châu Á, thiệt mạng trong một vụ chen lấn, giẫm đạp tại một đường hầm dẫn đến các địa điểm linh thiêng ở Mecca.
- Ngày 24/5/1964, tại Lima, Peru: 318 người chết và 500 người bị thương trong vụ bạo loạn tại sân vận động quốc gia sau khi Argentina đánh bại Peru trong trận thi đấu ở vòng loại Olympic. Sự hỗn loạn đã bùng lên sau khi trọng tài không công nhận một bàn thắng của đội chủ nhà vào những phút cuối cùng của trận đấu.
- Năm 1954 tại Ấn Độ: Một vụ xô đẩy, giẫm đạp được xem là nghiêm trọng nhất trong lịch sử Ấn Độ đã xảy ra tại Đền Kumbh Melta ở thành phố Allahabad thuộc bang Utar Pradesh, làm trên 800 người chết và 100 người bị thương.