Họa sĩ tạo hình của thế kỷ XX
Marc Chagall sinh ngày 7/7/1887 tại một làng quê nghèo nhỏ bé bên bờ sông Dvina ở Vitebsk (nay thuộc Belarus). Tuổi thơ lớn lên của cậu bé Marc Chagall tuy vất vả nhưng hồn nhiên, tinh nghịch trong ngôi làng mang đậm phong cách Nga. Ngay từ khi còn nhỏ, Chagall đã yêu thích hội họa. Chagall không vẽ các bức tranh giống như các tấm ảnh mẫu, những gì mắt đã nhìn thấy, mà vẽ những gì cậu tưởng tượng ra.
Năm 1906, Marc Chagall lên St. Petersburg, bắt đầu một cuộc hành trình xa xứ. Tại đây, Marc Chagall làm quen với những nét cọ đầu tiên, được nghe kể về những họa sĩ danh tiếng như Picasso, Monet, Manet, Van Gogh... và mơ về thành phố Paris để học hỏi những kiến thức hội họa mới lạ.
Tháng 9-1910, niềm mơ ước đã trở thành hiện thực khi Marc Chagall đặt chân đến Pháp. Chính nơi đây, thủ đô Paris tráng lệ đã mang đến cho Marc một cách nhìn mới, cách diễn tả mới để phát triển thể loại vẽ của riêng mình. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, Marc lại quay trở về Nga vào tháng 5-1914.
Tại quê nhà, Marc vẫn say mê sáng tác, và họa phẩm “Người Do thái cầu nguyện”- một trong các tuyệt tác về hình ảnh người Do thái nghèo - đã ra đời. Và chỉ trong vòng một năm, Marc Chagall đã vẽ gần 60 bức họa và khi không còn phẩm màu, ông dùng bút và mực thường để vẽ. Cũng chính tại thị trấn này, Marc Chagall đã kết hôn với Bella và tình yêu đó đã giúp cho Marc sáng tác được nhiều họa phẩm.
Trong hoàn cảnh khó khăn sau cuộc nội chiến Nga năm 1923, Marc Chagall quay trở lại Paris, mang theo những bức tranh vẽ cảnh vật của quê hương Vitebsk đi tìm chân trời mới cho hội họa.
Với một cảm giác mới về cách diễn tả màu sắc, cộng với kinh nghiệm, tài năng cũng như óc quan sát và sự tổng hợp tinh tế của mình, Marc Chagall đã sửa lại các tác phẩm cũ qua trí nhớ và cho ra đời một loạt các bức tranh với chủ đề phong cảnh tại các làng người Do Thái ở Nga, cũng như những điều xảy ra trong cuộc sống thường ngày của chính mình. Điều này được thể hiện rõ qua tác phẩm “Tôi và ngôi làng”.
Đối với Marc Chagall, Paris là thủ đô tượng trưng cho “ánh sáng, màu sắc, tự do, mặt trời và niềm vui sống”. Chính vì vậy, trong suốt thời gian gắn bó với nước Pháp, được đi nhiều nơi, ông đã thực sự say mê các miền quê nên bất kỳ một tác phẩm nào của ông cũng đều chứa chan tình yêu đời, yêu người. Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua tác phẩm “Pari qua khung cửa sổ” (Paris through the window), tác phẩm được coi là một trong những họa phẩm xuất sắc nhất trong thế kỷ mô tả về thành phố Pari.
Là một người sùng đạo, nên ngoài những hình ảnh về người Do Thái hay về thủ đô Paris tráng lệ, Chagall còn có rất nhiều bức tranh khắc họa những hình ảnh về kinh thánh, trong số đó, có rất nhiều tác phẩm thể hiện các yếu tố bản sắc của văn hóa, tôn giáo Do Thái của ngôi làng quê hương ông. Trong đó phải kể đến các tác phẩm “Giấc mơ của Jacob”, “Abraham tiếp cận Sodom với ba thiên thần” và đặc biệt là “Đền thờ tại Safed”, bức họa hiện nay còn treo trong Viện Bảo tàng Stedelijk ở thủ đô Amsterdam (Hà Lan), là một hình thức mô tả niềm tin tôn giáo qua ánh sáng và màu sắc.
Marc Chagall có cách dùng màu rất lạ, dường như ông dùng màu không phải chỉ để vẽ hình, mà còn như thể vẽ lại một giấc mơ, một bài thơ, một bài hát, một câu truyện thần thoại, theo một cách rất riêng của ông. Màu sắc trong các tác phẩm của ông đụng nhau chan chát, người xem cảm nhận được dường nó phát ra tiếng động và gợi mở ra rất nhiều điều. Ông là một trong những họa sĩ đầu tiên kết hợp miêu tả hình ảnh và tình cảm con người trong một bức vẽ để tạo nên những hình ảnh liêu trai, hư hư thực thực, mờ mờ ảo ảo mà sau này người ta gọi đó là “trương phái siêu thực”.
Có thể nói, nghệ thuật của Marc Chagall là hiện thân bất diệt của niềm hy vọng, tình yêu và hạnh phúc. Và như một nhà phê bình đã viết: “Nếu Picasso là khải hoàn của sự thông minh, thì Chagall là khải hoàn rực rỡ của trái tim”.
Nhà thiết kế tài ba
Một tác phẩm của danh họa Marc Chagall tại triển lãm ở Rome (Italy) năm 2015. |
Không chỉ là một họa sĩ, Marc Chagall còn là một nhà thiết kế thiên tài. Ông từng thực hiện nhiều tác phẩm đặc sắc thuộc nhiều thể loại nghệ thuật: sơn dầu, in thạch bản, điêu khắc, đồ gốm, đồ khảm, kính màu, thảm dệt, vẽ kiểu y phục và trang trí nghệ thuật.
Năm 1958, Marc Chagall được mời trang trí cửa sổ kính màu của giáo đường Gothic tại Metz. Công trình nghệ thuật này đã được đánh giá rất cao. Sau đó, Marc Chagall tiếp tục được mời trang trí cho các cửa sổ kính của nhiều giáo đường ở các nước Anh, Thụy Sĩ, New York (Mỹ) và Tòa nhà Liên hợp quốc.
Năm 1959, Bộ trưởng Văn hóa Pháp, André Malraux mời Marc Chagall trang trí lại trần của Nhà hát opera Paris, một tòa kiến trúc danh tiếng trong nhiều thế kỷ.
Tối ngày 23 tháng 9 năm 1964, trong khi nhạc bản “Daphnis và Chloe” vang lên, các vũ công xuất hiện trong những bộ trang phục do chính Chagall vẽ kiểu thì bỗng nhiên đèn bật sáng, chiếu thẳng vào các tác phẩm hội họa rực rỡ vẽ trên bức trần của Nhà hát Opera Paris. Hơn 2.000 quan khách tại Nhà hát đã đồng loạt đứng dậy, vỗ tay tán thưởng công trình tuyệt tác của Marc Chagall.
Trong suốt cuộc đời mình, Chagall đã cống hiến cho ngành hội họa thế giới một khối lượng tác phẩm khổng lồ. Năm 1973, Bảo tàng quốc gia về các sáng tác kinh thánh của Chagall chính thức khai trương tại Nice, tôn vinh ông như những họa sĩ hàng đầu của Pháp trong thế kỷ XX.
Marc Chagall qua đời vào ngày 28/3/1985, an nghỉ trong nghĩa trang của làng St. Paul de Vence, nước Pháp.