Đây là chia sẻ của ông Trương Thanh Bình, thôn Hưng Kiều 1, xã An tường, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ông là người lính đã trải qua 3 cuộc chiến, từ Chiến dịch Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh và Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.
Năm nay đã 84 tuổi, nhưng ông Bình vẫn nhớ như in những ký ức, dấu mốc quan trọng trong những cuộc chiến mà ông đã từng tham gia. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bình cho biết: "Năm 1953, khi vừa tròn 18 tuổi, lúc đó tôi đang học phổ thông. Một hôm có các chú bộ đội về trường tôi đang học để tuyển quân, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc tôi cùng rất nhiều bạn trong trường tình nguyện tham gia nhập ngũ. Sau khi nhập ngũ, tôi được bổ sung vào Trung đoàn pháo 45, Đại đoàn Pháo binh 351. Sau thời gian huấn luyện, năm 1954, Trung đoàn của tôi được tham gia kéo pháo, nổ pháo đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ".
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Bình cùng đồng đội về tiếp quản Thủ đô. Những năm sau đó, ông Bình được cử đi học ở Trường Sỹ quan Pháo binh. Ra trường ông được phong hàm Trung úy. Đến cuối năm 1963, ông Bình được cử vào chi viện cho chiến trường miền Nam, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, biên chế ở Quân đoàn 4.
Sau khi đất nước thống nhất, ông Bình tiếp tục tham gia Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc với vai trò cán bộ tuyên huấn của Quân khu 2. Đất nước hòa bình, ông giữ chức Phó Cục trưởng Cục Chính trị Quân khu 2. Trải qua nhiều trận đánh lớn, lập nhiều chiến công ông được tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, huân chương Quân công hạng Ba, huân chương Kháng chiến hạng Nhất…
Sau 40 năm trong quân đội, năm 1993, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Trở về địa phương, ông Bình vẫn tiếp tục cống hiến công sức, xây dựng quê hương. Ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Tường, sau đó, làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Yên Sơn, rồi Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang. Từ năm 2007 – 2014, ông Bình được bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin tỉnh Tuyên Quang.
Ông Bình chia sẻ: Trải qua nhiều cuộc chiến, nhưng ông may mắn hơn nhiều đồng đội là bản thân không bị thương tật, khi trở về sức khỏe còn khá tốt. Vì vậy, khi còn sức lực ông luôn cố gắng giúp đỡ những đồng chí, đồng đội, con, cháu của họ không may bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam để họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống…
Với suy nghĩ ấy, trong 7 năm làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, ông Bình đã giúp đỡ rất nhiều cho các nạn nhân và nhiều gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hiện nay, dù không còn tham gia công tác của Hội và đã bước sang tuổi 84, nhưng ông Bình vẫn dành phần lớn thời gian tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh ở các trường Trung học phổ thông, trường Chính trị tỉnh và một số cơ quan trên địa bàn tỉnh. Ông luôn giáo dục con, cháu phải biết “uống nước nhớ nguồn”, tích cực học tập, lao động, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…