Chuyện về người chiến sĩ quân y mắc màn mổ cho thương binh giữa nơi bom đạn

Vừa chữa trị, vừa che giấu bộ đội thương binh. Đó là những tháng ngày “mưa rừng cơm vắt” dựng tạm lán trại làm phòng mổ giữa rừng sâu đến giờ vẫn hiển hiện trong trí nhớ ông Giang Văn Toản, người bác sĩ chiến trường năm xưa.

Chú thích ảnh
Bác sĩ quân y Giang Văn Toản vẫn nhớ như in kỷ niệm những ngày trong chiến trường ác liệt. 

Dựng bàn mổ bằng cây trâm bầu

Được sự giới thiệu của những người lính Trung đoàn 320, Bộ Quốc phòng - Đơn vị chủ lực đầu tiên vào giải phóng miền Nam năm xưa về một người bác sĩ tận tụy, quả cảm trong chiến trường, chúng tôi đã tìm gặp ông Giang Văn Toản (thôn 5, xã Tân Hoà, huyện Quốc Oai, Hà Nội) để được nghe ông kể về những năm tháng hào hùng của một thời khói lửa, đạn bom.

Từ xa, chúng tôi đã nhận ra ông với mái tóc bạc trắng như cước, nước da hồng hào, gương mặt hiền lành, phúc hậu. Cách nói chuyện của người cựu chiến binh năm xưa từ tốn, chậm rãi nhưng khi nhắc đến thời kỳ chiến đấu, về những trận đánh thì giọng ông bỗng mạnh mẽ hẳn lên.

Ông Giang Văn Toản kể lại: “Tôi nhập ngũ tháng 3/1964, khi đó vừa tròn 20 tuổi và biên chế về Trung đoàn 320 của Bộ Quốc phòng. Đây cũng là đơn vị chủ lực đầu tiên vào giải phóng miền Nam. Sau thời gian huấn luyện, học chính trị tại Xuân Mai (Hà Tây cũ), tháng 8/1964, chúng tôi hành quân vào chiến trường miền Nam. Từ đây tôi bắt đầu chứng kiến những ngày tháng ác liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.

“Lúc đầu chúng tôi đến Quảng Bình bằng ô tô, sau đó bắt đầu hành quân bộ, con đường hành quân trên dãy Trường Sơn khi ấy rất nhỏ và chỉ là đường mòn. Chúng tôi vừa đi vừa tránh địch, rõng rã 4 tháng mới vào tới chiến trường Tây Nguyên”, ông Giang Văn Toản nhớ lại.

Với trí thông minh, nhanh nhẹn, vào đến chiến trường, năm 1965 ông Giang Văn Toản được đơn vị cử đi học học y tá, một năm sau thì chuyển sang học y sĩ và năm 1967 tiếp tục đi học lên bác sĩ ngoại khoa.

Sau khi học xong, và trở thành bác sĩ ngoại khoa ông Giang Văn Toản được phân trở về đơn vị là Trung đoàn 320 với nhiệm vụ phụ trách bệnh xá, là Đại đội trưởng quân y của Trung đoàn. Đồng thời ông còn phụ trách giảng dạy lớp y tá phục vụ chiến trường.

Nhận nhiệm vụ mới, cũng từ đây bác sĩ Giang Văn Toản gắn bó với đơn vị xuyên suốt những trận đánh ác liệt, cấp cứu và cứu chữa nhiều thương binh nặng. Đời lính xông pha trận mạc, với một bác sĩ chiến trường không chỉ là bông băng, dao kéo… ông còn trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhất là thời điểm đơn vị của ông theo đoàn quân chiến đấu giải phóng cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ giáp với biên giới giáp Campuchia.

Chú thích ảnh
Bức ảnh chiến sĩ Giang Văn Toản chụp những ngày mới giải phóng. Ảnh do nhân vật cung cấp.

“Trận đánh ngày 18/3/1970, địch mở trận càn quét vào biên giới Việt Nam- Campuchia. Trong trận này, địch tấn công rất mạnh, có tới 200 xe tăng, đánh vào 40 thôn ấp ở khu vực giáp biên giới. Địch đánh đến ngày thứ 4, quân ta bị thương vong nhiều, nên quân y chúng tôi rất vất vả với việc tiếp nhận điều trị, có ngày tới 80 thương binh trọng thương, nhiều ca rất nặng…”, ông Giang Văn Toản nhớ lại.

Theo bác sĩ Giang Văn Toản, đơn vị chiến đấu hành quân đến đâu quân y đi đến đó. “Trong chiến tranh, mọi thứ đều thiếu thốn, có những ca mổ, chúng tôi chỉ chặt 4 cành trâm bầu đóng xuống và buộc các thanh vào nhau, trải ni-lon và tấm khăn trắng lên, thế là thành bàn mổ. Đó là chưa kể muỗi Đồng Tháp nhiều “như trấu”, các y tá, bác sĩ phải xoa thuốc muỗi và mắc màn, đứng trong màn để mổ cho thương binh. Nếu không thế, muỗi ngửi thấy mùi máu, chúng có thể bay vào đầy ổ bụng trong cấp cứu thương binh. Người dân khi đó ví von “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”, bác sĩ Toản kể.

Nói về những khó khăn trong thời chiến, bác sĩ Toản kể: Lúc đó “phòng mổ” chủ yếu dùng đèn pin để chiếu sáng. Để tránh địch phát hiện khi che giấu thương binh, các y bác sĩ phải cắt lá trâm bầu quấn quanh đèn và chỉ để một lỗ nhỏ ánh sáng soi qua để chữa trị cho chiến sĩ. Chỉ khi ở khu vực tương đối an toàn và có điều kiện mới dùng đèn măng-xông để soi mổ.

Trong đời quân y, ông Toản vẫn nhớ về ca cấp cứu “để đời”. Đó là vào thời điểm sau một trận đánh năm 1972, khi trạm xá tiếp nhận thương binh nặng phải mổ lấy đạn, khâu ổ bụng. Dựng bàn xong, thì xe tăng địch lao tới, ông Toản phải thao tác thật nhanh nhưng không được phép phạm sai lầm để cứu chữa thương binh. Ca mổ xong cũng là lúc xe tăng địch vào sát gần, do thương binh ngấm thuốc gây mê nên chưa tỉnh, ông đành cùng đồng đội khiêng thương binh xuống xuồng để chạy.

“Cũng có những lúc địch đánh ác liệt đến nỗi, chúng tôi không dám ngồi cao mà phải ngồi và cúi thật thấp trong suốt ca mổ, khi xong thì người mỏi rã rời”, bác sĩ Toản kể lại.

Nói về thiếu thốn vật tư y tế, ông Toản kể rằng không gì khổ bằng thiếu thuốc điều trị. Những năm kháng chiến ác liệt, việc tiếp tế khó khăn, nhiều lúc không có thuốc điều trị cho bộ đội và bà con ở địa phương. “Biết chúng tôi thiếu thuốc, bà con rất nhiệt tình giúp đỡ, họ đi vào vùng địch bằng thuyền ba lá tự thiết kế có hai đáy để mua thuốc và giấu thuốc mang về cho bộ đội, tránh bị địch phát hiện”, ông Toản kể lại.

“Những năm đóng quân ở tỉnh Long An, thuốc men khan hiếm lắm, khi đã hết thuốc viện trợ mà địch vẫn đánh ác liệt, chúng tôi phải đi tìm nguồn cứu trợ. Một lần may mắn gặp được chiếc xe buôn thuốc tây, tôi đã bán chiếc đồng hồ do một đồng đội tặng kỷ niệm để đổi lấy thuốc kháng sinh mang về điều trị cho thương binh”, bác sĩ quân y Giang Văn Toản nhớ lại.

Câu chuyện này, sau đó anh em kể lại, đơn vị của ông đã khen ngợi và mua tặng lại ông chiếc đồng hồ khác làm kỷ niệm.

Dùng mật ong điều trị vết thương

Trong quá trình chữa trị những vết thương sâu cho bộ đội thường thiếu thuốc kháng sinh, ông Toản phải dùng thuốc “kí ninh” (thuốc điều trị sốt rét) pha với nước cất để bơm thẳng vào vết thương, sau đó mới dùng kháng sinh điều trị.

“Cái khó ló cái khôn”, giữa rừng hết thuốc, người bác sĩ quân y và đồng đội đã nghiên cứu, lấy mật ong rừng để xử lý vết thương. Với những vết thương chưa đủ điều kiện để mổ ngay, các bác sĩ dùng mật ong bơm vào sẽ cho hiệu quả rất tốt, cả chục ngày sau vết thương vẫn đỏ, không bị hoại tử, không bị mùi hôi, khá sạch. Vì vậy mật ong rừng đã trở thành phương pháp mà ông Toản thường áp dụng điều trị vết thương cho thương binh.

Chú thích ảnh
Cuốn sách ghi chép cách điều trị cho bệnh nhân đã theo ông Toản suốt những năm tháng kháng chiến. 

Hay lúc hết dịch truyền, bác sĩ quân y còn áp dụng dùng nước dừa truyền trực tiếp cho thương binh thay dịch truyền. “Chúng tôi phải chọn loại dừa bánh tẻ mới có đủ lượng đường cần thiết, hái xuống, sau đó lấy dao nhẹ nhàng gọt đến mắt quả dừa và châm kim trực tiếp, dốc lên truyền thẳng cho thương binh. Mỗi quả dừa được khoảng nửa lít nước, chỉ cần truyền khoảng 300ml là đủ. Những khi hết dịch truyền, nhờ cách này chúng tôi đã điều trị được cho những thương binh bị tiêu chảy, mất nước…”, ông Toản kể lại.

Theo ông Giang Văn Toản, gần đến 30/4/1975, cuộc chiến càng ác liệt, ngày đêm đạn pháo nổ như ngô rang, thuốc điều trị cho thương binh thiếu thốn nên chỉ bơm tạm mật ong vào vết thương cho thương binh đỡ đau và băng bó lại. “Đến ngày 27- 28/4/1975, Sư đoàn của ông Toản đánh cầu Long Định trong vòng vây của quân địch, nhưng tất cả vẫn bám trụ đến cùng. Đến trưa ngày 30/4/1975, tin chiến thắng vang về, quân địch tháo chạy, thậm chí xe tăng của chúng vẫn nổ máy, cả trực thăng cũng bỏ lại trên đường… Chúng tôi sung sướng đổ hết ra đường, reo hò mừng đất nước toàn thắng”, ông Giang Văn Toản bồi hồi nhớ lại.

Hoà bình lập lại, bác sĩ quân y Giang Văn Toản mới nghĩ đến chuyện lập gia đình, lúc đó ông 31 tuổi. Sau giải phóng khoảng 5 tháng, ông Toản mới xin về phép một tháng và lấy vợ.

Đến năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông tiếp tục cùng đơn vị nhận nhiệm vụ lên đường sang giúp nước bạn Campuchia. Đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa ngoại, Bệnh xá Sư đoàn 8 và phụ trách đội Phẫu thuật. Ông Toản tiếp tục tại ngũ 3 năm vào chiến trường lăn xả cùng đồng đội cấp cứu thương binh.

Video ông Giang Văn Toản ôn lại những kỷ niệm trong chiến trường:

Nhớ lại cuộc đời binh nghiệp, giữa nơi bom rơi đạn lạc, chính bác sĩ Giang Văn Toản cũng bị thương nhiều lần, nhưng ông đã gạt đi đau đớn của mình để cứu chữa cho đồng đội. Tại chiến trường Campuchia, trong 1 đêm quân Pol-Pot đánh tập kích, ông bị thương ở tay do mảnh B41 bắn vào. Trong lúc cấp cứu cho bộ đội bị thương ở bụng, ông Toản chỉ kịp băng bó tay mình và nén đau đớn, thực hiện xong ca mổ cho đồng đội. Sau đó ông cùng bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện quân y ở thị xã Kiến Tường (Long An) điều trị.

Ông Toản kể: “Lúc đó, tay tôi bị thương do mảnh đạn bắn vào. Một bác sĩ mới vào nghề đã xử lý vết thương cho tôi nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đã cặp vào dây thần kinh trụ của cánh tay. Lúc đó tôi tỉnh táo nên biết được tình hình, kịp thời hướng dẫn bác sĩ đó thao tác đúng và tránh được nguy cơ bị teo tay, khoèo tay. Đây cũng là vết thương cuối cùng của tôi trên chiến trường”.

Trong những năm tháng tham gia chiến đấu, bác sĩ Toản đã bị thương tới 7 lần, người đầy những những vết sẹo. Trong đó vết thương đầu tiên của ông là bị địch bắn vào vùng miệng làm gãy 5 cái răng và gãy tay phải.  Hiện ông bị thương tật tới 71%

Cuộc chiến đã đi qua nhưng những gì nó để lại vẫn còn đó trên cơ thể người chiến sĩ quân y. Nhưng với ông Giang Văn Toản, ông vẫn còn may mắn được trở về, bởi theo ông Toản thì còn rất nhiều đồng đội của mình vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Bài, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Những ca khúc làm ‘sống dậy’ thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975
Những ca khúc làm ‘sống dậy’ thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975

Ngày 30/4/1975 là ngày lịch sử của đất nước, Bắc Nam nối liền một dải. Vào thời khắc ấy, đã có nhiều ca khúc ra đời mừng non sông thống nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN