Chuyện về một phóng viên chiến trường giữa lòng Sài Gòn

Cố nhà báo Lâm Tấn Tài đã ra Bắc rồi lại vào Nam, lên rừng và xuống biển, du học để trở về hòa mình vào dòng thác đấu tranh cách mạng sục sôi của dân tộc không chỉ trong tư cách một phóng viên chiến trường mà còn là một người trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài (người đeo kính) trả lời phỏng vấn của phóng viên quốc tế trong chuyến sang Hoa Kỳ triển lãm ảnh về chiến tranh Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Hành trình của ông gợi cho lớp hậu sinh liên tưởng đến những phẩm chất, cung đường của một “chiến binh” trong những tháng năm dấn thân, cống hiến tuổi thanh xuân cho dân tộc và tạo dấu ấn cá nhân trong sự nghiệp nhiếp ảnh.

Cụm ảnh “Những khoảnh khắc để lại” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 5 (năm 2017). “Những khoảnh khắc để lại” gồm năm bức ảnh: “Công binh mở đường Trường Sơn cho xe qua,” “Vượt Trường Sơn,” “Biệt động Sài Gòn,” “Hiệp định Paris 1973 - Mỹ rút quân” và “Thần tốc tiến về Sài Gòn.”

Mối duyên bất ngờ

Theo ông Chu Chí Thành - nguyên Trưởng Ban Biên tập Ảnh (Thông tấn xã Việt Nam), đó là những bức ảnh mang tính sử liệu, gắn với những bước ngoặt lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Không chỉ có vậy, “Những khoảnh khắc để lại” còn như những dấu mốc trên hành trình từ Bắc vào Nam của nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài trong vai trò một phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam.

Cố nhà báo Lâm Tấn Tài sinh ngày 22/5/1935 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1947. Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, ông tập kết ra Bắc.

Cô Lâm Thanh Thiên, con gái cố nhà báo Lâm Tấn Tài chia sẻ: “Sinh thời, cha tôi vẫn thường nhắc về cơ duyên đưa ông đến với nhiếp ảnh. Ông vốn là sinh viên Khoa Lịch sử (Đại học Tổng hợp Hà Nội). Từ yêu cầu phải dùng máy ảnh ghi lại hình ảnh thực địa của bộ môn khảo cổ học, cha tôi mày mò tìm hiểu, cảm thấy bị cuốn hút và dần yêu thích việc chụp ảnh. Có lẽ, ban đầu, cha tôi cũng không nghĩ rằng cả quãng đời sau đó sẽ gắn bó với nhiếp ảnh. Với ông, đó không chỉ là ‘nghề’ mà còn là ‘nghiệp’ đeo đẳng suốt một đời.

Năm 1961, nhà báo Lâm Tấn Tài được cử sang Liên Xô học tập tại Đại học Tổng hợp Lomonosov. Sau khi về nước, ông theo học khóa đào tạo nghiệp vụ báo chí rồi tình nguyện vượt Trường Sơn trong tư cách phóng viên ảnh chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng.

Sáng 20/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017 cho đại diện gia đình cố nhà báo Lâm Tấn Tài, nguyên phóng viên TTXVN. Ảnh: TTXVN

Theo lời kể của ông Chu Chí Thành cho biết, cố nhà báo Lâm Tấn Tài luôn ý thức sâu sắc giá trị, sức mạnh đấu tranh của những bức ảnh. “Thời gian, sự kiện… là những thứ ‘một đi không trở lại’. Bởi thế, trong suốt hành trình xẻ dọc Trường Sơn, anh luôn chủ động chớp lấy những khoảnh khắc quý giá. Đó là nguồn tư liệu để sau này, anh cho ra mắt hai cuốn sách ảnh giá trị: ‘Đường Hồ Chí Minh’ và ‘Ảnh thời chiến’,” ông Thành nói.

Suốt 9 năm kiên cường bám trụ ở chiến trường Nam Bộ, Lâm Tấn Tài là một trong những phóng viên mũi nhọn của Thông tấn xã Giải phóng. “Không có ‘điểm nóng,’ ‘cung đường lửa’ nào không in dấu chân anh. Vừa mới đây, người ta còn gặp anh ở Trung ương Cục miền Nam hay trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì cũng rất nhanh sau đó, anh đã theo các đoàn quân giải phóng về các vùng đồng bằng, xâm nhập các đô thị như một người lính biệt động thực thụ,” nhà báo Chu Chí Thành nói.

Chuyện khó tin!

Trong ký ức các phóng viên chiến trường những năm ấy (Hứa Kiểm, Chu Chí Thành…), Lâm Tấn Tài là một người rất quyết đoán và nhanh nhạy trong cách xử lý tình huống. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, người phóng viên chiến trường quả cảm Hứa Kiểm năm xưa giờ cũng ở tuổi bát tuần nhưng những ký ức về đồng đội, đồng nghiệp vẫn chưa hề nhạt phai trong tâm trí ông. Tiếp chuyện người khách trẻ, ông say sưa kể lại những câu chuyện có thật (mà mới nghe qua tưởng như rất khó tin) về cố nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài.

Ông bảo: “Trong những năm tháng ấy, chuyện Lâm Tấn Tài - một nhà báo thuộc phía Cộng sản được cấp cứu, chữa trị trong một bệnh viện do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho chúng tôi về ngày độc lập, thống nhất đất nước, về ước vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc.”Chuyện rằng, Tết Mậu Thân 1968, phóng viên ảnh Lâm Tấn Tài cùng Tiểu đoàn 6 Quyết Thắng tiến sâu vào khu vực chùa Ấn Quang (phía Tây Bắc Sài Gòn).

Lâm Tấn Tài tay súng, tay máy ảnh - vừa cùng các chiến sỹ giải phóng quân chiến đấu, len lỏi khắp các ngõ phố vừa chụp ảnh, ghi lại những chiến công và khoảnh khắc bi hùng.Bất ngờ, phóng viên Lâm Tấn Tài bị một viên đạn găm vào mắt. Đồng đội và nhân dân địa phương đã đưa ông vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (khi ấy do chính quyền Ngụy Sài Gòn quản lý. Sau khi được các bác sỹ ở đây xử lý vết thương, để tránh bị địch bắt, ông tìm cách trốn viện.

Thần tốc tiến về Sài Gòn. Ảnh: Lâm Tấn Tài/TTXVN

Tuy bị mất đi một bên mắt nhưng nhà báo Lâm Tấn Tài không chùn bước. Ngày 30/4/1975, ông cùng bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn. Bức ảnh “Thần tốc tiến về Sài Gòn” được chụp trong những giờ phút lịch sử. Nhân dân đổ ra hai bên đường chào đón quân giải phóng, tất cả cùng vỡ òa - có cả nước mắt và nụ cười…“Nhắn đến nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài, người ta không chỉ nhớ về một cựu phóng viên chiến trường quả cảm mà còn không thể quên những đóng góp của ông trong việc phát ảnh nền nhiếp ảnh Việt Nam thời hậu chiến,” ông Chu Chí Thành khẳng định.

Trên cương vị lãnh đạo Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài đã tổ chức và trực tiếp giảng dạy tại nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn, đề xuất ý tưởng và triển khai nhiều liên hoan ảnh (từ cấp tỉnh/ thành phố đến cấp khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, Đông Nam…) nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam nói chung và khu vực phía Nam nói riêng.

Với những đóng góp, nỗ lực bền bỉ trong suốt nhiều thập kỷ, cố nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp Nhiếp ảnh Việt Nam… Ông qua đời ngày 7/8/2001 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo vietnamplus.vn
‘Những khoảnh khắc để lại’ của nhà báo - chiến sỹ Lương Nghĩa Dũng
‘Những khoảnh khắc để lại’ của nhà báo - chiến sỹ Lương Nghĩa Dũng

Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng (Thông tấn xã Việt Nam) ­vừa được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho cụm ảnh “Những khoảnh khắc để lại”, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc bi tráng và khốc liệt của chiến tranh Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN