Cựu chiến binh Đỗ Viết Tịch sinh ra tại xã Hà Thanh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông nhập ngũ tháng 3/1953, biên chế vào Đại đội Pháo cao xạ 834, Tiểu đoàn 396, Đoàn 307. Đầu tháng 2/1954, đơn vị ông nhận lệnh hành quân từ Thanh Hóa lên Điện Biên để tham gia chiến dịch.
Trò chuyện với chúng tôi, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, song khi nhắc đến "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt" tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đỗ Viết Tịch vẫn vẹn nguyên niềm tự hào. Trong câu chuyện kể lại một cách say sưa, khóe mắt ông dâng tràn xúc động.
Sau 40 ngày hành quân từ Thanh Hóa lên Điện Biên, đơn vị ông đã đến đúng vị trí tập kết theo mệnh lệnh cấp trên. Lúc đó, chiến dịch sắp mở màn, các đơn vị tham gia chiến dịch nhanh chóng thể hiện quyết tâm tiêu diệt địch. Sau khi được các cán bộ chỉ huy làm công tác tư tưởng, ai cũng hừng hực khí thế sẵn sàng bước vào trận quyết chiến với quân thù xâm lược.
Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ chiếm lĩnh điểm cao để bố trí trận địa pháo. Theo ông Đỗ Viết Tịch, đó là khu vực um tùm cây cối, cán bộ, chiến sĩ vừa phát quang cỏ dại, vừa lần tìm lối lên. Khó khăn nhất là địa hình đồi núi dốc, không có đường cơ động. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên với quyết tâm rất lớn, đơn vị của ông Đỗ Viết Tịch đã chiếm lĩnh được trận địa để bước vào chiến đấu theo đúng kế hoạch.
Trong suốt 56 ngày đêm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị pháo cao xạ của ông Đỗ Viết Tịch với quyết tâm tiêu diệt địch đã phối hợp tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, góp phần quan trọng tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu".
Kể cho chúng tôi nghe, ông Đỗ Viết Tịch còn nhớ rất rõ trận đánh của đơn vị với một tiểu đoàn bộ binh của địch có sự yểm trợ của xe tăng, trực thăng và pháo binh. Khi đó, phát hiện trận địa pháo của ta, quân địch huy động cả tiểu đoàn bộ binh cùng nhiều xe tăng, máy bay trực thăng và hỏa lực, hòng san bằng trận địa pháo trong thời gian nhanh nhất.
Sau màn tập kích hỏa lực mạnh vào trận địa pháo, địch nghĩ đối phương chịu nhiều thương vong nên đã điều động xe tăng, trực thăng cùng bộ binh bao vây, tràn lên trận địa. Song quân địch đã vấp phải sự chống trả mạnh mẽ từ phía đơn vị pháo cao xạ của ông Đỗ Viết Tịch.
Trong trận quyết chiến đó, dù chênh lệnh về quân số và vũ khí, trang bị, song bằng sự dũng cảm, bình tĩnh và tinh thần chiến đấu ngoan cường, đơn vị pháo cao xạ của ông đã liên tiếp đẩy lùi các đợt tiến công và tiêu diệt nhiều quân địch. Đặc biệt, đơn vị còn xuất sắc lập công, bắn cháy 1 trực thăng, phá hỏng nhiều xe tăng. Ngay sau đó, Đại đội Pháo cao xạ 834 vinh dự được tặng thưởng Danh hiệu "Đơn vị lập công đầu", nhiều cá nhân được cấp trên biểu dương, khen thưởng.
Hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường Điện Biên Phủ, nhận mệnh lệnh từ cấp trên, ông Đỗ Viết Tịch được biên chế về một đơn vị trực thuộc Sư đoàn 325 vào thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Quảng Bình. Năm 1960, ông chuyển công tác sang một đơn vị thuộc ngành Lâm nghiệp và nghỉ hưu năm 1979.
Theo đại diện Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có 56 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia các đơn vị chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, trong số đó có 5 liệt sĩ. Hiện, có 8 cựu chiến binh tham gia chiến dịch còn sống.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thời gian qua, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình, các đơn vị, địa phương đã tích cực đến thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ Điện Biên trên địa bàn tỉnh.