Anh hùng chỉ huy mở cửa căn cứ địch Đặng Đình Hồ

Đồng chí Đặng Đình Hồ được mệnh danh là người anh hùng chỉ huy mở cửa căn cứ địch.

Chú thích ảnh
Đồng chí Đặng Đình Hồ. Ảnh: nvsk.vnanet.vn

Đồng chí Đặng Đình Hồ đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong các trận: Đồi Mồi (Chiến dịch Hòa Bình), Lạc Quần (Chiến dịch Hà Nam Ninh), Tuy Lộc Thượng (Ninh Bình)… Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì ngay trong trận đầu tiên tham gia đánh địch.

Người anh hùng chỉ huy mở cửa căn cứ địch

Đồng chí Đặng Đình Hồ, sinh năm 1925, tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, tận mắt chứng kiến cảnh làng quê bị tàn phá, với tình yêu quê hương sâu sắc, đồng chí Đặng Đình Hồ quyết tâm tham gia cách mạng.

Năm 1950, đồng chí Đặng Đình Hồ nhập ngũ. Trưởng thành từ chiến sĩ xung kích nên đồng chí luôn nêu cao quyết tâm chiến đấu, hăng hái, dũng cảm, linh hoạt, táo bạo, đã nổ súng là kiên quyết xung phong tiêu diệt địch, được anh em trong đơn vị ca ngợi là: “nhanh như sóc, mạnh như hổ”.

Trong trận Lạc Quần, Hải Hậu (Nam Định), ngày 5/4/1952, đồng chí dẫn đầu tổ 3 người chiếm lĩnh đầu cầu. Địch bắn mạnh, uy hiếp cửa mở. Đặng Đình Hồ đề nghị đại đội điều trung liên lên cùng tổ đánh rộng ra chiếm chân cầu cho toàn đơn vị đánh sâu vào bên trong. Sau đó, đồng chí dẫn tổ đánh chiếm được 2 nhà thì bị thương không đi được nữa. Khi đồng đội đến băng bó, đồng chí đã động viên anh em tiếp tục xông lên chiến đấu, tiêu diệt xong địch mới đồng ý đến quân y chữa trị.

Tháng 11/1952, trong trận Đồi Mồi của Chiến dịch Hòa Bình, đồng chí đã nhanh chóng dẫn đầu tổ ba người xông lên cửa mở, chiếm lô cốt đầu cầu, tạo điều kiện cho đơn vị đánh thẳng vào trung tâm, loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội địch, làm chủ trận địa. Trong lúc chiến đấu bị thương cả hai mắt, Đặng Đình Hồ đã tự bò ra ngoài, nhường cáng thương binh cho đồng đội.

Trong trận Tuy Lộc Thượng (Ninh Bình), tháng 11/1952, do chuẩn bị chu đáo nên tổ của đồng chí Đặng Đình Hồ làm nhiệm vụ mở cửa rất nhanh. Mở xong cửa, tiểu đội bạn vấp phải hoả điểm của địch ở tường hộp cản lại. Đây là một kiểu chướng ngại mới, bộ đội ta chưa có kinh nghiệm nên không giải quyết ngay được. Tiểu đội đồng chí lên thay, đánh đầu này, địch lại co cụm vào đầu kia rất khó tiêu diệt. Đặng Đình Hồ có sáng kiến dùng bộc phá và lựu đạn đánh sập đoạn tường giữa, chia đôi địch ra rồi phát triển ra hai đầu loại khỏi vòng chiến đấu toàn bộ quân địch, giải quyết nhanh trận đánh. Sáng kiến đánh tường hộp của Đặng Đình Hồ được phổ biến trong toàn sư đoàn.

Ở trận đánh bốt Vạn Lai vào tháng 12/1952, địch bố trí hàng rào dây thép gai dày hàng trăm mét, đại bác các nơi chi viện mãnh liệt đã làm bị thương bộ đội ta từ vòng ngoài. Vừa mở cửa xong, đồng chí Đặng Đình Hồ đã nhanh chóng chiếm vị trí đầu cầu, cùng đơn vị đánh nhanh, đánh mạnh, loại khỏi vòng chiến đấu 1 đại đội Âu Phi trong vòng 20 phút.

Anh dũng lập nhiều chiến công xuất sắc

Cuối năm 1953, đồng chí Đặng Đình Hồ là Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Đơn vị đồng chí được lệnh hành quân từ Thanh Hóa qua Suối Rút theo đường 41 lên Mộc Châu, tiến vào Điện Biên Phủ.

Sau hơn một tháng hành quân, Trung đoàn 57 hỗ trợ cùng các đơn vị bạn kéo pháo vào trận địa. Vượt qua bao cánh rừng, đèo suối, với đôi chân sưng húp, tay phồng rộp nhưng ai cũng phấn khởi, háo hức chuẩn bị chiến đấu. Vừa kéo pháo vào trận địa, Tiểu đoàn 418 được lệnh án ngữ cửa rừng Hồng Lếch. Quân địch cho 2 tiểu đoàn Âu - Phi từ Mường Thanh kéo ra chia làm hai cánh đánh vào trận địa của tiểu đoàn. Một cánh quân địch lợi dụng sườn đồi cao vòng ra đằng sau định bao vây Đại đội 60. Đại đội 60 lệnh cho Tiểu đội trưởng Đặng Đình Hồ dẫn tiểu đội chặn mũi tiến của địch ở phía sườn đồi cao.

Quân địch cậy đông, ồ ạt tiến đánh nhưng bị Trung đội 27, Đại đội 60 xung phong đánh giáp lá cà, đẩy lui quân địch. Sau nhiều đợt giằng co, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu phần lớn quân địch, buộc chúng phải rút lui. Ngay tối hôm đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch gửi điện khen và quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công cho cán bộ chiến sĩ Trung đội 27. Và ngay trong trận đầu tiên tham gia đánh địch ở Điện Biên Phủ, đồng chí Đặng Đình Hồ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Sau trận đánh, Trung đoàn 57 nhận nhiệm vụ đào hào siết chặt vòng vây quanh Hồng Cúm. đồng chí Đặng Đình Hồ trở thành Trung đội phó Trung đội dũng sĩ của Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) nhận nhiệm vụ phối hợp với đại đội bạn đánh sở chỉ huy địch ở khu C.

Từ đêm ngày 23/3/1954, giao thông hào và chiến hào của Trung đoàn 57 đã hình thành một trận địa liên hoàn siết chặt quanh Hồng Cúm, cắt rời cứ điểm này với phân khu trung tâm, chấm dứt việc hạ cánh của máy bay trên đường băng tại Mường Thanh. Quân Pháp nhiều lần định đánh ra đều bị quân ta đánh bật trở lại. Trừ việc chi viện bằng hỏa lực từ xa cho khu trung tâm, những hoạt động khác bằng bộ binh, cơ giới của địch tại Hồng Cúm đều bị quân ta khống chế.

Ngày 30/4/1954, Đại đội 60 của đồng chí Đặng Đình Hồ nhận nhiệm vụ đánh vào mũi chính Hồng Cúm, khu C. Đơn vị của đồng chí vinh dự được nhận lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Trung đoàn trao.

Mở màn Đợt 3 Chiến dịch Điện Biên Phủ, đêm ngày 1/5/1954, cơn mưa đạn pháo của ta đồng loạt trút xuống Hồng Cúm. Các trận địa pháo, các cỡ hỏa lực của đại đoàn tập trung bắn mạnh vào khu sở chỉ huy và khu pháo binh Hồng Cúm của địch. Tiểu đoàn 418 chia làm hai mũi mở cuộc tấn công vào khu C: mũi chính do Đại đội 60 phụ trách đánh vào phía Đông Bắc, mũi phụ đánh vào phía Đông Nam. Trung đội phó Đặng Đình Hồ cùng các chiến sĩ gan dạ, dũng cảm bí mật bám sát hàng rào, phá dây kẽm gai đánh bộc phá mở cửa vào, dùng súng ĐKZ bắn sập hai ụ đại liên của địch. Trong khi đó, trung đội bộc phá của đơn vị bạn đánh mấy chục quả bộc phá nhưng không mở được cửa đột phá, do bãi dây thép gai quá dày, cửa đột phá mở hơi lệch hướng. Hỏa lực của quân Pháp lúc này tập trung bắn vào hướng cửa mở nhằm bịt đường tiến của quân ta. Nhiều chiến sĩ của Tiểu đoàn 418 anh dũng hy sinh. Không chùn bước, các chiến sĩ tiếp tục anh dũng xông lên, quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi.

Trước tình hình đó, Trung đội phó Đặng Đình Hồ đề nghị đại đội cho lên đánh thay nhưng bộc phá hết, phải chờ. Mặc dù bị thương nhưng đồng chí vẫn kiên quyết ở lại chỉ huy đơn vị. Khi bộc phá được đưa lên, đồng chí Đặng Đình Hồ chỉ huy đồng đội đánh cửa mở, phá các lớp rào dây thép gai, tạo điều kiện cho đồng đội xông lên đánh thẳng vào tung thâm*. Tinh thần chiến đấu của đồng chí Đặng Đình Hồ góp phần cổ vũ toàn đơn vị hăng hái chiến đấu. Đến hai giờ sáng, quân ta đã làm chủ gần hết khu C, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 30 tên địch. Số địch còn lại rút vào cố thủ trong các ụ súng và chiến hào cuối cùng dọc bờ sông. Ngày 7/5/1954, toàn bộ quân Pháp ở Hồng Cúm đã ra hàng.

Bên cạnh tinh thần chiến đấu hăng say, lập công xuất sắc, Đặng Đình Hồ còn rất chịu khó học tập, rèn luyện. Tuy bị thương, hỏng mắt phải và tay phải yếu nhưng đồng chí vẫn kiên trì tập bắn bằng tay trái và bắn rất giỏi.

Đồng chí Đặng Đình Hồ đã được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công hạng Nhì và nhiều lần được tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn khen và bầu là Chiến sĩ thi đua của Trung đoàn.

Ngày 7/5/1956, đồng chí Đặng Đình Hồ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

* Đặc biệt, tháng 4/2024, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đình Hồ được thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đặt tên cho một trong 24 tuyến đường mang tên các anh hùng được phong tặng trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

* tung thâm: chiều sâu của trận địa; sâu vào trong; thọc sâu vào (Đại Từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 1749)

[Nguồn: Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002].

Hoàng Yến/TTXVN (tổng hợp)
Tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi
Tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi

Ngày 24/4, Đoàn đại biểu hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã đến dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN