Có lẽ trong lịch sử, cường quốc số một thế giới này chưa khi nào lại phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn đến như vậy với không chỉ 3 cuộc khủng hoảng kép về kinh tế, sức khỏe, phân biệt chủng tộc, mà còn là sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội dẫn tới vụ bạo động trên Điện Capitol ngày 6/1/2021, nơi được coi là biểu tượng tôn nghiêm của nền dân chủ Mỹ. Những sự kiện và biến động lớn này chắc chắn có những tác động và ảnh hưởng không nhỏ tới công việc cũng như cuộc sống của các phóng viên thường trú như chúng tôi.
Tuy nhiên, vấn đề nào cũng luôn có hai mặt của nó và đối với tôi, đây chính là quãng thời gian làm việc tuyệt vời được miêu tả với 5 từ ngắn gọn, đó là “sôi động, thú vị, thách thức, hiệu quả và trải nghiệm nhất” trong suốt hơn 20 năm làm việc tại TTXVN, mà không phải đồng nghiệp ở CQTT ngoài nước cũng may mắn có được. Chỉ trong hơn 3 năm, bản thân tôi tự nhận ra mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, không chỉ trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, công tác quản lý mà cả công tác đối ngoại nhờ sự nỗ lực phấn đấu, học hỏi không ngừng để vượt qua những khó khăn và thử thách.
Nhớ lại năm đầu khi "chân ướt chân ráo" tới Mỹ, tôi dường như bị ngợp trước biển tin tức ở nơi được coi là “rốn thông tin của vũ trụ”, mặc dù cũng đã ý thức trước được điều này cũng như được các lãnh đạo và các đồng nghiệp nhắc nhở. Vốn đã sôi động bởi là cường quốc hàng đầu với tầm ảnh hưởng lớn, bao trùm trên hầu hết các lĩnh vực và khu vực của thế giới, song dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ còn “nóng” hơn bao giờ hết với một loạt những thay đổi đi ngược lại chính sách đối nội và đối ngoại truyền thống cũng như những phát biểu, tuyên bố và hành động “gây sốc” không theo chuẩn mực ngoại giao nào của ông chủ Nhà Trắng.
Sau năm đầu tiên làm việc trong môi trường đầy biến động và khó lường, tôi buộc phải thích nghi, năng động và nhạy bén hơn để nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình, để đưa ra những dự đoán và nhận định về chiều hướng thông tin, quan trọng hơn là phải lên được kế hoạch và sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học để khớp với các bản tin ở nhà do chênh lệch múi giờ. Từ giai đoạn đầu bị “choáng ngợp”, tôi dần quen với áp lực công việc và việc thức tới 2 - 3h sáng đã trở thành chuyện “cơm bữa” khi phải hoàn thành kịp thời những bài viết phân tích sâu ngay sau khi sự kiện diễn ra cho các chuyên mục “Theo dòng thời sự”, “Tiêu điểm trong ngày”, hay chuẩn bị lên hình dẫn hiện trường cho các bản tin thời sự, talk bình luận sâu, phỏng vấn chuyên gia cho chương trình 360 độ hay điểm báo tuần.
Với tôi, năm nào trong nhiệm kỳ công tác tại Mỹ cũng để lại những dấu ấn và kỷ niệm khó quên gắn liền với các sự kiện chính trị quan trọng và nổi bật ở Mỹ. Nói tới năm 2018, tôi không thể không nhắc tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ với việc đảng Cộng hòa cầm quyền thất bại trong việc giữ quyền kiểm soát hạ viện, tạo thế cân bằng trong cơ quan lập pháp Mỹ và có tác động lớn tới các quyết sách của chính quyền Tổng thống Trump.
Lần đầu tiên làm tin bầu cử Mỹ là một trải nghiệm khá thú vị và cũng khá căng thẳng vào những giai đoạn nước rút. Khác với tưởng tượng của tôi rằng các địa điểm bầu cử của Mỹ chắc phải quy mô và hoành tráng, nhưng các điểm bỏ phiếu ở đây được tổ chức thật đơn giản, có khi chỉ là một khu nhà kho hay phòng học và các cử tri có thể ăn mặc thoải mái tại địa điểm bỏ phiếu, đặc biệt khi phỏng vấn thì không bao giờ các cử tri cho biết quan điểm của họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ ai.
2019 cũng là năm sôi động không kém với một sự kiện vô cùng đặc biệt: cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra ở Việt Nam. Ngay sau thông báo chính thức Việt Nam được lựa chọn là nơi diễn ra sự kiện, không chỉ ở trong nước mới hối hả mà CQTT tại Washington cũng “sôi động” từng ngày với khâu chuẩn bị, lên kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp ở Ban biên tập tin Thế giới, TTXVN và Truyền hình Thông tấn. Đó thực sự là thời gian khá vất vả với các cuộc hẹn phỏng vấn chuyên gia, phỏng vấn phóng viên Mỹ sẽ tới Việt Nam để đưa tin sự kiện hay dẫn hiện trường, nhận định về khả năng đạt được thỏa thuận lúc nửa đêm hay sáng sớm khi nhiệt độ xuống âm độ.
Đây cũng là năm có nhiều chuyến thăm và làm việc nhất giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ. Chính vì vậy, việc có mặt tại các cơ quan Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng hay Bộ Tài chính Mỹ cũng là công việc thường xuyên của tôi cũng như các anh em phóng viên khác. Đó cũng là những lần đi làm tin căng thẳng và vất vả với các cuộc kiểm tra an ninh khắt khe, thủ tục và quy định phức tạp, hay phải chạy hối hả, len lỏi giữa các phóng viên của các hãng báo chí khác.
Bước vào năm 2020, tôi và anh em CQTT cũng chuẩn bị tâm thế “chiến đấu” trong sự kiện chính trị được cho là quan trọng và nổi bật nhất diễn ra 4 năm một lần ở cường quốc này - cuộc bầu cử tổng thống - với các kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết cho các chuyến đi tới những điểm tranh luận trực tiếp của các ứng cử viên hai đảng, cuộc bầu cử sơ bộ, đại hội của hai đảng, các cuộc tranh luận chính thức đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống cuối cùng, rồi các ngày bầu cử quan trọng như ngày ‘Siêu thứ Ba”.
Thế rồi, đại dịch COVID-19 xảy ra khiến nước Mỹ nhanh chóng bị nhấn chìm trong cuộc khủng hoảng y tế trước sự bất ngờ và bàng hoàng của thế giới. Mỹ ghi nhận số người mắc và tử vong vì COVID-19 hằng ngày tăng với tốc độ chóng mặt, trở thành tâm dịch của thế giới. Vào thời điểm đó, nhiều lúc tôi cứ nghĩ hay mình đang mơ, tuy nhiên giấc mơ đó lại có thật, đang hiện hữu trước mắt với nhiều nguy cơ và thách thức. Bản thân tôi, các phóng viên ở địa bàn cũng không thể tin nổi Mỹ có lúc lại rơi vào tình cảnh “khốn khó” đến vậy, khi các siêu thị và cửa hàng đều không có nước uống, khẩu trang, nước rửa tay khô, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh cho người dân trong những tháng đầu đại dịch bùng phát.
Với tôi, đó không chỉ là những khó khăn và thách thức về mặt tâm lý và tinh thần mà cả về trách nhiệm với công việc cũng như trách nhiệm đối với người thân, đồng nghiệp và với cộng đồng nơi mình đang sinh sống. Lúc đó, điều quan trọng nhất tôi xác định được chính là cần phải giữ vững niềm tin vượt qua đại dịch và phải nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và cho tới thời điểm này, tôi và anh em cơ quan thường trú tự hào khẳng định, chúng tôi đã làm được.
Chắc chắn rằng, 2020 sẽ là một năm không thể nào quên với người dân Mỹ bởi đại dịch COVID-19 đã khiến nước Mỹ phải trải qua những khoảnh khắc đau thương khi hàng trăm nghìn người tử vong, rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ cuộc Đại suy thoái, phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sắc tộc với những cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra trong một thời gian dài trên hầu hết các thành phố, và kết thúc bằng bầu cử tổng thống gây tranh cãi cùng với vụ bạo loạn chết người tại Điện Capital. Còn với chúng tôi, đó cũng chính là quãng thời gian đi cùng nước Mỹ qua các sự kiện đó. Mỗi hình ảnh, bài viết gửi về không chỉ phản ánh sự kiện diễn ra, mà trong đó còn có tình yêu, trách nhiệm, nhiệt huyết và trải nghiệm của người phóng viên tại địa bàn.
Vất vả với công việc là vậy, nhưng không phải phóng viên chúng tôi không có những trải nghiệm thú vị khi được khám phá văn hóa, cuộc sống, con người và phong cảnh nước Mỹ. Sẽ là những khoảnh khắc tuyệt vời không thể quên khi được hòa cùng người dân đổ về khu trung tâm của thủ đô với những tiếng còi xe bấm theo nhạc để ăn mừng chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống, là cảm giác phiêu lưu và mạo hiểm khi đi trên những cung đường dài hàng trăm km chỉ có cánh đồng đá mà không có một trạm xăng nào hay phải đi nhờ trên chiếc xe container của lái xe đường dài bắt trên đường, là cảm xúc thật ấm áp khi nhận được sự giúp đỡ tận tình của người dân Mỹ trong mọi hoàn cảnh… Đối với tôi, thế đã là đủ để cảm thấy thật may mắn và có động lực để tiếp tục nỗ lực và cống hiến không ngừng cho dòng tin thông tấn.