Trụ sở Hội Hữu nghị Việt Nam - LB Nga tại thủ đô Moskva là nơi cựu kỹ sư hàng không Vyacheslav Belov hay lui tới với người bạn Evghenhi Glazunov, Chủ tịch danh dự của Hội) dù ông chưa một ngày là thành viên của Hội. Cũng ít ai trong số những người Việt Nam tại LB Nga biết được rằng có một người kỹ sư dân sự Nga vẫn đang ngày đêm đau đáu nghĩ về an ninh cho đất nước châu Á xa xôi vốn đã trải qua hết mọi cấp độ mất mát do chiến tranh.
Năm 1974, chiến tranh tại Việt Nam bước vào giai đoạn hết sức cam go. Anh kỹ sư Vyacheslap Belov vừa tốt nghiệp Học viện hàng không dân sự Moskva nhận được thư mời của Cơ quan xuất khẩu vũ khí của Liên Xô lúc bấy giờ. Sau những phỏng vấn và kiểm tra năng lực anh được nhận vào làm việc tại tổ chức này, lúc đó anh mới hay mình sẽ tham gia vào dự án tìm kiếm và cung cấp vũ khí cho Việt Nam để đảm bảo cho đất nước hình chữ S giành được toàn thắng trong cuộc chiến tranh chia cắt đất nước.
Sau 45 năm, mọi quy trình vẫn còn in đậm nét trong ký ức của ông tuy nhiều điều không được tiết lộ. Ông kể: “Lúc đó chiến tranh Việt Nam đang rất khốc liệt. Liên Xô đặt ra nhiệm vụ phải giúp Việt Nam kết thúc được cuộc chiến, giành thắng lợi và thống nhất đất nước. Mọi sự giúp đỡ đều là giúp đỡ không hoàn lại”. Mỗi một nhu cầu, đề nghị về vũ khí, trang thiết bị quốc phòng, chuyên gia của Việt Nam sau khi được chuyển tới Bộ Quốc phòng Liên Xô đều được xếp vị trí ưu tiên số một.
Cựu kỹ sư hàng không Vyacheslav Belov. |
Các quyết định được đưa ra dựa vào đánh giá, đề xuất của nhóm chuyên gia rồi được xử lý ở tốc độ nhanh nhất. Chính vì vậy, nhóm chuyên gia của ông được cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình vũ khí của Việt Nam, về cán cân lực lượng trên chiến trường, đặc biệt nữa là các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô còn nắm được điều kiện khí hậu cũng như nhân lực của Việt Nam, thông tin tưởng như không liên quan song lại có vai trò không nhỏ trong việc giới thiệu được loại vũ khí phù hợp.
Hỏi ông về ấn tượng mạnh nhất về Việt Nam thời đó, ông nói: “Những báo cáo từ Việt Nam rất cụ thể và chi tiết, và tôi ấn tượng đến mức sửng sốt về ý chí của các phi công Việt Nam. Trong báo cáo nêu rõ, họ luôn đề nghị: “Hãy để chúng tôi tự làm chủ (máy bay), hãy để chúng tôi tự (chiến đấu). Thật sự chúng tôi biết do điều kiện chiến tranh không phải tất cả đều được đào tạo bài bản và đầy đủ thời gian, nhất là trong lĩnh vực không quân phức tạp và nhiều rủi ro, nhưng họ không hề nản chí hay ỷ lại vào các chuyên gia. Họ đã nỗ lực đến 200% sức mình để đáp ứng nhiệm vụ”.
Sau Việt Nam, ông Belov tiếp tục tham gia các dự án tương tự cho các nước khác, song ấn tượng đó đã không hề phai nhạt. Vì vậy ông không bất ngờ khi nhận được đề nghị lần thứ hai từ Việt Nam. Năm 2002 các kỹ sư bây giờ là của nước Nga là những người được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tìm đến cho dự án xây dựng tàu điện ngầm. Kỹ sư Belov một lần nữa đóng góp phần mình cho đất nước đã thay da đổi thịt hoàn toàn sau chiến tranh, đã đạt rất nhiều thành tựu trong xây dựng kinh tế, phát triển xã hội.
Một lần nữa dự án cho Việt Nam lại được nghiên cứu, giám định, đánh giá ở cấp chuyên gia cao nhất, kỹ lưỡng nhất, có trách nhiệm nhất, như cái cách mà những người bạn thủy chung luôn dành cho nhau. Dự án đó vướng nhiều điều kiện nên không được triển khai. Song kỹ sư Belov vẫn tin tưởng rằng, chỉ cần một quyết định, dự án có thể được khôi phục và thực hiện thành công.
Lần thứ ba, đã vào thời đất nước phát triển hiện đại, ông Belov tự mình có một “dự án” cho Việt Nam. Dự án có tên gọi “Hệ thống phòng thủ trên không và trên biển cho các vùng duyên hải”, kết hợp toàn bộ những kiến thức kỹ thuật và quốc phòng, những số liệu chính thức mà ông tích lũy suốt cuộc đời tham gia dự án quốc phòng cho các nước bạn.
Với người ngoại đạo như tôi, ông say sưa dùng bút giấy vẽ và giải thích giản dị: “Một hệ thống tư động ghi nhận mọi di biến động dưới mặt nước và trên không gian tạo thành một “bầu trời” bảo vệ thứ hai trùm lên toàn bộ hơn 3000 km chiều dài bờ biển cùng các vùng lãnh hải, nội thủy và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hệ thống đó giúp Việt Nam hoàn toàn làm chủ tình thế trên biển, dưới lòng nước và trong không gian trong trường hợp có nguy cơ đe dọa”.
Hệ thống phòng thủ tương tự đã có nhiều trên thế giới, song hệ thống ông đề xuất không bao hàm một sự trang bị hoàn toàn mới rất tốn kém, nó tận dụng tất cả những thành tố có sẵn, và chỉ bổ sung những thành tố mới.
Ông nói: “Trong lịch sử Việt Nam chưa từng tấn công ai và luôn yêu chuộng hòa bình. Song vì là nước nhỏ, lại nằm ở vị trí địa lý chiến lược nên cần có một sự bảo vệ an toàn cho mình, sự bảo vệ mang tính chất ngăn ngừa mọi đe dọa”. Với tâm nguyện ấy, ông chỉ mong dự án đến được tay những người có trách nhiệm, để có thể được sử dụng hữu ích. Ông tâm sự: “Tôi không phải nhà Việt Nam học, đến thành viên Hội Hữu nghị cũng không phải. Song tôi là người thực tế. Việt Nam đã đến với tôi một lần và từ đó tôi muốn giúp Việt Nam bằng công việc thực. Tôi chỉ đến với Việt Nam khi tôi có ích cho các bạn”.