Khi ngồi ôn lại với chúng tôi câu chuyện của mình, ông Trần Ngọc Phúc, một nhà phát minh nổi tiếng của Việt Nam tại Nhật Bản và đồng thời là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, nhiệm kỳ 2017 - 2020, nói rằng hàng chục năm bươn chải tại Nhật Bản mang rất nhiều kỷ niệm với ông, từ những ngày khủng hoảng, mất phương hướng, những ngày đầu đơn thương độc mã lập nghiệp xứ người, những quả ngọt sau những năm tháng bền bỉ và ý chí...
Những hạt mầm nhân sinh Vào những năm 1950 - 1960, khi đất nước liên tục biến động, gia đình của ông Trần Ngọc Phúc cũng phải gánh chịu những cơn sóng lớn. Mặc dù còn nhỏ, song cậu bé Trần Ngọc Phúc đã cảm nhận được những thử thách khắc nghiệt mà cha mẹ của cậu đang phải chèo chống để bảo vệ gia đình. Thế nhưng, cho dù các thử thách có khắc nghiệt đến đâu, cha và mẹ cậu chưa bao giờ từ bỏ sự thiện lương, sự kiên cường và lòng tự trọng của những con người xuất thân từ những gia đình gia phong, nề nếp.
Ông Trần Ngọc Phúc trò chuyện cùng phóng viên TTXVN. |
Phải chăng chính những tháng ngày gian khó đó, những hạt mầm làm người đầu tiên đã được ươm vào trí óc của cậu bé Trần Ngọc Phúc. Năm 1968, chàng thanh niên 21 tuổi Trần Ngọc Phúc sang Nhật Bản du học tự túc. Lý do để ông sang xứ sở Mặt trời mọc rất giản dị.
Vốn là gia đình Phật tử xứ Huế, nơi có cụ Phan Bội Châu với phong trào Đông Du đầu thế kỷ 20, Nhật Bản trở nên quen thuộc với gia đình ông khi thường xuyên được các sư thầy giới thiệu. Từ các mối quan hệ gia đình, ông lên đường sang Nhật Bản. Thử thách lớn nhất của ông Trần Ngọc Phúc cũng như các du học sinh Việt Nam khác tại Nhật Bản là ngôn ngữ.
Tuy nhiên, ngôn ngữ cũng như những khó khăn khác đã không làm nản chí cậu thanh niên Trần Ngọc Phúc, người vốn coi đó là những điều đương nhiên phải đối mặt khi đi du học. Điều quan trọng nhất là ông vẫn được cha mẹ hỗ trợ, tạo cho ông điều kiện sống tốt nhất để ông chỉ việc tập trung trau dồi kiến thức. Sự thay đổi số phận của đất nước một lần nữa đã làm thay đổi số phận của gia đình ông Trần Ngọc Phúc.
Giải phóng đất nước năm 1975, Chiến tranh Lạnh và Việt Nam bị áp đặt cấm vận đã khiến cho các du học sinh miền Nam trước 1975 bị mất liên lạc hoàn toàn với gia đình. Nếu như trước kia, mọi sóng gió đều do cha và mẹ gánh chịu thì giờ đây, lần đầu tiên cậu thanh niên Trần Ngọc Phúc phải trực tiếp đối mặt với thử thách.
Từ một công tử với một cuộc sống an nhàn, trong phút chốc, cậu thanh niên Trần Ngọc Phúc rơi vào tình cảnh mất phương hướng khi không còn liên lạc được với cha mẹ, những người đã luôn bảo vệ và vạch sẵn đường đi tương lai cho cậu. Thế nhưng, bản lĩnh của một thanh niên xuất thân từ một gia đình có bề dày nề nếp gia phong không cho phép cậu bi lụy quá lâu về biến cố của cuộc đời.
Sáng tạo từ con số 0 Sau một thời gian chới với trong khủng hoảng, ông quyết định đứng dậy, trở lại hãng Senko Medical Instrument Manufacturing, nơi ông được trường phân công thực tập, để tiếp tục làm việc. Nếu trước kia ông an tâm với bệ đỡ là gia đình, là cha mẹ, thì giờ đây ông phải tự tạo bệ đỡ cho mình.
Khó khăn càng lớn hơn khi ông phải khẳng định mình tại một quốc gia có nền văn hóa không cởi mở với người nước ngoài. Ông vẫn được tạo điều kiện tiếp tục làm việc tại hãng, vẫn được phép tiến hành các nghiên cứu song vì là người nước ngoài, ông phải tự làm một mình. Để khẳng định được mình tại một đất nước xa lạ, ông quyết định tạo cho mình một con đường riêng, đó là đi vào lĩnh vực mà Nhật Bản chưa có.
Nếu thành công, ông sẽ là người tiên phong, đứng đầu. Sau thời gian thực tập tại các bệnh viện, ông nhận ra rằng Nhật Bản không phát triển sản xuất máy hô hấp nhân tạo do đặc thù của loại máy này là độ rủi ro cao trong khi Nhật Bản ưu tiên tính chất an toàn. Ông quyết định bắt tay vào lĩnh vực này. Ông Trần Ngọc Phúc phải tự đảm nhận một khối lượng công việc khổng lồ với các kiến thức về đủ các lĩnh vực như cơ khí, hàn, tiện, thiết kế...
Không chỉ như vậy, cùng với những người Nhật có thái độ thân thiện, vẫn có những người Nhật tỏ rõ sự xa lánh. Khó khăn không nản, bị xa lánh cũng không thu mình, ông vẫn tươi cười mở lòng với tất cả mọi người. Sự chân tình và cởi mở đó đã giúp ông có thêm nhiều người bạn Nhật thân thiết, cùng ông khai phá một lĩnh vực hoàn toàn mới tại Nhật Bản.
HFO - Ước mơ đem điều tốt đẹp đến cho nhân loại Từ những năm tháng thực tập tại các bệnh viện, ông Phúc đã có ước mơ về những điều tốt đẹp cho sự sống của con người. Chứng kiến những trẻ sơ sinh thiếu tháng tử vong do không thể hô hấp, ông đã mong muốn chế ra một chiếc máy phù hợp với lá phổi mỏng manh của các cháu bé.
Không chỉ cứu người, một giá trị nữa mà ông Phúc mong muốn là cố gắng đem lại một cuộc sống khỏe mạnh, không di chứng cho những trẻ được cứu sống. Vào thời điểm đó, nếu dùng máy trợ thở, trẻ sơ sinh thiếu tháng sẽ được tăng lượng ôxy đưa vào phổi, tuy nhiên, lượng ôxy nếu vượt quá mức cho phép sẽ gây biến chứng mù mắt.
Năm 1984, ông Trần Ngọc Phúc đã thành lập Công ty Metran Co.Ltd để tập trung nghiên cứu và phát minh chiếc máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số HFO (High Frequency Oscillatory Ventilation) đầu tiên dành cho trẻ sinh thiếu tháng. Chiếc máy thở do ông Trần Ngọc Phúc sáng chế, hoạt động với nguyên tắc rung nhẹ từ 900 - 1.500 lần/phút để đưa không khí thấm dần vào các phế nang của phổi.
Ông Trần Ngọc Phúc kiểm tra một máy trợ thở đã được lắp ráp hoàn chỉnh. |
Không chỉ giúp nâng cao tỷ lệ cứu sống trẻ sinh non, máy HFO còn được đánh giá cao vì đã giải quyết được vấn đề không biến chứng về sau đối với trẻ. Máy HFO liên tục được Metran cải tiến và nâng cấp. Từ phiên bản đầu tiên khá cồng kềnh và nặng, máy HFO hiện nay của Metran gọn nhẹ và hiện đại, được trang bị bảng điều khiển điện tử.
Máy HFO do Metran sản xuất được xác nhận đã cứu sống hàng nghìn trẻ sinh non tại Nhật Bản. Cho đến thời điểm này, 90% các bệnh viện, trung tâm y tế lớn của Nhật Bản trang bị máy HFO của ông Trần Ngọc Phúc. Máy cũng đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới.
Câu chuyện chiếc máy HFO của một doanh nhân gốc Việt giúp hồi sinh cho hàng nghìn trẻ sinh thiếu tháng tại Nhật Bản đã đem lại cho ông Trần Ngọc Phúc một vinh dự vô cùng lớn lao. Đó là chuyến thăm hồi tháng 7/2012 của Nhà Vua Nhật Bản.