Tham dự chương trình này, lần đầu tiên có sự tham dự của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Phó Thủ tướng Thường trực Men Sam An, Phó Thủ tướng Yim Chhayly, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Im Chhun Lim, nhiều bộ trưởng, thứ trưởng, cùng với khoảng 600 quan khách, trong đó có lãnh đạo một số cơ quan Chính phủ Campuchia, Tỉnh trưởng và Lãnh đạo các tỉnh biên giới và một số địa phương của Việt Nam và Campuchia, lãnh đạo Quân khu 7 và Quân khu 9, Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia Kith Meng, đông đảo cộng đồng người Việt và doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh nhấn mạnh, trong năm 2019, quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Campuchia có những bước phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực kinh tế, quốc phòng - an ninh, văn hóa - giáo dục và giao lưu nhân dân. Đặc biệt, sự phát triển ngoạn mục trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương là điểm sáng nhất trong năm qua.
Theo thông tin từ VBCC, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia năm 2019 đạt 5,26 tỷ USD, tăng 11,9% so năm 2018, vượt chỉ tiêu và đạt mục tiêu 5 tỷ USD. Hoạt động đầu tư của Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, ngân hàng, viễn thông - công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, chế biến - chế tạo… Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia không chỉ thành công về mặt tài chính cho doanh nghiệp mà đã đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế và công tác an sinh xã hội của nước bạn.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Hun Sen chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là việc ký các Hiệp định Tự do thương mại và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Thủ tướng Hun Sen cho rằng việc ký các hiệp định nói trên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho Việt Nam mà còn mang lại những thành quả cho các nước láng giềng trong khu vực, trong đó có Campuchia thông qua các kênh thương mại, đầu tư và du lịch.
Sau khi sự kiện bàn giao Dự án Chợ Đa tại tỉnh biên giới Tboung Khmum giáp tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) trị giá gần 2 triệu USD từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Campuchia, Thủ tướng Hun Sen khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển đặc khu kinh tế dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, bổ sung cho các đặc khu kinh tế hiện có tại thành phố Bavet (Campuchia) cũng như thúc đẩy biên mậu của nhân dân hai nước.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh rằng những thành tựu tuyệt vời mà Campuchia có được trong thời gian qua không thể tách rời khỏi sự tham gia tích cực từ nhà đầu tư Việt Nam.
Sau sự kiện Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - Campuchia vào tháng 10/2019, Thủ tướng Hun Sen đã đề nghị thiết lập cơ chế đối thoại giữa đại diện cơ quan nhà nước Campuchia với đại diện doanh nghiệp Việt Nam, trong đó Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) và Đại sứ Việt Nam sẽ đồng chủ trì các cuộc thảo luận, nỗ lực giải quyết các vấn đề mà các dự án đó có thể gặp phải trong quá trình triển khai trên thực tế.
Theo số liệu của CDC trong lĩnh vực đầu tư, trong giai đoạn 1994 - 2019, Campuchia đã cấp phép cho 85 dự án đầu tư của các công ty Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD. Ngoài các dự án đăng ký tại CDC, còn có rất nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực khác như ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ, mua bán sỉ - lẻ…
Đối với lĩnh vực du lịch, trong số khách du lịch nước ngoài tới tham quan Campuchia, khách du lịch Việt Nam đứng thứ 2. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2019, có 720.000 lượt khách du lịch Việt Nam đến Campuchia, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018.