Một ngày giáp Tết Nhâm Thìn, tôi cùng đoàn cán bộ Sứ quán Việt Nam tại Anh vượt gần 300 km để đến thăm hỏi, động viên và mang quà Tết cho những tù nhân Việt Nam đang bị giam ở một số nhà tù của Anh.
Trời gió lạnh và mưa nặng hạt suốt trên đường chúng tôi đi đến nhà tù HMP Hewell tại Birmingham, miền trung nước Anh. HMP Hewell là nhà tù dành cho nam giới. Trong tổng số hơn 1.000 tù nhân ở đây, có 9 người Việt Nam đang thụ án.
Nhà tù HMP Hewell tại Birmingham, miền trung nước Anh. Ảnh: Internet |
Sau gần chục lần mở và đóng các lớp cửa thì người cán bộ nhà tù đưa chúng tôi vào một phòng rộng, trong đó các tù nhân Việt Nam đã ngồi chờ sẵn. Nhìn những gương mặt xanh xao và gặp mặt họ ở nơi xa quê hương hàng ngàn dặm, vào thời khắc mùa xuân mới sắp về, lòng tôi bỗng chùng xuống.
- “Em tên gì, quê ở đâu? Bị bắt vào đây lâu chưa?”, tôi hỏi. - “Dạ, em sinh năm 1981, quê ở miền Trung. Em đã vào tù được 8 tháng rồi". - “Em tên T., sinh năm 1975, quê miền Trung. Em bị bắt lại vào tù đây là lần thứ hai rồi”.
Chín tù nhân, người nhiều tuổi nhất là 52 và ít tuổi nhất là 21, mỗi người một hoàn cảnh gia đình nhưng đều có những điểm chung: Phải đóng một số tiền không hề nhỏ (trung bình 500 triệu đồng Việt Nam) cho đường dây đưa người nhập cư trái phép vào Anh; đều phải đưa lại toàn bộ giấy tờ tùy thân cho những người tổ chức đường dây và đều hy vọng kiếm được nhiều tiền một cách nhanh chóng như trong những câu chuyện được truyền tai nhau.
“Sắp Tết rồi. Thế các em đã gọi điện thoại về nhà cho người thân chưa? Các em có nhớ những giây phút đón Tết với gia đình ở quê nhà không?”, tôi lại hỏi.
“Em gọi rồi, nhưng không dám nói với vợ con là mình đang bị ở tù. Nợ nhiều tiền như em thì không dám nhớ Tết gì hết cả. Bây giờ nếu em về Việt Nam thì không biết lấy tiền ở đâu ra để trả nợ”. T. trả lời và nói rằng khi đi sang đây, gia đình đã phải thế chấp "sổ đỏ" để có đủ số tiền nộp là 27.000 USD, với hy vọng sau vài năm trả hết nợ và có thể để dành tiền gửi về giúp đỡ gia đình.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp Anh, hiện có 472 người Việt Nam, đa số là nam giới và gần 40 nữ, bị giam giữ trong các nhà tù của Anh, trong đó khoảng 90% bị kết án vì các tội trồng, vận chuyển, buôn bán cần sa với mức án từ 1-4 năm và sau khi mãn hạn tù sẽ bị trục xuất về nước theo tinh thần một bản ghi nhớ mà hai nước đã ký.
Tù nhân C., người Hà Nội, cho biết mới bị bắt vài tuần sau khi sang Anh được 5 tháng. “Lúc ở nhà nghe bạn bè nói rằng sang Anh làm ăn sẽ dễ dàng trở nên giàu có nhanh chóng nên tôi cũng muốn thử đi xem sao. Sang đây rồi mới thấy cuộc sống đi trồng cần sa thuê đầy bất trắc, nguy hiểm. Vì mình không có giấy tờ tùy thân, chỉ làm việc chui lủi, bất hợp pháp, có khi còn là đối tượng bị cướp bóc nữa. Thực tế không sung sướng gì và chỉ mong ngày quay trở về Việt Nam”, C. nói.
Chúng tôi được đưa đến thăm buồng ở của tù nhân Việt Nam, mỗi buồng nhỏ hai người ở, có tivi và nhà vệ sinh khép kín. Đằng sau cánh cửa sắt nặng trĩu và chỉ mở ra theo một số giờ nhất định, những người tù chỉ còn nối với thế giới bên ngoài qua chiếc tivi nhỏ và những bức ảnh các cô gái trẻ treo kín tường, không biết có giúp được họ vơi đi nỗi khát khao cháy bỏng cuộc sống tự do đời thường.
Từ nhà tù HMP Hewell ở Birmingham, đoàn chúng tôi đi hơn 100 km đến nhà tù HMP Eastwood Park, hạt Gloucetershire, tây nam nước Anh, nơi có 6 tù nhân nữ Việt Nam đang bị giam giữ.
Đa số các tù nhân nữ còn rất trẻ, xinh xắn và nhanh nhẹn, hoạt bát. Nếu không gặp các em trong chốn này thì sẽ tưởng rằng họ là những học sinh ngoan ngoãn hoặc những công nhân lành nghề trong một nhà máy nào đó.
Cả sáu tù nhân đều ra đi từ một tỉnh miền Trung nghèo khó. Cũng giống như các tù nhân nam giới, họ được nghe kể về nhiều người làm giàu nhanh chóng khi sang Anh. Do vậy họ cùng gia đình lo chạy vạy cho đủ số tiền phải đóng để được đưa sang Anh làm việc.
Khác với những tù nhân nam ít nói về hành trình từ Việt Nam sang đến Anh, nét mặt các tù nhân nữ vẫn hiện rõ sự kinh hoàng khi họ nhớ lại hành trình kéo dài mấy tháng trời mới đến được “xứ sở sương mù”. Và trong những ngày tháng xuyên rừng hoặc trốn trên những chiếc xe thùng bịt kín, họ đã là nạn nhân của biết bao những chuyện đau lòng thường xảy ra với những cô gái trẻ thân gái dặm trường…
Các tù nhân nữ trong nhà tù này cũng đều bị bắt về tội trồng cần sa thuê. Tù nhân H. hiện đã bị giam 7 tháng trong tù, cho biết càng đến Tết càng nhớ nhà, nhất là cậu con trai 8 tuổi đang ở nhà với ông bà. Các tù nhân nữ cố gắng gọi điện thoại về nhà vào những ngày cuối tuần để tiết kiệm tiền hơn và có như vậy mới nói chuyện được với gia đình lâu hơn.
Các tù nhân nữ Việt Nam cho biết họ chịu khó nhận làm lao động nhẹ nhàng như làm vườn để có thêm tiền chi tiêu (10 bảng/tuần) và để có cơ hội được ra ngoài trời hít thở chút không khí tự do.
Trong số 6 nữ tù nhân có hai người khai còn tuổi vị thành niên nên khi tiếp xúc với bên ngoài, kể cả với đoàn của Sứ quán, có luật sư giám hộ của Cơ quan Di trú Anh tham dự.
Khi biết đoàn cán bộ Sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ailen, do Đại sứ Vũ Quang Minh dẫn đầu đến thăm hỏi và mang chút quà Tết hương vị quê hương, các tù nhân đã hét lên vui sướng, nâng niu những chiếc bánh chưng, gói giò và những trang báo tiếng Việt mà đã lâu lắm rồi họ không được đọc.
Những nữ tù bịn rịn khi đến giờ chia tay, và xin được ôm hôn tạm biệt đoàn chúng tôi. Tôi không quên được câu nói chất đầy nỗi niềm của chị N. với Đại sứ Vũ Quang Minh và cán bộ phụ trách cộng đồng Bùi Đức Minh: “Xin được ôm hôn các anh thêm một lần nữa vì lâu lắm rồi không có hơi ấm của đàn ông”.
Các tù nhân được đưa trở lại buồng giam. Đi xa rồi tôi vẫn thấy họ cố vẫy tay chào, như muốn lưu lại chút hơi ấm tình người của quê hương.
Xin gửi đến những người mẹ, người chồng, người vợ ở quê nhà của những người tù này, và những ai đang có ý định vào Anh bất hợp pháp, hãy tỉnh táo hơn trước những lời dụ dỗ và ham muốn kiếm được nhiều tiền nhanh chóng của người thân để giúp họ tránh phải đổi lấy những ngày tháng bị giam cầm và không có tương lai.
Ngân Bình (P/v TTXVN tại Anh)