Nguyễn Thị Hương (đầu tiên hàng trên) trong tiết mục văn nghệ của “chuyền” mình. |
Không khí náo nức bận rộn chuẩn bị đón Tết cổ truyền đã về khắp mọi nơi tại Việt Nam, dẫu ngày nay đã đơn giản đi nhiều song hương vị truyền thống với bánh chưng xanh, hoa đào và tâm trạng khép lại năm cũ, chuẩn bị năng lượng và ấp ủ dự định cho năm mới vẫn lan tỏa đến từng người.
Khi ở xa Tổ quốc, nơi ngày Tết truyền thống chỉ hiện diện trong cộng đồng thì tâm thế ấy trở nên đằm nét hơn, chuẩn bị ấy công phu hơn, và sự gắn kết trở nên trân quý hơn. Với những người Việt Nam đang lao động và sinh sống ở Nga thì việc tổ chức Tết phụ thuộc rất nhiều vào công việc làm ăn trong năm cũ, để ngày lễ là một dịp thực hiện các lễ tục truyền thống, và còn là dịp để làm phong phú thêm đời sống, tiếp thêm năng lượng tinh thần cho những người xa xứ nhiều thế hệ.
Tết một nhàTôi đến xưởng may ở tỉnh Vladimir vào ngày nghỉ đầu tiên của dịp lễ. Nằm cách thủ đô 150 km, xưởng được đặt trong một tòa nhà 3 tầng cũ, một tầng là nơi ăn ở của 120 công nhân may đến từ rất nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Phòng sinh hoạt chung được chọn làm nơi tổ chức cuộc thi văn nghệ Đón Xuân.
Năm nay là năm thứ hai công ty tổ chức thi văn nghệ với phương châm cây nhà lá vườn, nhớ về quê hương và động viên tinh thần đoàn kết trong toàn xưởng. 5 dây chuyền trong xưởng tự chọn tiết mục, tùy thuộc vào “cây văn nghệ” trong chuyền.
Do điều kiện làm việc tại tỉnh nhỏ, sống biệt lập và thời gian bận rộn nên hỗ trợ các khâu từ chọn và may trang phục, biên đạo múa, đạo cụ, kịch bản... cho các thanh niên tuổi đôi mươi chưa một lần đứng trước đám đông này lại chính là… Internet.
Những bộ váy may từ vải lót của áo khoác, sản phẩm của xưởng trong mùa đông năm nay, cũng khiến tôi phải ngỡ ngàng và thốt lên lời khen với cô bé thiết kế Lã Thị Thúy Vân và cũng là kỹ thuật viên chính của xưởng, chịu trách nhiệm dựng tất cả các mẫu mã hàng may của công ty.
Vân quê ở Thanh Trì, đã làm việc tại đây 6 năm và được xem như “đàn chị” của những lứa công nhân được tăng thêm hàng năm. Vân kể, văn nghệ vui vẻ nhưng các bạn trẻ cũng rất chú ý đến ý nghĩa của nó. Năm 2015, trang phục văn nghệ được thiết kế từ những phế liệu của xưởng: giấy bọc cúc, bao bì nilon với ý nghĩa tận dụng và tiết kiệm trong điều kiện khủng hoảng. Còn năm nay, giải nhất trình diễn thời trang được trao cho bộ trang phục mang mã số là mã hàng bán “chạy” nhất mùa!
Chuẩn bị để nghe những bài nhạc trẻ, hiện đại nên tôi thực sự ngạc nhiên khi xem tiết mục múa Tiếng đàn Ta Lư. Cô thợ may tên Hương ngồi cạnh nói: “Tết mà chị, phải có chất quê hương chứ!”. Hai vợ chồng Hương đã làm việc 5 năm tại xưởng, dù rất nhớ cô con gái nhỏ gửi ông bà ở quê nhà Nghệ An song mức lương hơn 2.000 USD gửi về nhà hàng tháng đủ để hai vợ chồng yên tâm chăm chỉ làm việc, tích lũy cho tương lai. Chỉ sang bạn ngồi cạnh, Hương nói: “Đây là Hường, nó mới sang hai tháng mà lương đã được 700 USD đấy chị ạ!”.Nhờ có kinh nghiệm 10 làm may tại Việt Nam nên Hường kết thúc thời gian học việc rất nhanh để làm thợ chính với mức lương cao.
Bên cánh gà, anh Ngô Văn Bình, tổ trưởng chuyền 5, người thường được các công nhân gọi là “thầy”, nói cho tôi biết các tiết mục được giữ kín giữa các tổ với nhau để hồi hộp đến phút chót. Anh Bình quê ở Hưng Yên, bỏ lại sau năm 16 năm làm việc tại một nhà máy của Tổng công ty Dệt May Việt Nam để gắn bó với xưởng đã 8 năm. Anh cười vui giải thích vì hay hướng dẫn và cả dạy nghề cho các công nhân mới, từ đó mà có biệt danh là “thầy”.
Anh Bình cho biết, sống với nhau như một gia đình, năm nay, sau ba năm anh được về Việt Nam đón Tết, nền giờ đây lo tổ chức tất niên cho các em trong “chuyền” song anh không khỏi chộn rộn hình dung ra một Giao thừa quây quần ấm cúng đang chờ đợi anh ở quê nhà.
Trong lúc này công ty cũng đã đặt mua lá dong, gạo nếp, đỗ xanh từ Việt Nam để đến ngày Ông Công Ông Táo sẽ tổ chức gói bánh chưng và luộc ngay tại sân xưởng, để trọn vẹn một cái Tết cổ truyền cho những người con xa xứ. Sau khi giới thiệu anh họ và em trai ruột cùng làm trong xưởng, cô bé Hường nói vui với tôi: “Tết này nhà em vẫn đủ một mâm chị ạ!”
Tết từ thiệnHoạt động này chủ yếu phổ biến trong giới tiểu thương, buôn bán ở chợ. Nhiều người nay đã thành công, làm chủ các công ty lớn, công việc đã có nhân viên phụ giúp nên dư dả thời gian. Tại Nga, các em nhỏ mồ côi, hoặc cha mẹ bị tước quyền làm cha mẹ, thường được nhà nước nuôi dưỡng trong các nhà trẻ đến năm 18 tuổi. Vì vậy đây chính là địa chỉ được các anh chị chọn để giúp đỡ.
Chị Bùi Thị Quyên và con gái Chu Đăng Khoa trong chuyến đi từ thiện tại trường nội trú số 8 ở thành phố Moskva. |
Các anh chị có lợi thế khi sẵn có nguồn hàng đóng góp từ chính sản phẩm mình kinh doanh: quần áo, giày dép, thực phẩm... Do địa bàn rộng nên thường hoạt động từ thiện được giới hạn trong một nhóm bạn chơi với nhau, rủ nhau cùng đi.
Thông qua người quản lý, các cô nuôi dạy trẻ và các cô giáo, các anh chị nắm bắt được nhu cầu của các em, của nhà trẻ, từ đó kêu gọi quyên góp cho cho phù hợp. Sau một vài chuyến thăm, các cô bác người Việt Nam đã trở thành những người khách quen, thành người nhà của em mồ côi.
Chị Bùi Thị Quyên, chủ công ty BL’Amour chuyên kinh doanh trang phục lót của nữ, một trong những “từ thiện viên” và vị khách quen của trường nội trú số 8 thủ đô Moskva. Chị nói, cứ khi nào gom đủ được một số lượng hàng đáng kể thì chị lại mang đến trường. Song vào dịp cuối năm, khi các gia đình đều đón chờ một cái Tết quây quần bên những người thân thì chị đặc biệt nhớ đến các em nhỏ không có cha mẹ bên cạnh. Bản thân có cô con gái nhỏ lên 10, chị Quyên hiểu chính tình thân và sự quan tâm mới là món quà sưởi ấm nhất những ngày đông và cả những tâm hồn trẻ thiệt thòi.
Từ hai năm nay, con gái chị, cháu Chu Đăng Khoa mà ở nhà gọi theo tên Nga là Vika, đã theo chân chị trong các chuyến đi từ thiện. Từ đó cháu tự gom góp đồ chơi cũ và mới, quần áo cũng như đồ dùng học tập để góp với mẹ. Chị Quyên chia sẻ, niềm vui khi thấy con biết đồng cảm và tiết kiệm là cái được lớn của chị ngoài việc nhìn thấy các em nhỏ mồ côi được no đủ, được quan tâm.
Tết ấm các tâm hồn yêu thơ
Trong thời tiết lạnh gần âm 30 độ C, nhưng hơn 40 anh chị em văn nghệ sĩ và các bạn bè yêu thơ và nhạc đã có mặt từ 5 giờ chiều tại Nhà hàng Sen (một nhà hàng quen thuộc với Cộng đồng người Việt tại Matxcơva từ 15 năm nay) để giao lưu thơ ca và âm nhạc mừng Năm mới, hoạt động đón chào Tết cổ truyền do Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga tổ chức.
Hội viên mới Nguyễn Văn Minh (trái) với tác phẩm “Tết về, tôi nhớ những bài thơ về mẹ và về người lính!". Ảnh: Văn Vũ - Bá Chung |
Đặc biệt cùng tham gia chương trình năm nay có Công sứ Lại Ngọc Đoàn, Trưởng Ban công tác Cộng đồng ĐSQ, cũng là một người rất yêu âm nhạc và nghệ thuật, một nhạc công đã có tiếng trong cộng đồng Việt Nam tại LB Nga dù ông mới nhậm chức không lâu.
Qua giới thiệu của nhà thơ Châu Hồng Thủy, Chủ tịch Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga, nhiều người định cư tại LB Nga từng là các nghệ sĩ tại Việt Nam, hoặc đơn thuần là người yêu nghệ thuật. Họ sang LB Nga chủ yếu theo các chương trình của nhà nước từ thời Liên Xô cũ, rồi ở lại kinh doanh, làm ăn, lập gia đình, chọn đất nước Bạch Dương làm quê hương thứ hai.
Năm 1994, một số thành viên tích cực đã quyết định lập Hội với tôn chỉ mục đích là diễn đàn giao lưu và sinh hoạt nghệ thuật, cùng hướng về quê hương và các giá trị văn hóa Việt Nam, đến nay con số thành viên đã có lúc lên đến 150 người, có 7 hội viên là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, 3 hội viên là Hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1 hội viên là Hội viên Hội Nhạc sĩ Nga và Liên Xô, 2 hội viên là Hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Công sứ Lại Ngọc Đoàn là tác giả của nhiều bản dịch bài hát Nga, hình ảnh một nhà ngoại giao chơi nhạc đã trở nên thân thương với đông đảo bà con trong cộng đồng. Ảnh: Văn Vũ - Bá Chung |
Hơn 20 năm qua, Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga đã trung thành với tôn chỉ ấy. Không chỉ tổ chức giao lưu trong giữa các thành viên, Hội còn làm cầu nối giữa các nhà thơ Nga và các nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam như các Đêm Thơ Nguyên tiêu đã được tổ chức đến con số 19, biên soạn và xuất bản các tuyển tập Thơ, mới đây nhất là tuyển thơ “Nối hai đầu Thế kỷ” và Tạp chí Người Bạn Đường số 17 chào mừng 20 năm thành lập Hội, ra báo điện tử, báo in, giúp cho những tâm hồn yêu thơ và nhạc sinh sống tại Nga được hòa mình vào đời sống văn hóa nghệ thuật của quê hương. Các thành viên của Hội như Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt các Tập thơ và sách dịch của mình tại Hà Nội, Nhạc sĩ Phạm Hồng Hà biểu diễn ghi ta cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia…
Tân hội viên, nhà thơ Nguyễn Văn Minh chia sẻ, anh đến với thơ một cách bất ngờ và hoàn toàn ngẫu hứng. 40 năm học tập và lập nghiệp tại LB Nga, cuộc đời trải nhiều thăng trầm, nay đã có tuổi song vẫn còn đau đáu tâm sự riêng về tương lai các con, khi là người Việt Nam nhưng sinh ra và trưởng thành tại nước Nga, xa cách với nền văn hóa quê hương.
Những buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật như thế này là món ăn tinh thần đối với anh, đáp ứng thôi thúc làm thơ, đọc thơ, nghe thơ bằng tiếng Việt. Tuy chưa từng là người lính, song với vốn liếng thơ về lính khá nhiều, anh Minh ấp ủ nguyện vọng trong năm 2017 tới đây cùng với các bạn thơ dịch và xuất bản được tập thơ về cách mạng để chào mừng 100 năm Cách mạng tháng Mười, như một lời tri ân đến đất nước đã là quê hương thứ hai của mình.
Trong giá lạnh xứ hàn đới, lời ca, tiếng đàn, vần thơ cứ tuôn tràn trao gửi, mang sắc Xuân về ấm mỗi tâm hồn Việt, dẫu xung quanh vẫn ngong ngóng cánh hồng đào, hoài niệm hương pháo Tết, bồi hồi về tiết mưa phùn ẩm ướt nỗi nhớ quê.