Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam:

Tác nghiệp trong hoàn cảnh chiến tranh

Cuộc đụng độ quân sự 11 ngày đêm giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas của Palestine vào trung tuần tháng 5/2021 đã gây ra không ít khó khăn, nguy hiểm cho các phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Israel.

Chú thích ảnh
Phóng viên dẫn hiện trường tại thành phố Lod phải dùng thiết bị gọn nhẹ, cơ động.

Cuộc giao tranh giữa Israel và Palestine trung tuần tháng 5/2021 bắt nguồn sâu xa từ các vấn đề sắc tộc, tôn giáo. Vì vậy, mối nguy hiểm không chỉ đến từ bom đạn mà còn là nguy cơ bị những kẻ cực đoan quá khích ở cả hai bên tấn công. Theo thống kê, Hamas và các nhóm vũ trang ở Gaza đã phóng gần 4.000 quả rocket về phía Israel.

Trong 11 ngày diễn ra chiến sự, nhóm phóng viên TTXVN thường trú tại Israel đã có mặt tại hầu hết các điểm nóng, từ thánh địa Jerusalem nơi khởi nguồn của những mâu thuẫn tôn giáo, tới thành phố Lod nơi các cuộc bạo loạn sắc tộc diễn ra từng ngày từng giờ; từ hiện trường tên lửa rơi giữa khu dân cư đông đúc ở thành phố Tel Aviv tới các khu vực miền nam Israel nơi phải hứng chịu những làn “mưa rocket” bắn sang từ Dải Gaza. Đằng sau những hình ảnh, bài viết, phỏng vấn và dẫn hiện trường là tinh thần cảnh giác luôn thường trực trong quá trình tác nghiệp, tự đề phòng và bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm rình rập, có thể mất mạng bất cứ lúc nào.

Bị rocket tấn công nhiều nhất là thành phố miền trung nam gần ranh giới với Dải Gaza, đặc biệt là Askhelon nằm trên “vành đai lửa” của các chùm rocket hướng tới một loạt thành phố quan trọng dọc theo bờ biển Israel. Ngày thứ hai của cuộc chiến, thành phố này đã có hai người thiệt mạng và 90 người bị thương do bị các mảnh văng của rocket rơi trúng các khu dân cư. Đường phố Askhelon giữa trưa nhưng bên ngoài rất vắng vẻ. Bầu trời xanh ngắt càng nổi rõ những vệt khói trắng - đường đi của rocket. Giữa trung tâm thành phố lác đác mới có một vài chiếc xe đi lại. Công sở đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc. Người dân được cảnh báo ở trong phòng trú ẩn cả ngày, chỉ ra đường khi có việc khẩn cấp. Tại ngôi nhà bị tấn công hôm trước, cả bức tường dày phía sau và gara ôtô đã bị đánh sập. Các nạn nhân trong gia đình này đều đã được đưa vào bệnh viện thành phố. Những người hàng xóm vẫn chưa hoàn hồn khi thuật lại sự việc.

Chú thích ảnh
Hiện trường ngôi nhà bị trúng rocket tại Askhelon, nơi có 2 người thiệt mạng.

Với phóng viên nước ngoài, ai cũng phải ghi nhớ những kỹ năng cơ bản nhất để tránh rocket, liên tục theo dõi phần mềm cảnh báo trên điện thoại và học cách lắng nghe tiếng còi báo động để biết rocket đang ở xa hay gần. Gần biên giới với Palestine, tất cả chỉ có 10-15 giây để tìm chỗ trú ẩn. Những lúc không kịp chạy vào tòa nhà nào gần đó thì chỉ còn cách nằm rạp xuống đất, dùng tay che phần đầu và cổ rồi... phó mặc cho số phận quyết định. Tác nghiệp tại các khu vực miền trung và miền nam Israel trong những ngày này nguy cơ bị trúng đạn pháo là rất cao. Có phóng viên cẩn thận mặc cả áo chống đạn và đội mũ sắt. Thế nhưng nguy hiểm không ngăn được các phóng viên đổ về Askhelon bởi một tấm ảnh hoặc một đoạn clip ghi lại hậu quả chiến tranh đôi khi có giá trị gấp hàng nghìn lần lời nói.

Chú thích ảnh
Một mảnh rocket nhỏ tại thị trấn Netivot, gần biên giới với Gaza.

Tại Tel Aviv, trung tâm kinh tế chính trị quan trọng được bảo vệ hàng đầu của Israel, người dân không còn thờ ơ với cuộc chiến như những ngày đầu. Đường phố vắng vẻ hẳn vì nhiều người trú ẩn trong nhà. Dù đã quá quen với những tình huống chiến tranh, đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua người dân nơi đây phải chứng kiến thương vong khi tên lửa rơi xuống các quận Ramat Gan, Holon, Herzilya. Có thời điểm chỉ trong vòng 5 phút phía Hamas đã bắn dồn dập vào Tel Aviv tới 137 quả tên lửa và rocket. Phần mềm cảnh báo trên điện thoại đỏ quạch và tiếng còi báo động liên tục vang lên. Hệ thống phòng thủ “Vòm Sắt” được cho là có thể đánh chặn 90% số tên lửa bắn sang, nhưng 10% còn lại không ai dám chắc sẽ rơi vào đâu.Tâm lý sợ hãi có tác động dây chuyền và đầy ám ảnh.

Ngoài nguy hiểm bom đạn, nguy cơ bị hành hung khi đưa tin từ các thành phố nơi xảy ra xung đột giữa các cộng đồng dân cư cũng là một nỗi lo thường trực với các phóng viên, nhà báo. Với tâm lý thù ghét lẫn nhau giữa hai cộng đồng Do Thái và Arab ở các thành phố có hai cộng đồng cùng chung sống, những đối tượng quá khích đã xuống đường đập phá cửa hàng, nhà cửa, xe ô tô. Một số phóng viên đưa tin tại hiện trường đã bị tấn công và đập phá máy ảnh, máy quay. Trong một số trường hợp nhạy cảm, các phóng viên còn bị chính lực lượng an ninh dùng vũ lực để cản trở tác nghiệp. Không chỉ bị tấn công tại hiện trường, một số nhà báo địa phương còn nhận được những lời đe dọa tính mạng với lý do đưa tin không cân bằng, hoặc không ủng hộ bên này hoặc bên kia. Trên một số nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội như WhatsApp, Facebook hay Telegram, những kẻ cực hữu chửi bới, dọa nạt và huy động nhau tấn công phóng viên.

Chú thích ảnh
Phỏng vấn thị trưởng Askhelon.

Một số phóng viên bản địa có điều kiện đã được tòa soạn cử thêm vệ sĩ bảo vệ trong lúc tác nghiệp. Còn với các phóng viên khác, bản năng thường trực là quan sát và... chạy bất cứ khi nào có nguy hiểm. Mối đe dọa đôi khi chỉ thể hiện qua một ánh mắt thiếu thiện cảm của một phần tử cực hữu nào đó. Khi tác nghiệp tại thành phố Lod, các phóng viên đi tác nghiệp ít nhất phải có 2 người hỗ trợ nhau, có hình nhận diện phóng viên Việt Nam để tránh bị hiểu lầm. Quần áo gọn gàng, giày thể thao, thiết bị quay chụp nhỏ gọn, cơ động để có thể nhanh chóng rút lui khi cần.

Theo thống kê của Liên minh Nhà báo Israel, ít nhất 20 phóng viên các cơ quan báo chí đã bị tấn công gây thương tích hoặc bị đe dọa kể từ khi các cuộc bạo lực xảy ra ở Jerusalem cho đến khi cuộc xung đột chấm dứt vào ngày 21/5. Phía Palestine có một nhà báo thiệt mạng do trúng tên lửa. Rất may, các phóng viên của TTXVN thường trú tại địa bàn vẫn giữ được an toàn và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nỗi sợ hãi đã không thể ngăn cản phóng viên xông ra hiện trường phản ánh toàn cảnh cuộc chiến, với hàng trăm tin bài, phỏng vấn, phóng sự và chùm ảnh nóng hổi gửi về phục vụ bạn đọc trong nước.

 
Vũ Hội (P/v TTXVN tại Israel)
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Tôi đã thấy lấp lánh những điều giản dị
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Tôi đã thấy lấp lánh những điều giản dị

Những tấm lòng yêu nước, thương nòi mà tôi đã gặp, là tiêu biểu nhưng không đơn lẻ ở “xứ sở lá phong”, nơi cộng đồng khoảng 250.000 người Việt cùng sẻ chia một cội nguồn lịch sử, cùng kế thừa một di sản văn hóa tinh thần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN